Chuyên gia hiến kế khắc phục khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Trong quý I/2024, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) tiếp tục giảm sụt mạnh, vì vậy DN vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong việc xoay trở nguồn vốn tái đầu tư và trả nợ.

Loay hoay xoay trở nguồn vốn

Thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh BĐS về dòng tiền, tiêu biểu như Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù Nghị định đã có hiệu lực thi hành hơn 1 năm, nhưng tình hình phát trái phiếu của DN BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu tổng hợp từ Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, tổng số lượng phát hành trái phiếu DN quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong tháng 1 có 2 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trị giá 1,650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2,000 tỷ đồng. So với tháng 12/2023, giá trị phát hành đã sụt giảm đáng kể từ mức trung bình khoảng 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm 91%; các DN đã mua lại 7,394 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 8,432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.

Hoạt động phát hành trái phiếu của DN BĐS tiếp tục giảm mạnh.

Trong tháng 2, có 3 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng, giá trị phát hành vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023; các DN đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong tháng 3, có 7 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trị giá 8.745 tỷ đồng, các DN đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

“Thị trường trái phiếu DN trong quý I/2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổng khối lượng phát hành giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn (ước tính sẽ khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu DN BĐS với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41.4%). Lũy kế trong quý có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng. DN BĐS vẫn gặp khó khăn trong việc xoay trở nguồn vốn để đầu tư và trả nợ” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải cho hay.

Cần khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2023 tổng dự nợ trái phiếu DN vào khoảng 1 triệu tỷ đồng của 432 DN phát hành. Trong đó có lượng lớn trái phiếu do DN BĐS phát hành, nhiều DN BĐS đã phải “ôm nợ” trái phiếu lên đến hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng.

Có thể kể tên một số DN như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát với khoản nợ khoảng 10.000 tỉ đồng; Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên nợ 7.200 tỉ đồng... Ngoài ra, trong năm 2024 áp lực về đáo hạn trái phiếu của DN BĐS tiếp tục gia tăng, khi có tới 92 DN đến hạn trả nợ trái phiếu.

“Chính phủ cần phải tiếp tục thực thi các giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho DN, đặc biệt là DN BĐS, bởi sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác. Trong tình cảnh hiện nay, hầu hết các DN BĐS đều phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, nếu không huy động được trái phiếu thì DN sẽ gặp khó khăn và không có vốn để hoạt động” – Chuyên gia kinh tế PSG. TS Ngô Trí Long nhìn nhận.

Cũng theo PGS. TS Ngô Trí Long, để khắc phục khó khăn về nguồn vốn cho cộng đồng DN nói chung và DN kinh doanh BĐS nói riêng, cần tập trung vào một số giải pháp như: Hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì, cải thiện nguồn vốn cho thị trường BĐS, thực hiện một cách linh hoạt, chất lượng nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định và giảm bớt khó khăn cho DN. Trong đó quan tâm nhiều hơn đến chính sách tín dụng liên kết giữa các khách hàng (nhà đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu xây dựng);

Đồng thời Chính phủ sớm bổ sung hành lang pháp lý triển khai các định chế tài chính như quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS... để DN mở rộng thêm kênh vốn. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư FDI, FII với quy mô lớn...

“Đối với thị trường trái phiếu DN, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn việc đánh giá hạn mức tín nhiệm DN phát hành trái phiếu, tạo ra sự minh bạch về thông tin, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư và tạo đà thúc đẩy thu hút nguồn vốn quốc tế. Việc ban hành quy định nhằm kiểm soát thị trường trái phiếu là cần thiết để ngăn ngừa tiêu cực, nhưng kèm theo đó phải có những cơ chế nhằm khuyến khích DN tiếp tục phát hành trái phiếu, bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng và giảm áp lực về tín dụng cho hệ thống ngân hàng” – PGS. TS Ngô Trí Long cho biết thêm.

Mai Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-hien-ke-khac-phuc-kho-khan-ve-trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san.html