Chuyên gia mách dấu hiệu bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bệnh lý thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng là một hội chứng, trong đó quá trình mòn rách do lão hóa đĩa đệm dẫn đến đau vùng cột sống thắt lưng.

Hầu hết các ca bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng biểu hiện đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, đau liên tục, bệnh nhân thường chịu được tuy nhiên có những cơn tăng kéo dài vài ngày.

Bác sĩ chỉ rõ các triệu chứng bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Các triệu chứng thường biểu hiện đa dạng, tuy nhiên nhìn chung bao gồm:

• Đau mức độ trung bình, liên tục vùng cột sống thắt lưng. Đau âm ỉ vùng đĩa đệm bị tổn thương là triệu chứng thường gặp nhất của đĩa đệm thoái hóa. Cơn đau có thể lan đến mông, bẹn, và đùi trên. Cơn đau có tính nhức nhối, âm ỉ, mức độ từ nhẹ đến nặng.

• Các cơn tăng đau. Đau lưng có thể trở nặng trong vài ngày đến vài tuần rồi quay trở lại ngưỡng ít đau hơn. Nguyên nhân dẫn đến các cơn tăng đau là đĩa đệm tiếp tục thoái hóa làm cứng cột sống. Các cơn đau này có thể xuất hiện đột ngột với cường độ nghiêm trọng, gây hạn chế vận động.

• Sưng đau khu trú. Vùng thắt lưng ngang mức đĩa đệm có thể sưng đau khi chạm phải. Đau khu trú có nguyên nhân do viêm và căng cơ vùng xung quanh đĩa đệm thoái hóa.

• Đau chi dưới. Các dấu hiệu thần kinh như tê bì, yếu cơ, đau chói lan vùng mông, hông, và/hoặc mặt sau chân có thể xuất hiện khi đĩa đệm lún thấp gây chèn ép vào rễ thần kinh. Đau chi dưới trong bệnh lý thoái hóa đĩa đệm thường không lan xuống quá mức đầu gối.

• Mệt mỏi, kiệt sức. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi khi các đĩa đệm này thoái hóa, có cảm giác vùng lưng có thể sụp đổ nếu phải vận động đột ngột.

Bác sĩ chỉ rõ các triệu chứng bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Bên cạnh đó, triệu chứng đau cũng có thể tăng nặng hoặc giảm nhẹ trong một số tư thế hay vận động nhất định, ví dụ:

• Đau khi ngồi. Ngồi trong khoảng thời gian quá lâu thường gây tăng nặng các cơn đau, co cứng vùng cột sống thắt lưng và thường giảm khi đứng dậy hay thay đổi tư thế. Ngồi dựa và có đệm đỡ thường giúp bệnh nhân thích nghi với cơn đau hơn.

• Đau tăng khi xoay, cúi, ưỡn cột sống. Các vận động cột sống nói trên có thể gây đau chói khu trú tại đĩa đệm bị tổn thương.

• Đau giảm đi khi đi lại hoặc thay đổi tư thế. Khi cột sống thay đổi tư thế, áp lực lên đĩa đệm tổn thương giảm xuống, thay vào đó dồn lên các cơ, khớp. Thường xuyên thay đổi tư thế bằng cách đứng-ngồi điều độ, cũng như đi bộ có thể giúp giảm căng cứng và giảm thiểu cơn đau.

Thoái hóa đĩa đệm thường không gây các triệu chứng rối loạn cơ tròn, sốt khi đau, sút cân nhanh đột ngột, hay đau bụng dữ dội. Các triệu chứng này thường gợi ý những bệnh lý nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Các triệu chứng liên quan

Bên cạnh đau lưng do thoái hóa đĩa đệm, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng liên quan khác như:

• Protein trong khoang đĩa đệm có thể gây phản ứng viêm khi tiếp xúc với các thành phần xung quanh trong cột sống, dẫn đến co cứng cơ, đau rễ thần kinh lan xuống hông và mặt sau chi dưới (còn gọi là đau dây thần kinh hông).

• Thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể góp phần gây hẹp ống sống thắt lưng, viêm xương khớp cột sống thắt lưng, và nhiều bệnh lý vùng cột sống thắt lưng khác.

• Thoái hóa đĩa đệm còn có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi đĩa đệm thoát vị, bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng thần kinh, như đau dây thần kinh hông lan xuống mặt sau đùi, đau chói, bỏng rát hoặc châm chích.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Hòa (Viện trưởng viện nghiên cứu ứng dụng Y học tái tạo và Tế bào gốc IRS)

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/chuyen-gia-mach-dau-hieu-benh-thoai-hoa-dia-dem-cot-song-that-lung-1965680.html