Chuyên gia xã hội học: Giàu mà yên bình mới là hạnh phúc

"Nhiều người nói xã hội nghèo mà yên bình còn hơn giàu có mà bon chen. Theo tôi, nghèo cũng có hạnh phúc song chưa trọn vẹn", PGS. TS Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, bày tỏ.

- Mới đây, ông công bố kết quả nghiên cứu riêng cho thấy chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam đạt 6,8/10 điểm, kết quả này dựa trên cơ sở nào?

- Đó là kết quả lấy ý kiến từ hơn 1.000 phiếu thăm dò và các cuộc phỏng vấn sâu người dân hai tỉnh Ninh Bình và Sơn La. Chúng tôi đưa ra 3 nhóm tiêu chí đánh giá về hạnh phúc là điều kiện vật cht, quan hệ xã hội và đời sống tinh thần, tín ngưỡng... Sơ bộ 65% đến 68% người dân được hỏi tùy theo nhóm xã hội thấy hài lòng và tương đối hài lòng với cuộc sống của họ. Đây có thể là số liệu tương đối điển hình cho đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc.

Hiện chưa có tổng kết cuối cùng vì chúng tôi phải chờ kết quả xử lý số liệu trên phạm vi toàn quốc, song giả thuyết nghiên cứu của chúng tôi bước đầu phù hợp với thực tế rằng những vùng người dân còn sống nghèo khổ, ăn ở còn thiếu thốn thì điều kiện vật chất, thu nhập ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận về hạnh phúc. Nếu người dân được tăng cường điều kiện sống, nhà ở, việc làm thì hạnh phúc được tăng lên.

Còn ở thành phố, dân cư phát triển và tầng lớp dân có đời sống vật chất bảo đảm, trình độ dân trí cao thì quan điểm hạnh phúc của họ gắn với cống hiến, sáng tạo, đóng góp cho phát triển xã hội. Khi họ làm được những điều đó thì họ sẽ thấy hạnh phúc hơn.

Chúng tôi nghiên cứu để đưa ra chỉ số hạnh phúc, sẽ là cơ sở cho các nhà quản lý hoạch định chính sách và thế giới biết được người Việt Nam hạnh phúc ở mức độ nào.

- Theo ông, quan niệm hạnh phúc với người Việt Nam khác như thế nào so với các nước phương Tây?

- Trong đời sống của người Việt Nam, quan hệ gia đình và cộng đồng sẽ có tác động nhiều hơn đến cảm nhận hạnh phúc. Giả thiết này chưa được tổng kết đầy đủ, nhưng sơ bộ, giả thiết này tương đối đúng so với thực tế. Quan hệ với cộng đồng, xã hội là một đặc trưng riêng, thể hiện đời sống văn hóa của người Việt Nam. Quan hệ ông bà cha mẹ, vợ chồng rất được quan tâm, nếu gia đình ly hôn thì coi là gia đình không hạnh phúc còn với phương Tây thì quan niệm khác.

Một người phương Đông cảm thấy hạnh phúc khi được người xung quanh công nhận họ làm được việc tốt. Còn với người phương Tây, các giá trị hạnh phúc gắn với thành tựu cá nhân, mang đặc trưng văn hóa cá nhân. Hạnh phúc của họ không chỉ là kinh tế, người ta hạnh phúc vì được sáng tạo, cống hiến đóng góp cho phát triển xã hội. Các nước này thành công do chính các cá nhân đóng góp.

PGS.TS Lê Ngọc Văn: Chúng tôi nghiên cứu đưa ra chỉ số hạnh phúc, sẽ là cơ sở cho các nhà quản lý hoạch định chính sách hiệu quả.

Phần lớn các nước Liên minh châu Âu lấy tiêu chí chất lượng cuộc sống để đo hạnh phúc như thu nhập, tiền lương, việc làm, giao thông, quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, quyền có ý kiến, bình đẳng giới, quyền trẻ em, sự hài lòng của người dân với Chính phủ, ô nhiễm, chất lượng hàng hóa... Nói gọn là họ đề cao chất lượng cuộc sống và cảm nhận riêng cá nhân.

- Một số ý kiến cho rằng đời sống ngày xưa nghèo khổ song hạnh phúc hơn hiện nay, ông suy nghĩ thế nào?

