Chuyện không ngờ về bà hàng xóm khó ưa, thường xuyên gõ cửa lúc sáng sớm

Chắc tuổi già ít ngủ, lại nuôi chó nên cứ tầm 6h sáng bà hàng xóm đã dậy và dắt chó đi dạo nhân tiện quan sát tình hình khu vực như một cảnh sát thực sự. Khoảng 7-8h sáng mà bị bấm chuông thì chắc chắn là bà.

Bà là hàng xóm nhà tôi. Một người phụ nữ Đức nhỏ nhắn chắc cũng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhanh nhẹn. Nhanh nhẹn cả ở dáng đi, cả ở cặp mắt xanh màu bi ve luôn lấp lánh, linh hoạt như mắt mèo. Dường như chẳng có gì lọt qua cặp mắt tinh anh luôn nhìn như rọi vào người đối diện của bà.

Là hàng xóm từ lâu nhưng tôi không biết tên bà. Với người Việt, việc nhớ tên một người Đức còn khó hơn nhớ một từ mới. Thấy bà đi đâu cũng dắt theo một con chó nhỏ nên tôi tiện mồm gọi là “Bà dắt chó”. Vừa dễ nhớ, vừa gợi hình ảnh.

Cái sự không nhớ tên một ai đó cũng một phần vì mình không có thiện cảm với người ta. Chứ yêu thương, gần gũi xem. Tên dài và khó đến đâu cũng thuộc nằm lòng.

Tôi không có thiện cảm với bà dắt chó cũng là có nguyên do. Vốn nhà làm quán nên thức khuya, dậy muộn vậy mà không ít lần cả nhà tôi bị dựng dậy vì tiếng chuông cửa gắt gỏng. Cố tình không dậy thì người bên ngoài cũng cố tình nhấn chuông cho bằng dậy thì thôi. Đang ngái ngủ, cửa vừa mở đã thấy một đôi mắt xanh như mắt mèo nhìn xoáy vào mình. Ngồi chồm chỗm cạnh đấy là một con chó. Con chó nhỏ thó, đôi mắt cũng xanh tựa mắt chủ nhìn tôi vẻ đe dọa.

"Có phải đêm qua ngài đã vứt rác vào thùng rác chung mà không phân loại?", người phụ nữ đứng trước mặt tôi nói giọng nhỏ, nhẹ nhưng lạnh sắc.

Bị làm phiền, muốn cho xong chuyện tôi cãi quấy quá: "Không, không phải của nhà tôi. Từ hôm qua tới giờ nhà tôi chưa hề vứt rác".

"Chỉ của nhà ngài thôi. Tôi đã xem trong túi rác đó. Toàn sản phẩm nhãn mác châu Á. Cả chai nước mắm có hình con cá mực to tướng. Cả chung cư này mỗi nhà ngài là người Việt Nam".

Nói đến thế thì tôi cứng họng. Chắc bà vợ tôi đêm qua trước khi đi ngủ đã vứt ẩu. Tôi đành bấm bụng xin lỗi và dù ngái ngủ cũng phải theo bà dắt chó xuống tận thùng rác moi lại túi rác của nhà, phân loại, rồi cho vào từng thùng theo đúng quy định. Từ đó với gia đình tôi bà dắt chó còn có thêm biệt danh nữa là “Cảnh sát khu vực”.

Chắc tuổi già ít ngủ, lại nuôi chó nên cứ tầm 6h sáng bà đã dậy và dắt chó đi dạo, nhân tiện quan sát tình hình khu vực như một cảnh sát thực sự. Khoảng 7-8h sáng mà bị bấm chuông thì chắc chắn là của “Cảnh sát khu vực”.
Tiếng chuông réo. Mở cửa. Một cặp mắt xanh đứng. Một cặp mắt xanh ngồi. Cặp mắt xanh đứng, nói:
"Hôm nay thứ 5. Nhân viên vệ sinh lau toàn bộ hành lang tòa nhà. Đề nghị ngài cất thảm chùi chân vào trong". Cặp mắt xanh ngồi nhau nhảu sủa mấy tiếng phụ họa.

Lại chuông réo. Mở cửa. Cặp mắt xanh đứng, nói: "Cửa kho dưới tầng hầm của nhà ngài đồ chất chiếm cả đường đi chung. Đề nghị ngài thu gọn lại".
Cặp mắt xanh ngồi lại vẫn gióng đúng ba tiếng nhau nhảu vào hùa.

Bà hàng xóm dắt chó quen thuộc

Khi chung cư đón thêm một đồng hương người Việt của tôi về cư ngụ, với tư cách “ma cũ” tôi cũng cảnh tỉnh người hàng xóm mới về thái độ săm soi của bà dắt chó “Cảnh sát khu vực”. Người mới dọn đến ở ngay tầng dưới nhà tôi tức là nằm đúng tuyến đường đi tuần mỗi ngày của bà dắt chó.

Một đêm tôi đi làm về nhìn thấy cửa nhà người đồng hương nham nhở vết băm bổ. Chắc chắn nhà này bị trộm cạy cửa. Tôi bấm chuông gọi. Người đồng hương mở cửa. Câu đầu tiên anh ta nói: "May quá anh ạ". Rồi hào hứng kể: "Hôm nay mà không có bà dắt chó phát hiện thì nhà em mất hết. Mà bà cụ cũng liều. Thấy chúng nó đang dùng xà beng phá cửa mà dám hô hoán, ngăn cản. Lại được con chó bé thế mà cứ lao vào cắn thành ra chúng nó bỏ chạy. Bà cụ sau đó còn gọi cảnh sát. Cảnh sát gọi cho em, em mới biết mà về".

