Chuyện Khó Tin có thật

Nhà của ba chồng tôi là 28/17 Bùi Viện Q1, TP Hồ Chí Minh và nhà của nhân vật chính trong bài viết này ở 28/15, hai nhà chung vách nhau nên chúng tôi biết rõ từng chi tiết một trong gia đình người láng giềng mà chúng tôi và cả xóm đều gọi là chú thím Sáu trồng răng.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Cô Sáu thuở ấy ở một mình trong ngôi nhà nói trên sau khi ba mẹ lần lượt qua đời. Mẹ cô làm nghề cho vay lãi nhẹ. Lúc ấy là 3% mỗi tháng và sau khi ba mẹ mất đi cô tiếp tục nghề của ba mẹ mình. Đó là mức lãi suất mà người bình dân Sài Gòn chấp nhận và không lên án.

Rồi cô gặp một anh lưu lạc từ miền Trung vào. Cả xóm không ai biết lai lịch của anh này, nhưng thấy họ sống với nhau rất hạnh phúc. Lúc đầu anh không có nghề nghiệp gì, nhưng sau đó anh thi vào trường cán sự y tế và tốt nghiệp ngành răng. Ra trường, cô Sáu mua trang thiết bị mở phòng răng cho anh tại căn nhà trên. Anh Sáu khéo tay và giá mềm nên họ làm ăn rất phát đạt.

Sáng sáng anh Sáu ra một quán cà phê nhỏ ở Ngả Tư Quốc Tế ( ngày xưa ngả tư Bùi Viện và Đề Thám được gọi là Ngả Tư Quốc Tế) trong khi cô Sáu đi chợ lo nấu ăn và chuẩn bị vệ sinh phòng mạch. Chuyện vẫn êm đềm xảy ra đến khi có một trong những người hàng xóm báo cho cô Sáu biết là Chú Sáu có quan hệ với một người phụ nữ khác và cô ấy đang mang thai.

Lúc ấy (60 năm về trước) nhà còn vách ván nên hai bên nhà nếu cố ý nghe lén chuyện của nhau là có thể nghe rất rõ. Tối hôm ấy, bọn con nít anh chị em chồng và má chồng tôi áp tai vào vách để xem Cô Sáu có phản ứng ra sau với ông chồng phản bội này.

" Anh nè, anh ăn ở với người ta có thai mà sao không báo cho em biết. Người ta là con gái từ quê lên tản cư nghèo khổ, mỗi ngày quảy gánh trên vai, bán từng miếng bánh, từng trái cây thì lời được bao nhiêu tiền, rồi bụng bầu, đẻ chửa tiền đâu mà sinh sống? Bao nhiêu tiền của anh làm ra , em giữ hết rồi. Mấy cái tiền lặt vặt cà phê của anh làm sao cô ấy sống đủ?"

" Anh sợ em buồn vì...anh là thằng lang thang, em cưu mang mọi thứ mà ...anh lại phản bội em".

"Nếu là phản bội thì cũng đã phản bội rồi. Bây giờ lại thêm bỏ vợ bỏ con. Có tội với người ta không? Thôi thì em mồ côi, sống một mình bơ vơ lắm. Em rất cần anh. Em cũng không nỡ để cha con anh xa nhau nên anh cứ nói mẹ con cô ấy về sống chung cho vui. Vợ chồng mình cũng không có con. Có thêm người cho vui."

Không biết họ bàn bạc thế nào nhưng người phụ nữ kia nhất quyết không về ở chung. Thế là cô Sáu mỗi tháng chu cấp cho người vợ nhỏ mỗi tháng 4 ngàn đồng. Thăm hỏi đàng hoàng. Cô còn mua một ngôi nhà cho hai mẹ con cô kia có chỗ nương thân. Mỗi chủ nhật hại vợ chồng chú thiếm Sáu đi thăm con và cô vợ hai.

Năm tháng qua nhanh. Chú Sáu bệnh rồi qua đời. Cô Sáu già bị tai biến nên sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Người con trai bây giờ đã lớn. Họ đến xin rước cô Sáu về nhà chăm sóc rất chu đáo. Mẹ chồng tôi thường xuyên đi thăm cô Sáu vì gia đình bên chồng tôi rất quý cô Sáu. Biết được long nhân hậu thật sự của người vợ sau và người con chồng nên gia đình bên chồng tôi rất an tâm.

Cô Sáu bán ngôi nhà ở địa chỉ trên để đi theo sống với nguồi vợ nhỏ của chồng. Nhiều người cũng đã bán nhà ra đi. Xóm cũ đã thành khu phố Tây Ba lô, nhưng câu chuyện của cô Sáu thì các chị em chồng tôi đều nhớ rõ. Họ thường hay dùng câu" Ăn ở có hậu" để nói về gia đình đó.

Chuyện quê

Nguyễn Ngọc Yến

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-kho-tin-co-that-1-a23672.html