- Hạnh phúc là cảm nhận cá nhân, rộng hơn là nhóm người hay một đất nước. Nhiều người kỳ vọng sau chiến tranh cuộc sống tốt hơn nhiều, song mong đợi của họ không giống như thực tế, tham nhũng, bất công xã hội, có nhiều trẻ em hư, thầy cô giáo không gương mẫu, con người không chân thành như ngày xưa... nên gây cảm giác thất vọng, cảm nhận không hạnh phúc là đúng. Đó là cảm nhận đúng, là lý do để thay đổi cuộc sống, Nhà nước cần có biện pháp thay đổi.

Thực tế, Nhà nước đã nỗ lực đem lại hạnh phúc cho người dân, không chỉ tăng vật chất, GDP tăng lên nhiều, cuộc sống của người dân mọi miền đã thay đổi nhiều. Song ngoài vật chất thì đời sống tinh thần, quan hệ xã hội phải lành mạnh.

Đã có người nói là xã hội nghèo mà yên bình còn hơn giàu có mà bon chen, bất ổn. Theo tôi phải làm sao vừa giàu vừa yên bình mới là hạnh phúc. Nghèo cũng có hạnh phúc song chưa trọn vẹn. Vai trò của xã hội, Nhà nước rất quan trọng, làm sao người dân giàu có mà hạnh phúc, như các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đan Mạnh. Giàu và an bình đều do chính sách, thể chế xã hội.

- Ông nghĩ sao về thói bon chen, chà đạp người khác để tìm hạnh phúc cho mình?

- Khi con người hành động không đúng đạo đức, chuẩn mực của cuộc sống thì đó là một xã hội bệnh hoạn, rất nguy hiểm. Anh có thể giành giật song lương tâm không thỏa mãn. Xã hội như vậy thì người năng lực tốt, đạo đức tốt không được điều hành thay vào đó là người năng lực kém, xã hội không thể phát triển được.

Tỷ phú Bill Gate cho biết tập đoàn của ông phát triển do 25.000 nhân viên ngày đêm sáng tạo. Những người đó không chỉ đem đến lợi ích cho tập đoàn mà còn cống hiến cho nhân loại. Con người không sáng tạo mà trấn lột của người khác thì xã hội đi vào ngõ cụt.

Dân mình có tính bon chen, chen lấn do xuất phát từ ngày xưa sản phẩm xã hội khan hiếm, người ta phải tranh giành nhau. Người phương Tây thường xếp hàng tuần tự vì họ không thiếu hàng. Bây giờ đủ hàng hóa rồi vẫn chen lấn vì đó đã trở thành thói quen tâm lý. Nạn chạy quyền chạy chức cũng như vậy, cấu trúc xã hội chấp nhận việc chạy chức do người ban phát quyền chức ăn hối lộ. Để xã hội phát triển lành mạnh thì cần phát triển kinh tế tốt để không khan hiếm hàng hóa, hay tạo cơ chế để chức vụ không phải là nơi tham nhũng cá nhân thì sẽ xóa được nạn chạy chức.

- Ông quan niệm hạnh phúc với mình như thế nào?

- Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, tôi mong muốn cống hiến các nghiên cứu khoa học cho phát triển xã hội và truyền đạt các kiến thức của mình cho thế hệ sau. Mỗi ngày thức dậy, khi tâm hồn được thanh thản nhẹ nhõm ngồi vào bàn làm việc thì khi đó tôi hạnh phúc, còn không được làm việc thì cảm thấy mức độ hạnh phúc giảm. Khi có việc gì không hài lòng thì tôi không né tránh, tôi phải giải quyết ngay trong ngày hoặc trong vài ngày. Trong quan hệ xã hội, tôi chọn giải quyết theo hướng để người khác hài lòng, thậm chí mình sẽ chịu thiệt thòi.

PGS.TS Lê Ngọc Văn, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông có nhiều nghiên cứu về gia đình. Hiện ông công tác tại Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và là Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, Thực trạng và Chỉ số đánh giá”.

Theo Đoàn Loan /Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chuyen-gia-xa-hoi-hoc-giau-ma-yen-binh-moi-la-hanh-phuc-146706/