Chuyên gia lo ngại tiền chảy vào vàng, dân không đầu tư sản xuất, kinh doanh

Chuyên gia lo ngại vàng tăng giá mạnh khiến người dân không đầu tư vào các kênh sản xuất, kinh doanh mà đẩy mạnh việc mua vàng, sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng. Tính trong vòng 1 năm qua, vàng SJC đã tăng 25 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 38%.

Nhằm tăng nguồn cung cho thị trường vàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức các phiên đấu giá vàng. Tuy nhiên, sau phiên đấu giá, giá vàng trong nước tiếp tục tăng dữ dội, có lúc lên mức đỉnh là 92,5 triệu đồng/lượng và hơn 77 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn.

Giá vàng liên tục tăng

Giá vàng liên tục tăng

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về nguyên nhân giá vàng tăng mạnh, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng do giá vàng thế giới tăng và neo ở mức cao, trên 2.359USD/ounce.

Ngoài ra, ở thị trường trong nước, vàng cũng là kênh đầu tư được quan tâm. Tâm lý của người dân cũng tác động đến giá vàng khi người mua sẵn sàng trả giá cao hơn vì cho rằng vàng sẽ còn tiếp tục tăng. kênh được nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm.

“Khi nguồn cung ra thị trường ít thì nhà kinh doanh cũng có tâm lý rằng lượng vàng đáp ứng thị trường không tăng thêm, sẽ nảy sinh tâm lý có vàng muốn giữ lại vì cho rằng giá sẽ còn tăng. Hai điều này khiến giá vàng SJC tăng mạnh trong những ngày qua”, ông Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện tại vàng không còn là phương tiện thanh toán, giá vàng biến động mạnh tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô, tuy nhiên điều này khiến người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất, kinh doanh mà đẩy mạnh mua vàng, sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Do đó, ông Thịnh cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng hiện tại chưa cần thiết cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, bởi vì nhập khẩu vàng phải chuẩn bị lượng lớn USD.

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 trong khuôn khổ Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cũng lo ngại về sự “nhảy múa” của giá vàng.

“Giá vàng nhảy múa vừa rồi thì công tác quản lý thế nào? Không lẽ cứ để nó nhảy múa như thế? Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng giảm đột biến như thế”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng giá vàng chưa bao giờ giá vàng trong nước cao và chênh lệch với giá vàng thế giới quá lớn như hiện nay. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, có “bàn tay” của Nhà nước can thiệp vào thị trường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời đề cử tri, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bởi khi lượng tiền lớn trong nhân dân bị hút vào việc mua vàng, đương nhiên nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao.

Ngoài ra, khi giá vàng lên cao sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Tình trạng buôn lậu vàng sẽ sử dụng đồng đô la, kéo theo đồng đô la tăng lên, dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ.

Nhiều giải pháp quyết liệt quản lý giá vàng

Nhiều giải pháp quyết liệt quản lý giá vàng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngành tài chính rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề quản lý vàng. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thị trường và giá vàng.

Cụ thể, đối với cửa hàng bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép một người được mua bao nhiêu chỉ vàng và sử dụng số tiền mặt nhất định, còn lại chuyển khoản để an toàn cho người mua; kiểm soát việc rửa tiền và các vấn đề khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung chống buôn lậu tại các cửa khẩu, tránh nhập vàng lậu…

Về việc tiến hành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra. Nếu phát hiện vi phạm chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 14.5, NHNN đã tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC và đấu thầu thành công 8.100 lượng vàng. NHNN cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp để bình ổn thị trường vàng.

NHNN cho biết, trước mắt, vì thiếu nguồn cung nên sẽ tiếp tục tăng cung cho thị trường. NHNN tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng phù hợp. Trong tuần này, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng thay vì 1 phiên như trước để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.

Về các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường, NHNN đã chỉ đạo đối với các chi nhánh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như hóa đơn chứng từ về thanh toán, kiểm soát các giao dịch mua bán theo đúng quy định...

Về lâu dài, NHNN sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-lo-ngai-tien-chay-vao-vang-dan-khong-dau-tu-san-xuat-kinh-doanh-217245.html