Chuyện học giả Nga giải mã 'báu vật' thời Hùng Vương 100 năm trước

Vào cuối những năm 1990, kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn của lý thuyết Văn hóa Đông Sơn mà nhà khoa học Nga Viktor Golubev là người đầu tiên đề xuất.

Trống đồng được coi là “báu vật” của văn hóa Đông Sơn – nền văn hóa gắn với người Việt thời đại Hùng Vương. Những chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện vào cuối thế kỷ 19, khi khái niệm "văn hóa Đông Sơn" chưa ra đời. Ảnh: Trống đồng Sao Vàng, chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất từng được phát hiện.

Vào thời điểm đó, trống đồng được gọi là “trống cầu mưa”, chỉ được coi là đồ thủ công bản địa và không thu hút được sự chú ý đặc biệt từ các chuyên gia. Những hiện vật này chỉ có được sự vinh quang gắn với văn hóa Đông Sơn nhờ nhà khảo cổ học Nga Viktor Golubev. Ảnh: Hình ếch / cóc – biểu tượng của mưa – trên trống đồng Sao Vàng.

Theo hãng tin Sputnik, Ông Viktor Golubev sinh năm 1878 và theo học tại Đại học St. Petersburg. Quan tâm đến khảo cổ học và lịch sử cổ đại phương Đông, vào thập niên 1910 Golubev đã du hành đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ấn Độ, Ceylon và Indonesia. Ảnh: Trống minh khí – mô hình thu nhỏ của trống đồng, dùng để chôn theo người đã khuất.

Năm 1920, Golubev đến công tác tại viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Trong chuyến du khảo năm 1925, ông thấy ở chợ Thanh Hóa một đồ vật bằng đồng cổ xưa và cách chế tác rất độc đáo. Hỏi người bán, ông được biết vật đó được tìm thấy ở gần làng Đông Sơn. Ảnh: Trống đồng Hoàng Hạ, một trong những trống đồng Đông Sơn nổi tiếng nhất Việt Nam.

Trở về Hà Nội, Golubev đề nghị với ban giám đốc viện Viễn Đông Bác cổ tiến hành khảo cổ nghiêm túc ở Đông Sơn. Uy tín lớn của nhà khoa học Nga khiến cho công việc khai quật được bắt đầu không chậm trễ. Ảnh: Trống đồng Ngọc Lũ, được coi là trống đồng đẹp nhất Việt Nam.

Trong nhiều năm khai quật, 489 hiện vật khác nhau đã được phát hiện ở làng Đông Sơn, trong đó có vài chục chiếc trống đồng lớn. Phân tích hóa học trống đồng cho thấy hàm lượng thiếc cao, khác với đồng Trung Quốc. Ảnh: Hình sao 14 cánh trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Golubev là người đầu tiên so sánh dữ liệu từ các cuộc khai quật ở Đông Sơn với những đồ trang trí bí ẩn trước đây trên "trống cầu mưa", được lưu giữ tại Bảo tàng viện Viễn Đông Bác cổ. Ông phát hiện ra sự giống nhau của nhiều hình ảnh và từ đó xác lập nguồn gốc trống đồng Đông Sơn. Ảnh: Hình nhà sàn hình thuyền trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Nghiên cứu hình ảnh trên trống, nhà khoa học Nga đi đến kết luận rằng cầu mưa không phải là chức năng chính của trống. Các cảnh và bố cục được mô tả trên trống đồng phản ánh các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và hồn chim lạc. Và chính những chiếc trống đã dùng để triệu hồi những linh hồn này. Ảnh: Hình chim lạc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Năm 1930, Golubev công bố bản báo cáo chứng minh sự tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam một nền văn hóa đặc biệt mà ông gọi là văn hóa Đông Sơn. Ông xác định thời điểm xuất hiện của nền văn hóa này là khoảng 3.000 năm trước, khu vực phân bố chính là châu thổ sông Hồng và sông Mã. Ảnh: Mảnh khuôn đúc trống đồng, tìm thấy ở Luy Lâu, Bắc Ninh.

Victor Golubev cũng phát hiện ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đối với các vùng xung quanh. Ông ghi nhận dấu vết của ảnh hưởng này ở miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và các đảo thuộc Châu Đại Dương. Ảnh: Xỉ đồng, phụ phẩm của quá trình đúc trống đồng, tìm thấy ở Luy Lâu, Bắc Ninh.

Ủng hộ giả thiết về các mối liên hệ văn hóa rộng rãi trong thời cổ đại, Golubev không ngừng nhấn mạnh nguồn gốc Việt Nam của văn hóa Đông Sơn. Ông bác bỏ một cách dứt khoát quan điểm thịnh hành bấy giờ cho rằng các sản phẩm kim loại chỉ xuất hiện ở Việt Nam sau cuộc chinh phục của nhà Hán. Ảnh: Trống đồng Đông Sơn sưu tầm tại Gia Viễn, Ninh Bình.

Kết luận này của nhà khoa học Nga được lấy từ truyền thuyết Mường cổ xưa, cho rằng những chiếc trống đẹp nhất vẫn thuộc về các nhà cai trị địa phương, còn những chiếc trống xấu hơn mới được mang đi bán cho các vùng khác. Ảnh: Trống đồng Hồi Xuân, một chiếc trống thuộc loại Heger II, còn được gọi là trống Mường.

Trong giới khoa học, phát hiện của Viktor Golubev nhận được sự đánh giá cao, được coi là "bước ngoặt trong nghiên cứu khảo cổ và dân tộc học không chỉ ở Đông Dương mà còn ở Indonesia và Châu Đại Dương". Ảnh: Trống đồng minh khí có hình ếch trên mặt.

Vào cuối những năm 1990, kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn của lý thuyết Văn hóa Đông Sơn mà nhà khoa học Nga Viktor Golubev là người đầu tiên đề xuất. Ảnh: Một chiếc trống đồng được đúc thực nghiệm tại làng nghề Chè Đông, Thanh Hóa.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chuyen-hoc-gia-nga-giai-ma-bau-vat-thoi-hung-vuong-100-nam-truoc-1979659.html