Chuyện lùi giờ học và cái lò nướng của bà ngoại

Trong tuần qua, nếu ai thường đưa con đi học ở TPHCM sẽ nhận thấy một sự thay đổi lớn: không còn cảnh phụ huynh lao xe vun vút trên đường, có khi chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, còn học sinh hớt hơ hớt hải chạy bộ hay quýnh quáng phóng xe đạp, xe máy nữa. Sự thay đổi lớn đó đến từ một điều chỉnh nhỏ của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM: cho phép lùi giờ học không sớm hơn 7 giờ sáng.

Đối với nhiều trường, việc lùi giờ học này thực chất chỉ là “lùi giờ đóng cổng trường” thêm 15-25 phút, còn giờ học vẫn bắt đầu từ 7 giờ không đổi. Trước đây, dù 7 giờ mới bắt đầu tiết học đầu tiên nhưng nhiều trường quy định giờ đóng cổng là 6 giờ 45 hay có trường là 6 giờ 35. Với giờ đóng cổng như vậy, nỗi ám ảnh đi trễ luôn đè nặng tâm trí học sinh vì đến trễ giờ đóng cổng sẽ bị ghi tên, đi trễ ba lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Ngoài ảnh hưởng có hại cho tâm lý học sinh và phụ huynh, việc phải “chạy đua” cho kịp giờ đóng cổng như vậy cũng là một trong những lý do dẫn đến tai nạn giao thông. Đã có những vụ bị thương tích rất nặng như một học sinh lớp 10 bị xe khách đụng khi cách trường chỉ còn 50 mét hồi tháng trước. Trong mấy năm đưa con đi học, đặc biệt vào mùa mưa, không ít lần người viết bài này chứng kiến học sinh trượt chân té nhào khi chạy bộ hay té xe khi gấp rút chạy đến trường cho kịp giờ đóng cổng. Nhìn các em lấm lem bùn đất, trầy trụa chân tay thật xót xa.

Sau khi có quy định mới, các trường đã lùi giờ đóng cổng đến 6 giờ 55, tức chỉ chậm thêm 10-20 phút nhưng lợi ích mang lại rất lớn. Cảnh tượng phụ huynh, học sinh phải đua xe bất đắc dĩ hầu như không còn nữa, tâm lý học sinh cũng thoải mái vì thoát được nỗi ám ảnh bị ghi tên, hạ hạnh kiểm.

Việc thay đổi có lợi như thế này hầu như không ảnh hưởng đến thời khóa biểu vì giờ học vẫn như cũ. Tuy nhiên, vấn đề này trước đây mỗi khi được đưa ra thảo luận trên báo chí hay các cuộc họp của ngành giáo dục thì đều bị bàn ra với những lý do rất vĩ mô như “để hạn chế kẹt xe” hay “tránh gây ảnh hưởng đến kế hoạch học tập”… Thực tế cho thấy, việc thay đổi giờ đóng cổng trường như vậy lẽ ra cần áp dụng từ lâu, nhưng mãi đến khi chính Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thay đổi cách nghĩ thì mới áp dụng được.

Một việc tương tự cũng tại TPHCM là bảng chỉ đường. Bảng tên đường, tên cầu ở Việt Nam có từ thời Pháp thuộc khi đường hẹp, xe cộ thưa thớt và tốc độ chậm vẫn phù hợp đến thập niên 1990, thời kỳ xe đạp, xe hai bánh nhiều và xe hơi còn ít và đường khá trống trải.

Tuy nhiên, sau hàng thế kỷ mà bảng tên đường trong đô thị như TPHCM vẫn giữ nguyên kích thước, cỡ chữ và cách đặt bảng trên cột bên phải thì không còn phù hợp nữa. Giữa dòng xe chen chúc “bơi” trong đô thị như TPHCM, việc đọc được bảng tên đường ở khoảng cách đủ để chuyển hướng là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Tương tự, các bảng báo giao thông cũng vậy, đa số đặt bên phải và thấp khiến nhiều tài xế bị phạt oan uổng vì không thể đọc kịp, nhất là với các đường 2-3 làn xe(*). Chính vì vậy mới có tình huống là hồi năm trước, người dân tự làm thêm một bảng báo cấm xe hơi quẹo trái theo giờ từ đường Cách Mạng Tháng Tám vào đường Tân Kỳ Tân Quý và cắm trên dải phân cách giữa đường. Bảng báo “dân lập” này rất dễ thấy nên được người dân, đặc biệt là người lái xe hơi, hết lời khen ngợi vì bảng báo “chính quy” đặt bên phải đường khó đọc khi xe cộ đông đúc.

Sau đó, ngành giao thông xuống tháo bảng này đi và ít hôm sau thì họ cắm một bảng báo “chính quy” thay thế cho bảng báo sáng kiến nhân dân kia. Việc cầu thị từ bảng báo “dân lập” của ngành giao thông còn đi xa hơn, gần đây thêm nhiều bảng báo bổ sung đặt ở giải phân cách ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các giao lộ trong thành phố.

Hai câu chuyện trên đây cho thấy, việc thay đổi không khó, cái khó là thắng được quán tính “xưa nay vẫn làm như vậy” cho dù cuộc sống, xã hội đã thay đổi rất nhiều như câu chuyện cái lò nướng dưới đây.

Người Mỹ có câu chuyện thú vị, anh chàng John luôn thắc mắc khi vợ anh nướng cá thì phải cắt phía đuôi một đoạn 10 cen ti mét. Khi được hỏi cắt như vậy để làm gì thì vợ John trả lời bà thấy mẹ mình làm thế. John hỏi mẹ vợ thì bà cũng trả lời làm giống mẹ mình. Không chịu thua, John gặp bà ngoại vợ để hỏi thì bà phá lên cười, giải thích ngày xưa do không có tiền mua lò nướng lớn nên bà phải mua lò nhỏ, khi nướng thì cắt ngắn con cá để bỏ lọt vào lò!

Vậy đó, chúng ta hay theo quán tính và làm theo thói quen mà không thắc mắc: Tại sao phải làm thế này? Có thể làm cách khác hay không? Có thể làm gì cho tốt hơn không? Tư duy phản biện sẽ ngủ quên khi chúng ta chỉ chăm bẳm vào việc làm “đúng”, mà thực chất là làm giống như cái cũ đã có và bỏ qua cơ hội thay đổi tích cực mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội.

———

(*) https://thesaigontimes.vn/de-bien-bao-giao-thong-khong-vo-tinh-tro-thanh-bay/

Tân An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-lui-gio-hoc-va-cai-lo-nuong-cua-ba-ngoai/