Chuyên gia lý giải nguyên nhân Ukraine có thể bắn hạ hàng loạt chiến đấu cơ Nga

Việc mất đi sự trợ giúp của các máy bay cảnh báo sớm có thể là một trong nguyên nhân khiến hàng loạt chiến đấu cơ Su-34 của Liên bang Nga bị quân đội Ukraine bắn hạ, nhưng điều bất ngờ có thể nằm ở chính những chiếc Su-34.

ư lệnh Không quân Ukraine, tướng Mykola Oleshchuk đã đăng tải bức ảnh chiếc máy bay chiến đấu Su-34 thứ 2 của Nga bị các lực lượng Ukraine bắn hạ ngày 27/2/2024. Ảnh: Mykola Oleshchuk/Telegram

Theo tuyên bố của quân đội Ukraine, trong hai tuần qua, họ đã bắn hạ tổng cộng 13 máy bay của Nga, gồm 10 chiếc máy bay tiêm kích ném bom Su-34 và hai máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa Su-35 cùng một máy bay cảnh báo sớm A-50.

Su-34 được Moskva ca ngợi là biểu tượng của hệ thống chiến đấu hiện đại hiện đang hoạt động trong các lực lượng vũ trang Nga. Chiếc chiến đấu cơ hai chỗ ngồi, bay với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh này được đánh giá là máy bay ném bom tấn công tiên tiến nhất và được bảo vệ tốt nhất của Moskva, có trị giá lên tới 42 triệu USD. Chiến đấu cơ Su-35 thậm chí còn đắt tiền hơn, trị giá 85 triệu USD cho mỗi chiếc.

Tổn thất tăng đột biến của Không quân Nga một phần có thể được giải thích là do Moskva nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tấn công về phía Tây sau khi chiếm được thành trì Avdiivka. Trong bối cảnh đó, các chiến đấu cơ của Nga phải tăng cường hỗ trợ đường không ở tiền tuyến và rơi vào các ổ phục kích của lực lượng phòng không Ukraine.

Một giải thích khác đến từ việc quân đội Nga gần đây mất hai máy bay cảnh báo giới A-50, một chiếc bị bắn hạ hôm 15/1 và một chiếc bị bắn hạ hôm 23/2. Tổn thất này khiến quân đội Nga không thể phủ sóng cảm biến trên khắp Ukraine, tạo ra những điểm mù khiến phi công Nga có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện tên lửa đang đến gần.

Xem video chiến đấu cơ Su-34 được cho là bị bắn rơi ở Balakliya thuộc tỉnh Kharkov vào năm 2022. Nguồn: Rob Lee/X

Tuy nhiên, theo nhà sản xuất Sukhoi, cả Su-34 và Su-35 đều được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhất, bao gồm radar để tìm mục tiêu trên không và trên mặt đất. Bên cạnh đó, Su-34 và Su-35 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử được thiết kế để đánh lừa radar của đối phương và hệ thống thiết bị gây nhiễu. Cho nên, bắn hạ Su-34 và Su-35 không phải là việc dễ dàng.

Gần đây nhất, chuyên gia chiến tranh hàng không người Áo Tom Cooper đã đưa ra một giải thích mới, tuy chưa được xác nhận bởi phía Ukraine, nhưng nó tỏ ra hợp lý trong mắ những chuyên gia quân sự.

Trong một bài viết trên blog của mình hôm 29/2, chuyên gia Cooper gợi ý rằng những mảnh vỡ thu được từ những chiếc Su-34 bị bắn rơi đã giúp các kỹ thuật viên Ukraine và Mỹ tìm ra cách xâm nhập vào hệ thống điện tử phòng thủ bí mật trên chiến đấu cơ của Nga cũng như giúp Ukraine tiến hành chỉnh sửa các hệ thống phòng không đang vận hành cho phù hợp với việc đối phó.

Theo chuyên gia Cooper, cơ quan có nhiều khả năng nhất của Mỹ thực hiện nghiên cứu và phát triển biện pháp đối phó với chiến đấu cơ Nga là Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, trước đây là Phòng Công nghệ nước ngoài của Không quân Mỹ.

Hoạt động nghiên cứu khả thi và phát triển biện pháp đối phó của Ukraine và Mỹ có thể tập trung vào việc xác định thời điểm phi công có thể phát hiện một tên lửa đang bay tới và cách hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay có thể xác định tên lửa. Kết quả nghiên cứu có thể giúp radar của Ukraine tạo ra tình huống đánh lừa chiến đấu cơ Nga.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu có thể tập trung vào việc xác định tần số mà thiết bị cảnh báo radar trên chiến đấu cơ Nga tìm kiếm các mối đe dọa, sau đó sử dụng các tần số khác để tấn công chúng.

Các nhà phân tích hàng không quân sự cho biết, việc xâm nhập vào hệ thống phòng thủ điện tử của chiến đấu cơ có thể khiến phi công nghĩ rằng bầu trời xung quanh họ an toàn vì các thiết bị trên máy bay hiển thị các thống báo cho họ như vậy. Nhưng đó lại là thời điểm họ thực sự đang bị nhắm mục tiêu.

Vậy những mảnh vỡ Su-34 mà Ukraine thu được ở đâu?

Mảnh vỡ chiếc Su-34 có số đăng ký RF-95070 bị bắn rơi ở Kharkov vào đầu tháng 3/2022. Ảnh: X

Theo Kyiv Post, ít nhất khung của hai chiếc Su-34 bị bắn hạ đã rơi vào tay Ukraine. Trong đó, một chiếc rơi ở khu vực Kharkov sau khi bị bắn rơi vào ngày 1 hoặc 2/3/2022.

Quân đội Ukraine đã chụp ảnh số đăng ký RF-95070 (thường ở đuôi hoặc mũi máy bay) và xác định chiếc máy bay này là một phần của đơn vị có trụ sở tại miền Trung nước Nga.

Kênh Telegram liên kết với DeepState đã công bố các hình ảnh này vào ngày 2/3/2022 và nền tảng chính thức của chính phủ Ukraine đã đăng lại vào ngày 7/3/2022.

Chiếc Su-34 thứ hai được quân đội Ukraina tìm thấy khi đang tiến vào khu vực Kharkov vào tháng 9/2022. Nền tảng thông tin của chính phủ Ukraine Operativny ZSU vào ngày 13/9/2022 đã đưa tin số đăng ký của chiếc Su-34 này là RF-94808 và rmáy bay do Trung đoàn Hàng không 47 của Nga có trụ sở tại Voronezh vận hành.

Tuy chuyên gia Cooper đưa ra giả thiết có sự liên quan tới Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ, nhưng Kyiv Post nói rằng họ không thể xác nhận các thiết bị điện tử trên máy bay còn sót lại sau khi bị bắn rơi đã được chuyển đến các chuyên gia hàng không của Mỹ để đánh giá và phát triển các biện pháp đối phó.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-ukraine-co-the-ban-ha-hang-loat-chien-dau-co-nga-20240302194912205.htm