Chuyện lạ rạp chiếu Việt: Phim điện ảnh Việt Nam 'bốc hơi' khỏi phòng vé

Thời điểm hiện tại, phim Việt 'mất hút' khỏi hệ thống rạp chiếu trên cả nước, không có một bộ phim điện ảnh ra mắt trong 3 tháng hè tới. Đây là hiện tượng chưa từng có làng điện ảnh trong 3 thập kỷ qua.

Tại quầy vé Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, khán giả lựa chọn các bộ phim dành cho thiếu nhi. Ảnh Mộc Miên

Cuộc “so găng” bất bại của phim ngoại

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội), đối tượng khán giả chủ yếu là thiếu nhi. Dịp nghỉ hè, các gia đình lựa chọn đưa con trẻ đến rạp chiếu phục vụ nhu cầu giải trí. Các bộ phim được yêu thích là “Người nhện du hành” (Mỹ), Nàng tiên cá (Mỹ), Doraemon vùng đất (Nhật Bản); Cuộc chiến bất tử (Mỹ),…

Hướng đến giới trẻ là các bộ phim “bom tấn” như Fast & Furious 10, Transformers: Quái thú trỗi dậy, Vệ binh dải ngân Hà 3, Flash,…

Việc “đo” lượng khán giả hằng ngày, phía Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng cập nhật các tác phẩm ăn khách để đặt lịch chiếu “ưu tiên”.

Hiện tại, hai bộ phim như Transformers: Quái thú trỗi dậy (Mỹ) và Flash (Mỹ) có các suất chiếu dày đặc trong ngày. Hai bộ phim đều chung thể loại hành động, khoa học viễn tưởng. Với nội dung hấp dẫn, kỹ xảo điện ảnh tốt đây là cuộc đua giành thứ hạng của các bộ phim Hollywood. Đặc biệt, Fast & Furious 10 vẫn là cái tên bảo chứng thương hiệu “bom tấn” phòng vé.

Thị trường phim châu Á với sự xuất hiện với các bộ phim “Tà chú cấm” (Thái Lan) và “Quý công tử” (Hàn Quốc), “Mẹ ơi, đừng khóc” (Hàn Quốc) cùng khởi chiếu tại rạp từ ngày 23/6/2023.

Khác với sự sôi động của các bộ phim quốc tế, dự án phim Việt Nam hoàn toàn "đóng băng” trong suốt 3 tháng hè. Sau “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” rời rạp cũng là lúc rạp chiếu Việt hoàn toàn vắng bóng phim nội địa. Như vậy, từ tháng 6 đến tháng 9 tới, hệ thống rạp chiếu là cuộc “so găng” của các bộ phim nước ngoài.

"Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” chính thức rời rạp vào giữa tháng 6/2023

Theo chia sẻ của một nhân viên bán vé tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong tháng 6/2023 duy nhất có bộ phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải trụ tại rạp với các suất chiếu ít ỏi. Nhờ hiệu ứng truyền thông nên bộ phim của Lý Hải mới có thể trụ tại rạp thời gian dài. Thế nhưng, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” cùng chung số phận rời rạp chiếu kể từ ngày 16/6/2023.

Trước đó, khởi chiếu từ ngày 28/4, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã lật đổ thành tích của “Hai Phượng” (Ngô Thanh Vân) để lọt vào danh sách Top 3 phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử. Hiện bộ phim có doanh thu gần 300 tỷ đồng theo sau thành tích của “Bố Già” (400 tỷ đồng) và “Nhà bà Nữ” (gần 500 tỷ đồng).

Nhìn vào doanh thu của thị trường nội địa 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy phim điện ảnh Việt vượt doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là con số ấn tượng nhất lịch sử phim Việt trong nhiều thập kỷ qua.

Đóng góp vào thành tích chung là các dự án phim ăn khách như “Nhà bà Nữ” (gần 500 tỷ đồng); “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (gần 300 tỷ đồng); “Chị chị em em 2” (hơn 121 tỷ đồng); “Siêu lừa gặp siêu lầy” (gần 122 tỷ đồng); “Con nhót mót chồng” (hơn 75,5 tỷ đồng).

