Chuyển hướng phát triển dự án bất động sản ra ngoài TP. HCM, Hà Nội gây tác động tiêu cực?

Theo ông David Jackson, việc các nhà đầu tư đổ về các tỉnh ngoài hai thành phố lớn là TP. HCM, Hà Nội sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường, chẳng hạn như sốt đất đang diễn ra ở nhiều nơi.

Theo khảo sát của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, quý I/2021 ghi nhận nguồn cung căn hộ và lượng tiêu thụ mới tại TP. HCM giảm mạnh, lần lượt chỉ bằng 35% và 34% so với quý trước. Đây là mức giảm thấp nhất trong 6 năm qua.

Trong khi đó, các đô thị vệ tinh liên tục bứt phá, thu hút mạnh các nhà đầu tư đổ về như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương…

Đơn cử, Tập đoàn CBRE cho biết các dự án trên cung đường đắc địa nhất Bình Dương là Quốc lộ 13 (TP.Thuận An) có giá khoảng từ 33-38 triệu đồng/m2 (căn hộ trung cấp) và 40-45 triệu đồng/m2 (căn hộ cao cấp). Bên cạnh đó, dự án cao cấp tại Thuận An có mức tiêu thụ ấn tượng trên 80-90% trong năm 2020.

Phân tích nguyên nhân các chủ đầu tư chuyển hướng ra nhiều tỉnh thành thay vì tập trung vào thị trường TP. HCM và TP. Hà Nội, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Cụ thể, do các thành quả tăng trưởng kinh tế - xã hội được phân bổ khá đồng đều nên cư dân đô thị đang tăng lên nhanh chóng.

Hiện cư dân ở những đô thị xung quanh Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng hay thậm chí xa hơn vẫn có sự kết nối rất tốt về về thông tin, dịch vụ hay hàng hóa. Điều kiện sống dần tốt hơn đồng nghĩa với nhu cầu về các không gian sống “xứng tầm” cũng dần nhiều hơn.

“Hơn ai hết, các chủ đầu tư hiểu rất rõ nhu cầu này và họ lập tức tìm cách đáp ứng, triển khai nhiều dự án đa dạng công năng, đưa ra cho khách hàng rất nhiều lựa chọn”, ông David Jackson nói.

Song, bài toán muôn thuở của nhà đầu tư là mua bất động sản (BĐS) ở đâu, dự án nào và cả chiến lược rút lui. Đặc biệt, khi có nhiều BĐS được bung ra cùng thời điểm và xu hướng giá tăng lên sẽ xuất hiện hiện tượng “lướt sóng” nhiều hơn. BĐS từ đó “qua tay” nhiều người, khiến giá tăng “chóng mặt”.

“Điều này rõ ràng tác động tiêu cực đến thị trường, chẳng hạn như sốt đất đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong khoảng 5-6 năm nữa sẽ không có quá nhiều vấn đề thực sự phức tạp. Nhưng về dài hạn, tôi cho rằng nhiều người vẫn giữ tâm lý 'lướt sóng' và đây chính là vấn đề", ông David Jackson nêu quan điểm.

Theo ông, Việt Nam có thể tham khảo cách làm của Singapore khi họ khuyến khích các sáng kiến để có thêm nhiều mảng xanh trong căn hộ hay khu dân cư. Bằng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, Việt Nam cũng có thể có những đột phá với mô hình “smart city – thành phố thông minh” và góp phần vào sự phát triển bền vững nói chung.

Đối với chủ đầu tư, ông David Jackson cho rằng họ cần lưu ý về cơ sở hạ tầng ở khu vực xung quanh dự án. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư cũng nên quan tâm đúng mức đến quy trình xây dựng, bụi bặm từ công trường hay việc rác thải sẽ được chuyển đến đâu…

"Khách hàng người Việt rõ ràng còn quan tâm nhiều đến chất lượng không gian sống, các điểm nhấn kiến trúc, sự độc đáo trong bài trí hay thậm chí cả phong thủy theo quan niệm dân gian. Chủ đầu tư cần nắm bắt tâm lý, tạo được các giá trị bền vững cho khách hàng", ông David Jackson nhấn mạnh.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-huong-phat-trien-du-an-bat-dong-san-ra-ngoai-tp-hcm-ha-noi-gay-tac-dong-tieu-cuc-post127807.html