Mấy hôm sau gặp, lại nghe cậu em hàng xóm tâm sự. Hôm vừa rồi, em bảo vợ làm nem thật ngon, rán thật giòn. Người Đức ai chẳng thích món ăn Việt này. Cả bún, cả nem còn đang nóng hôi hổi em bảo vợ mang lên biếu bà, cũng là để thay lời cảm ơn.

Bà nhìn những cái nem vàng ươm, thơm phức, hít hà ra điều thích thú rồi vui vẻ bảo: "Cô mang xuống nhà cho bọn trẻ ăn đi. Tôi biết là cô làm rất ngon nhưng tôi không thể ăn vì tôi là người ăn kiêng. Thịt thà, dầu mỡ đều không ăn được. Với lại tuổi này cũng chẳng ăn được là bao. Từ lần sau cô không phải mang gì lên nữa". Rồi bà ôm vai vợ em dịu giọng bảo: "Hàng xóm bảo vệ nhau là lẽ thường. Ai gặp chuyện đó cũng làm như tôi thôi"

Sau vụ đó tôi nhìn bà dắt chó với con mắt thiện cảm hơn hẳn.

Dịch Covid-19 bùng phát, nước Đức chủ quan nên những ngày đầu khá luống cuống. Mọi người đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Trong các siêu thị khay kệ trống hoác. Không khí căng thẳng. Hai mặt hàng thiếu thốn nhất là khẩu trang và giấy Toilette. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường nhất là người già. Quán xá, tiệm tùng đóng cửa. Bàn ghế chổng ngược. Đèn đóm tắt ngóm. Mới chập tối mà đường xá vắng tanh. Tối om. Trời đang tiết xuân ấm áp mà cảm giác lạnh đến rợn người.

Mấy ngày liền không thấy bà dắt chó xuất hiện. Tôi liền bảo thằng con trai: "Quân lên nhà bà dắt chó xem bà có cần giúp đỡ gì không, tiện mang tặng bà mấy cái khẩu trang vải mẹ vừa may". Mươi phút sau thằng bé hớn hở trở về: "Bà vui lắm. Bà bảo bà không biết nhà mình còn có con. Bà hỏi tên con và giới thiệu tên bà là Karin. Bà gửi lời cảm ơn bố mẹ. Nhưng khẩu trang bà không nhận vì bà có cái này rồi".

Nó móc trong túi ra cái khẩu trang bằng vải hoa. "Bà bảo cái này của bà bị rộng quai. Mẹ cắt ngắn bớt cho bà được không?". Vợ tôi cắt và may ngắn lại cái dây khẩu trang của bà. Cầm thêm một cái mới mang lên cho bà. Bà chỉ nhận lại cái cũ của mình, bảo: "Tôi cần một cái này là đủ. Những cái khác nếu thừa, cô mang cho người khác. Dịch bệnh này nhiều người cần lắm. Cầm mà không dùng phí đi".

Từ đó thi thoảng có chuông cửa, tôi ra mở, vẫn là bà dắt chó nhưng thay vì bị nhắc nhở, bà dúi cho tôi một túi nhỏ. Cặp mắt xanh không xói vào mặt tôi như mọi khi. Con chó nhỏ cũng im re, chả ho hắng lấy một tiếng. Bà nói giọng nhỏ nhẹ: "Tôi gửi cái này cho Quân".

Mở ra khi thì một cái bánh, gói kẹo. Khi thì một bịch khẩu trang, hộp găng tay. Những thứ mà mùa dịch rất quý. Kèm theo những món quà là những bức thư viết tay. Màu bút bi tím trên trang giấy trắng với nét chữ nắn nót như nét chữ học trò. Là những lời hỏi thăm ân cần của một người bà gửi thằng cháu nhỏ.

Một hôm tôi đi làm về thì bà vợ hớn hở khoe. Hôm nay em gặp bà dắt chó. Cùng đi với bà cả đoạn đường ra siêu thị. Hóa ra bà sinh cùng tháng 4 với em. Chỉ sau một tuần. Sau khi hỏi tuổi, bà cười bảo. Vậy là tôi bằng tuổi mẹ của cô. Hóa ra bà đã ngoài tám mươi. Bà có đứa con trai đang ở Tây Đức. Có thằng cháu nội bằng tuổi Quân nhà mình. Nhìn Quân là bà nhớ đến thằng cháu đang ở xa. Lâu rồi vì dịch bệnh bà cháu không gặp nhau.

Hôm sinh nhật vợ tôi. Vừa từ nhà xuống cửa, tôi gặp bà dắt con chó, chắc vừa đi siêu thị về. Tay cầm bó hoa và một túi nhỏ. Bà dúi tất cả vào tay tôi và bảo: "Ngài mang về cho vợ ngài. Chúc cô ấy tuổi mới mọi sự tốt lành". Rồi bà dịu giọng hơn: "Ngài có cô vợ rất tốt và cậu con trai thật ngoan. Hãy đối xử tốt với họ nhé". Rồi bà nheo mắt cười. Ánh mắt xanh ánh lên niềm vui.

Hùng Lý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-khong-ngo-ve-ba-hang-xom-kho-ua-thuong-xuyen-go-cua-luc-sang-som-2241076.html