Chuyên gia đề xuất cách tiếp cận tổng thể hơn với fintech

Việt Nam nên áp dụng dụng cách tiếp cận 'thử nghiệm và học hỏi' một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng.

Đây là một trong những điểm nhấn chính được TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình bày tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, TS Cấn Văn Lực nhận định công nghệ khu vực tài chính (fintech) trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ nhưng không đồng đều và có cách hiểu, cách tiếp cận, quản lý rất khác nhau. Đa số cách hiểu hiện nay về Fintech là theo nghĩa hẹp (các công ty Fintech), thay vì hiểu theo nghĩa rộng (fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính).

Vị chuyên gia cho biết để quản lý fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính, đó là: Chờ đợi và quan sát, Thử nghiệm và học hỏi, Cơ chế thúc đẩy sáng tạo và Cải cách luật pháp. Các cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có thể vận dùng phù hợp với mỗi quốc gia. "Ở Việt Nam, fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp và tiếp cận quản lý là "chờ đợi và quan sát". Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ hoạt động fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính", TS Cấn Văn Lực đánh giá. Theo TS Lực, Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận "thử nghiệm và học hỏi" một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với fintech trên toàn thị trường tài chính, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Ông cũng đề xuất việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý như một ủy ban quản lý - giám sát liên ngành để có mô hình quản lý fintech phù hợp hơn. Đồng thời, việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng là rất cần thiết. Liên quan đến quản lý fintech tại Việt Nam, TS Lực đề xuất sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ. Ngoài ra, việc tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam cũng là những điều cần xem xét. Trước đó, tại hội thảo, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong hai năm 2022 và 2023, BIDV đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng và thu hút sự quan tâm, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các Hiệp hội, Viện nghiên cứu, giới truyền thông... "Năm nay, với sự tham vấn, đóng góp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), chúng tôi tin rằng Báo cáo thực sự là một kênh cung cấp thông tin hữu ích, khách quan, độc lập, khoa học và toàn diện về thị trường tài chính Việt Nam, giúp nhận diện được các cơ hội cũng như thách thức nhằm đưa ra các phương án, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững”, ông Trần Phương chia sẻ. Đánh giá chung cho năm 2024, giới chuyên gia dự báo thị trường tài chính của Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực hơn so với năm 2023, với tăng trưởng lợi nhuận cao hơn và chính sách tiền tệ được dự báo linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần quan tâm như nợ xấu và hiện tượng biến động tỷ giá.

Ông Vũ Như Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Vũ Như Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ sáng hơn so với năm 2023 nhờ vào việc tăng cường đầu tư công và thúc đẩy các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đầu tư... Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những yếu tố áp lực, như sự biến động của tỷ giá gần đây, trong đó có yếu tố tâm lý. Cung cầu ngoại tệ đang được đảm bảo. Dự báo cho thấy tỷ giá sẽ tiếp tục điều chỉnh cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. Đồng thời, ông Thăng nhấn mạnh rằng vào năm 2024, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn nhờ vào việc duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro về nợ xấu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Sự chênh lệch trong việc dự phòng rủi ro giữa các ngân hàng cũng là một vấn đề đáng chú ý, với một số ngân hàng có mức dự phòng thấp và tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản và trái phiếu cao sẽ gặp khó khăn. Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực nhận định thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2023 đã trải qua một quá trình phục hồi với sự kết hợp giữa các điểm sáng và những thách thức. Tuy nhiên, phần lớn là các điểm sáng đã chiếm ưu thế. Và khi bước sang năm 2024, triển vọng của thị trường tài chính tại Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với năm 2023. Theo TS Cấn Văn Lực, vấn đề liên quan đến áp lực về tỷ giá ngoại tệ đã thu hút sự quan tâm trong thời gian qua, song không có lý do để quá lo lắng. Mặc dù đang phải đối mặt với áp lực lớn trước quyết định giảm lãi suất của Fed, nhưng dự báo cho thấy áp lực này sẽ giảm dần từ cuối quý II, với mức tăng dự kiến khoảng 2,5-3% trong năm 2024. “Tôi cho rằng nếu Fed điều chỉnh lãi suất đồng USD trong quý II này, áp lực lên tỷ giá VND/USD sẽ giảm đi, chậm nhất vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị kế hoạch riêng. Theo tôi, không có lý do để quá lo lắng về tỷ giá”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Theo Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” được công bố tại hội thảo, nền kinh tế thế giới trong năm 2024 dự báo sẽ ổn định hoặc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại (ở mức 2,4% so với 2,6% trong năm 2023), mặc dù hoạt động thương mại và đầu tư đang dần phục hồi và lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (từ 5,7% xuống còn 3,5-4%). Đối với Việt Nam, dự báo cho tăng trưởng GDP trong năm 2024 có thể đạt từ 6-6,5% (theo kịch bản cơ sở), với động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn so với năm 2023, và lạm phát dự kiến tăng khoảng từ 3,4-3,8% so với mục tiêu là 4-4,5%. Các chuyên gia phân tích cũng dự báo rằng thị trường tài chính của Việt Nam trong năm 2024 sẽ phát triển tích cực hơn. Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính trong năm 2024 sẽ cao hơn so với năm 2023. Điều này được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ được dự báo sẽ linh hoạt và chủ động, với việc duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm kích thích tăng trưởng, cũng như cải thiện cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn cần quan tâm đến một số vấn đề như tình trạng nợ xấu vẫn đang tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-gia-de-xuat-cach-tiep-can-tong-the-hon-voi-fintech/330148.html