Chuyên gia về gen đam mê bảo tồn loài thạch sùng quý hiếm

Theo TS Ngô Ngọc Hải, do diện tích vùng phân bố hẹp và kích cỡ quần thể nhỏ, nên loài thạch sùng mí Cát Bà đã được đưa vào Sách đỏ IUCN.

Loài thạch sùng mí Cát Bà được TS Ngô Ngọc Hải tìm thấy.

Đánh giá đa dạng sinh học, nguồn gen, sinh thái, quần thể, tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng là hướng nghiên cứu của TS Ngô Ngọc Hải.

Thức trắng đêm tìm thạch sùng

TS Ngô Ngọc Hải thuộc Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa vinh dự là 1 trong 10 gương mặt nhà khoa học trẻ xuất sắc tài năng đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023, thuộc lĩnh vực Công nghệ môi trường. Giải thưởng vinh danh kết quả nghiên cứu liên quan đến đánh giá đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen, sinh thái, quần thể, tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng của TS Hải.

Để cung cấp những thông tin khoa học chính xác về một loài bò sát đặc hữu đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, năm 2016, Ngô Ngọc Hải đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài nghiên cứu về quần thể, sinh thái và bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm trong đó có loài thạch sùng mí.

TS Ngô Ngọc Hải cho hay, do diện tích vùng phân bố hẹp và kích cỡ quần thể nhỏ, nên loài thạch sùng mí Cát Bà đã được đưa vào Sách đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) ở bậc nguy cấp. Với màu sắc bắt mắt, “độc và lạ” nên thạch sùng mí Cát Bà trở thành đối tượng bị săn bắt, buôn bán trong nước và quốc tế với số lượng lớn.

Ngô Ngọc Hải cùng nhóm nghiên cứu đã lập hồ sơ và đưa thành công loài thạch sùng mí vào Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”.

Năm 2018, nhận thấy còn nhiều giá trị hết sức quan trọng và những điều bí ẩn chưa khám phá hết về loài động vật thạch sùng mí đặc biệt này, Ngô Ngọc Hải tiếp tục xin được học bổng toàn phần của Chính phủ Đức (DAAD) để làm luận án tiến sĩ với mong muốn làm rõ hơn về mối quan hệ di truyền, đánh giá biến đổi khí hậu, dự đoán vùng phân bố... của các loài thuộc giống thạch sùng mí tại Việt Nam.

Thực hiện luận án tiến sĩ, Ngô Ngọc Hải cùng đồng nghiệp có thêm rất nhiều “đêm trắng” ở những núi đá vôi cao 300 - 400m trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, nơi được các nhà khoa học đánh giá là đang sở hữu trong tay một kho báu thực sự với hệ sinh thái đa dạng các loài động, thực vật.

“Thạch sùng mí Cát Bà sống trong hang sâu trên các dãy núi đá vôi, chỉ xuất hiện vào ban đêm, nơi không có ánh sáng để đi kiếm ăn, nên việc nghiên cứu, đánh giá về loài này chỉ thực hiện được vào ban đêm.

Do chỉ kiếm ăn vào ban đêm, nên thạch sùng mí Cát Bà có đôi mắt rất lớn để giúp chúng dễ dàng kiếm mồi và phát hiện kẻ thù. Bộ da và đôi mắt của thạch sùng mí được phối màu đẹp đến từng chi tiết, nên chúng được các nhà khoa học gọi là “nữ hoàng thạch sùng mắt to”, TS Hải cho biết.

TS Ngô Ngọc Hải trong một lần khảo sát thực địa.

Ngăn chặn săn bắt bất hợp pháp

Với vẻ đẹp của mình, thạch sùng mí Cát Bà đang bị săn bắt bất hợp pháp làm vật nuôi cảnh và bán ra nước ngoài. Việc săn bắt và buôn bán làm sinh vật cảnh các loài thạch sùng mí đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể của loài trong tự nhiên.

“Các chuyến đi khảo sát thực địa, nghiên cứu sinh thái loài thạch sùng mí tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long thường được bắt đầu lúc 7 giờ tối và kết thúc vào 8 giờ sáng ngày hôm sau. Với mong muốn tái hiện hành trình đi tìm “nữ hoàng thạch sùng mắt to” này theo trình tự một chuyến đi, chúng tôi đã phải tập hợp những bức ảnh trong suốt gần 4 năm qua.

Có rất nhiều chuyến đi, chúng tôi phải trở về tay không. Môi trường thiếu ánh sáng, trời mưa, chạy đua với thời gian để trả các mẫu vật lại môi trường tự nhiên, nên việc chụp lại những bức ảnh không hề dễ dàng...”, TS Hải kể.

Nhờ nỗ lực điều tra nghiên cứu bước đầu mang lại những kết quả khoa học. Đó là các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, như: Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu và dự đoán vùng phân bố tiềm năng của loài dựa trên những kịch bản biến đổi khí hậu trong hội thảo khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; 2 ấn phẩm trên tạp chí quốc tế uy tín đánh giá về hiện trạng quần thể loài tại Vịnh Hạ Long và sinh thái của loài; 1 ấn phẩm trên tạp chí quốc tế điều tra về hiện trạng buôn bán loài và các loài thạch sùng mí khác ở trong nước và quốc tế.

Giải thưởng Quả cầu vàng nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước. Các gương mặt được lựa chọn có thành tích xuất sắc trên năm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.

TS Ngô Ngọc Hải đã có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học với nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, Q2, Q3. Anh còn tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền vì cộng đồng, bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường.

TS Ngô Ngọc Hải sinh ngày 29/07/1991, là Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2022, anh hoàn thành luận án tiến sĩ với bằng Xuất sắc tại Trường Đại học Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức. Hướng nghiên cứu khoa học chính: Nghiên cứu đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen các loài động vật hoang dã quý hiếm, phân loại học, tiến hóa, địa sinh học, sinh thái, quần thể, tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn.

Mai Nhật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-ve-gen-dam-me-bao-ton-loai-thach-sung-quy-hiem-post656498.html