Chuyện giữ sức của Thùy Linh và các VĐV cầu lông quốc tế

Câu chuyện Thùy Linh không tham dự giải cầu lông Malaysia Mở rộng trong tháng 1/2024 là điều dễ hiểu. Tương tự tay vợt Việt Nam, nhiều VĐV hàng đầu cũng quyết định giữ sức để hướng đến năm mới, nơi họ phải thi đấu với lịch trình dày đặc.

Lớn và nhỏ

Trái với những thông tin ban đầu, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã quyết định không đăng ký tham dự giải cầu lông Malaysia Mở rộng 2024. Đây là giải đấu có cấp độ cao nhất của cầu lông thế giới trong năm tới, cùng khoản tiền thưởng không nhỏ. Ngoài ra, Malaysia Mở rộng cũng đón nhận những VĐV hàng đầu góp mặt.

Việc Thùy Linh không tham dự Malaysia Mở rộng có thể gây bất ngờ với một số khán giả. Nhưng trong bối cạnh năm 2024 được xếp lịch thi đấu dày đặc, đồng thời diễn ra Olympic Paris, tay vợt Việt Nam cần có một lịch trình hợp lý. Điều đó càng quan trọng hơn khi Thùy Linh có mục tiêu lớn cần hướng đến.

Ở thời điểm hiện tại, Thùy Linh đang đứng thứ 21 thế giới, đồng thời xếp hạng 15 trong số những tay vợt tích điểm đến Olympic Paris. Đích ngắm của cô trong năm mới là vươn lên top 20 VĐV hàng đầu, đồng thời xếp hạng 14 trên BXH Olympic. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cô được xếp hạt giống tại giải.

Với mục tiêu ấy, Thùy Linh sẽ phải hướng đến một lịch trình thi đấu dày đặc trong 4 tháng đầu năm. Bảng xếp hạng các tay vợt đến Olympic Paris sẽ khép lại vào cuối tháng 4. Tính đến lúc đó, Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) tổ chức 11 giải đấu trong hệ thống World Tour. Tuy nhiên, không VĐV nào có thể dự cả 11 giải.

Một trong những điểm bất hợp lý của cầu lông thế giới hiện tại là tình trạng "no dồn đói góp" của các giải đấu quốc tế. BWF thường xếp lịch thi đấu dồn dập 3-4 giải trong khoảng 6 tuần, khiến các tay vợt gần như không có thời gian nghỉ. Ngoài quãng đấu tour này, họ lại tổ chức khá ít giải đấu có quy mô lớn.

Lịch thi đấu bất hợp lý của cầu lông thế giới là nguyên nhân khiến nhiều VĐV hàng đầu phàn nàn trong thời gian qua. Một trong số đó là Viktor Axelsen, tay vợt đơn nam số 1 thế giới hiện tại. Axelsen không ít lần lên mạng xã hội chỉ trích lịch thi đấu, đồng thời sẵn sàng nộp phạt để dành thêm thời gian nghỉ ngơi.

Số giải trong một năm của Axelsen dao động ở mức 12-14 giải đấu lớn. Điều này giúp cho tay vợt Đan Mạch có thể dồn sức vào những giải đấu lớn nhất, cùng với mức tiền thưởng hấp dẫn. Chiến thuật đó của Axelsen được nhiều tay vợt tham khảo, và Thùy Linh có thể cũng không phải ngoại lệ.

Trong số 11 giải đấu World Tour diễn ra ở 4 tháng đầu năm, Thùy Linh dự kiến chỉ tham dự 8 giải. Malaysia Mở rộng là một trong 3 giải cô tính đến khả năng không tham gia. Điều này giúp cho Thùy Linh có thể giữ sức để hướng đến việc tiến sâu tại 8 giải còn lại, qua đó tích lũy nhiều điểm hơn.

Thùy Linh sẵn sàng bỏ qua những giải đấu lớn để hướng đến kế hoạch tích điểm tốt nhất cho Olympic.

Hy sinh giải quốc nội

Tuần cuối cùng của năm 2023 chứng kiến một giải cầu lông hấp dẫn, dù không diễn ra trên quy mô quốc tế. Đó là giải cầu lông toàn Nhật Bản (All Japan), nơi quy tụ nhiều tay vợt hàng đầu tham dự. Đây cũng là sự kiện kiểm tra phong độ của nhiều VĐV Nhật Bản, trước khi đội tuyển quốc gia quyết định triệu tập họ.

Một trong những gương mặt đáng chú ý nhất tham dự giải cầu lông toàn Nhật Bản 2023 là Kento Momota. Tay vợt cựu số 1 thế giới đang có phong độ khá tốt sau khi nghỉ thi đấu để điều trị dứt điểm chấn thương. Momota đã chơi không tồi ở giải vô địch quốc gia, qua đó hướng đến một năm 2024 đầy thách thức.

Chiếu theo quy định của BWF, mỗi quốc gia chỉ được cử tối đa 2 tay vợt tham dự ở một nội dung thi đấu của môn cầu lông. Với nội dung đơn nam của Nhật Bản, một suất chắc chắn thuộc về Kodai Naraoka, người đang giữ vị trí số 2 thế giới. Suất còn lại được tranh chấp bởi Momota và nhiều tay vợt đàn em khác.

Vì lý do đó, giải cầu lông toàn Nhật Bản 2023 được xem như sân chơi kiểm chứng thực lực của Momota. Anh có còn ở phong độ đỉnh cao hay không, có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn trong năm tới hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào thành tích của tay vợt này khi chạm trán với những VĐV kém tuổi anh.

Tuy nhiên, không phải tay vợt nào cũng có suy nghĩ giống Momota. Một VĐV đàn em khác của anh ở đội tuyển Nhật Bản là Kenta Nishimoto đã quyết định rút lui khỏi giải đấu. Với Nishimoto, anh cảm thấy mình không phải dồn sức để tham dự một giải đấu mà anh không thể tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng.

Tương tự Nishimoto, nhiều tay vợt hàng đầu khác của Nhật Bản là Akane Yamaguchi (đơn nữ số 3 thế giới), Nami Matsuyama và Chiharu Shida (đôi nữ top 5 thế giới), Yuta Watanabe và Aris Higashino (đôi nam nữ số 1 Nhật Bản) đã rút lui khỏi giải đấu. Họ sẽ trở lại ở Malaysia Mở rộng.

Câu chuyện bỏ giải vô địch quốc gia của nhiều tay vợt Nhật Bản cho thấy một sự thật hiển nhiên. Giữa thành tích của địa phương (CLB họ đang đầu quân) và sứ mệnh quốc tế trên vai trò tuyển thủ quốc gia, họ phải ưu tiên cho vế sau. Tuy nhiên, các tay vợt Việt Nam lại chưa sẵn sàng làm điều đó, nếu như đơn vị chủ quản không bật đèn xanh cho họ.

Cầu lông Việt Nam cần có thêm những tay vợt để cạnh tranh với Thùy Linh, Tiến Minh, Đức Phát, Hải Đăng. Nhưng trong bối cảnh không tìm được người đồng hành để vươn ra quốc tế, những tay vợt Việt Nam đã phải chịu thách thức ngay từ khi bắt đầu.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/chuyen-giu-suc-cua-thuy-linh-va-cac-vdv-cau-long-quoc-te-i718871/