Chuyện hàng tuần: Lạc quan CPI cuối năm

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016, theo đó, so với tháng trước, tăng 0,48%, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 4,52%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng như giao thông 1,63%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,49%; thuốc và dịch vụ y tế 0,9%; nhà ở và vật liệu xây dựng 0,49%; may mặc, mũ nón, giầy dép 0,24%...

Theo lãnh đạo của TCTK, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 11/2016 là nhóm thực phẩm tăng khá mạnh với mức 0,71% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng. Hơn nữa, giá các mặt hàng rau củ quả cũng tăng mạnh là do ảnh hưởng của tình hình mưa lũ hoặc thời tiết bất thường ở nhiều tỉnh thành làm sản lượng của các loại hàng hóa này thuyên giảm đáng kể.

Từ ngày 1/11, giá gas điều chỉnh tăng 19.000 đồng/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 11 tăng 60 USD/tấn, đóng giá 415 USD/tấn khiến chỉ số giá gas tăng 6,07% so với tháng trước. Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào các ngày 20/10, ngày 4/11 và điều chỉnh giảm vào ngày 19/11, nhưng bình quân giá xăng dầu tháng 11 tăng 3,69% so với tháng trước góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,15%. Giá vé ô tô khách tăng 0,15% và giá taxi tăng 0,02%. Rõ ràng giá nhiên liệu chiến lược tăng cũng là tác nhân quan trọng đẩy chỉ số CPI lên cao vì nó kéo theo giá của hàng loạt các hoạt động sản xuất hay dịch vụ tăng.

Cũng trong tháng 11, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Theo đó, bình quân giá vàng trong nước tháng 11/2016 dao động quanh mức 35.400.000 đồng/lượng vàng SJC nhưng tính chung giá vàng trong nước vẫn cao hơn thị trường quốc tế gần 3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách quá rộng này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi dòng tiền tiếp tục tháo chạy sang USD và chứng khoán Mỹ vì một đồng USD mạnh lên và lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ ở mức cao sẽ gây áp lực ngày càng nặng lên vàng.

Trong bối cảnh đó, tỉ giá VND/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.388 VND/USD. Diễn biến tỷ giá thuận lợi là do cách điều hành tỷ giá trung tâm và lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào của NHNN.

Tổng cục Thống kê đánh giá, lạm phát cơ bản (tức là chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống - năng lượng và dịch vụ do Nhà nước quản lý bao gồm y tế và giáo dục) tháng 11/2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ. Nếu tính 11 tháng so với cùng kỳ 2015, lạm phát cơ bản tăng 1,82%. Trong tháng 11, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ từ 1,64% đến 1,88%, khá hẹp, thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng cục Thống kê dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2016 tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 11 do nhu cầu tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết nên giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giày dép, đồ dùng cá nhân sẽ tăng... Nhưng theo một số nhà kinh tế học, hiện nay người dân tính toán chi tiêu kỹ hơn. Ngoài ra, nhìn vào diễn biến chung của đồ thị CPI từ đầu năm đến nay, nếu thị trường Tết có tỷ trọng cung - cầu cách biệt thế nào đi nữa, thì coi như mọi chỉ tiêu kinh tế cho năm 2016 mà tại kỳ họp thứ 10 - Quốc hội Khóa 13 đã chốt (GDP tăng 6,7%, CPI dưới 5% và lạm phát 2,5%) xem như đã chạm tới thành công vì tính tới thời điểm này, các chỉ số đã ở vào biên độ như mong đợi.

CPI giữ ở mức thấp và ổn định như thế này tạo sẽ điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển khiến cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường. Trước bối cảnh như vậy, có lẽ người tiêu dùng nên bắt đầu lạc quan hơn về một năm ổn định đã đến và họ có thể không nhất thiết phải lo nghĩ quá nhiều về “hầu bao” của mình khi mùa đại mua sắm sắp đến rất gần.

Bích Phượng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/chuyen-hang-tuan-lac-quan-cpi-cuoi-nam-d51604.html