“Nước cờ” mạo hiểm

Trái ngược với doanh thu “khủng” là số lượng phim hạn chế. So với cùng kỳ năm 2022 có số lượng phim Việt 24 dự án phim được khởi chiếu thì 6 tháng đầu năm 2023, vỏn vẹn 10 tác phẩm ra rạp.

Không “thừa thắng xông lên”, phim Việt 6 tháng cuối năm có phần chững lại, nhường đất cho các dự án ngoại cạnh tranh.

Lý giải phim nội địa Việt gần như “bốc hơi” khỏi sân nhà trong 3 tháng hè năm nay, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, mùa hè luôn là thời điểm để các nhà làm phim Hollywood tung các dự án phim đã trở thành “thương hiệu”. Vì thế, các nhà làm phim Việt e ngại việc đụng độ với các phim “bom tấn”. Họ chờ đợi “thời điểm vàng” để tạo hiệu ứng doanh thu phòng vé.

Một nguyên nhân khác do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.

Năm 2022 chứng kiến hiện tượng các bộ phim ồ ạt ra rạp vì thời điểm “đóng băng” rạp chiếu năm 2020 và 2021. Bởi nhà sản xuất lo ngại để phim tồn kho, hoãn chiếu, dời lịch vì dịch bệnh.

Trước đó, dự án “Huyết rồng” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - bộ phim khai thác cuộc đời vị vua tranh cãi nhất lịch sử phong kiến Việt Nam Lê Long Đĩnh phải tạm ngưng vì thiếu vốn đầu tư.

Hiện nay, bùng nổ các bộ phim kênh truyền hình trả tiền cũng tạo tâm lý cho khán giả có xu hướng ở nhà xem phim nhiều hơn.

Khó có thể tận dụng sức nóng của phim mùa hè để sản xuất kịp đưa tác phẩm lên màn ảnh, các nhà sản xuất đành bó tay đứng nhìn sự oanh tạc của suất chiếu ngoại.

Phim "Kẻ ẩn danh" là phim điện ảnh Việt chào sân dịp lễ 2/9/2023

Được biết, từ nay đến cuối năm, xuất hiện 4 dự án phim đã ấn định lịch chiếu là “Kẻ ẩn danh” của đạo diễn Trần Trọng Dần (dự kiến chiếu dịp lễ 2/9) và “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (dự kiến chiếu ngày 20/10); phim “Móng vuốt” đạo diễn Lê Thanh Sơn (dự kiến khởi chiếu 12/12). Nổi bật là phim “Quỳnh hoa nhất dạ” đạo diễn Lý Minh Thắng (dự kiến khởi chiếu ngày 12/12). Khác với các phim thể loại hài, hành động, kinh dị, “Quỳnh hoa nhất dạ” là một bộ phim dã sử về cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga, nữ diễn viên chính đảm nhận nhân vật lịch sử là người mẫu Thanh Hằng.

Riêng loạt phim đã hoàn thành như “Mặt nạ Fanti”, “Tết ở làng địa ngục”, “Người vợ cuối cùng”… vẫn chưa thấy ấn định lịch chiếu.

Trước thực trạng phim điện ảnh Việt “vắng bóng” 3 tháng hè cho thấy, phim Việt “bỏ lỡ” mùa phim sôi động, mùa phim mà giới trẻ thanh thiếu niên, học sinh nghỉ học, có điều kiện ra rạp xem phim.

Nhằm tạo “cú hích” cho phim điện ảnh Việt đòi hỏi nhà làm phim cần sáng tạo các bộ phim chất lượng về kịch bản và tuyển chọn diễn viên phù hợp với vai diễn mới thúc đẩy khán giả quyết định đặt vé.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chuyen-la-rap-chieu-viet-phim-dien-anh-viet-nam-boc-hoi-khoi-phong-ve-341214.html