Chuyên gia đầu ngành hiến kế 'giải cứu' cầu Chương Dương

Được hoàn công từ năm 1985, sau gần 30 năm gánh trên vai hai bờ sông Hồng nơi cửa ngõ phía Đông Thủ đô, cầu Chương Dương đang bị ăn mòn tới xương khi phần móng cây cầu chằng chịt vết thương. Trước hiện trạng đó, bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hà Nội cho rằng, đã đến lúc lên kế hoạch "giải cứu" cây cầu huyết mạch này.

Hai phương án đã được đưa ra, hoặc sửa chữa làm mới cầu Chương Dương hoặc xây dựng một cây cầu mới thay thế cầu hiện tại. Đề xuất này cũng đang nhận được rất nhiều phản biện tích cực từ phía các chuyên gia.

Sửa chữa hay thay thế?

Một nhà sử học nổi tiếng từng nói, mỗi cây cầu vắt ngang sông Hồng là một dấu mốc trong tiến trình lịch sử, trở thành một phần máu thịt của Thủ đô Hà Nội. Từ cây cầu Long Biên trăm tuổi, đến cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy... dù khá non trẻ nhưng đều trở thành một phần biểu trưng của Thủ đô văn hiến, hiện đại.

Ngược dòng lịch sử, trở lại thời khắc cách đây tròn 30 năm, ngày 10/10/1983, cầu Chương Dương được chính thức khởi công. Sau một năm chín tháng thi công, cầu khánh thành ngày 30/6/1985 trong sự hân hoan của cả đất nước. Cầu dài hơn 1.213m, rộng 19,76m, gồm bốn làn xe, hai làn giữa dùng cho xe tải nặng 30 tấn hoặc bánh xích 80 tấn, hai làn bên dùng cho xe tải sáu tấn. Cầu gồm chín nhịp dầm dẫn, 11 dầm chính, 21 mố trụ. Theo phân tích của các chuyên gia, cầu Chương Dương là loại cầu lớn, vĩnh cửu, có kết cấu bảo đảm an toàn cho các xe trọng tải lớn qua cầu với tốc độ cao. Cầu có kết cấu dầm thép, mặt bằng bê tông cốt thép. Đây cũng là cây cầu đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, thể hiện khả năng tự làm chủ, sáng tạo, đánh dấu sự phát triển mới của ngành cầu đường nước nhà.

Cũng bởi giữ vị thế đắc địa mà ngày ngày cầu Chương Dương phải gồng mình "gánh" một lượng phương tiện và tải trọng vượt rất nhiều lần so với thiết kế. Chính việc bị tận khai thác đã khiến cây cầu đang xuống cấp nhanh chóng. Không chỉ lớp ngoài mà nhiều bộ phận trọng yếu của cây cầu cũng đang bị ăn mòn tới xương thịt. Tình trạng han gỉ đã xuất hiện nhiều trên thân cầu, chân và mặt cầu cũng chằng chịt vết thương. Các cơ quan chức năng cũng đã nhận ra điều đó và đang cùng bắt tay đưa ra giải pháp "giải cứu" cây cầu này.

Cầu Chương Dương đang được các chuyên gia hiến kế “giải cứu”

Trao đổi với báo giới, thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, phần thân cầu Chương Dương vẫn ổn định nhưng kết cấu phía dưới đang có vấn đề. Nếu tới đây không được sửa chữa và có giải pháp gia cố kết cấu sẽ không đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện. "Bộ đang xem xét hai phương án khắc phục là sửa chữa làm mới cầu Chương Dương hoặc xây dựng một cây cầu mới thay thế cầu hiện tại", ông Trường nói. Tiếp thu ý kiến trên, UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể cầu Chương Dương. "Ít nhất phải hai đến ba tháng sau mới có kết quả. Hà Nội cũng chưa có chủ trương xây dựng cầu mới thay thế, khi nào có kết quả kiểm định mới có hướng cụ thể. Phương án nào khả thi nhất sẽ thực hiện", phó giám đốc sở GTVT Nguyễn Xuân Tân nhấn mạnh.

Không phải nói thay là thay

Ngay sau khi thông điệp nghiên cứu thay thế cầu Chương Dương được phát đi đã lập tức nhận được phản hồi từ phía dư luận. Các chuyên gia đầu ngành về giao thông, xây dựng, thậm chí cả văn hóa đã cùng hiến kế ý tưởng "giải cứu" cầu. Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải phân tích, cầu Chương Dương đang hư hỏng nhưng không thể đổ tội cho người thiết kế và thi công vì nó đã làm tròn sứ mệnh lịch sử trên vai. "Ban đầu chúng ta định làm cầu treo vì sông Hồng quá rộng nhưng sau do kinh tế eo hẹp nên quyết định chuyển sang làm cầu cứng. Hồi đó, nhờ tận dụng được thép của cầu Thăng Long để làm cầu Chương Dương nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Khi đi vào hoạt động nó đã san sẻ rất nhiều sức nặng cho cây cầu Long Biên trăm tuổi. Từ năm 1985 đến nay cũng đã gần 30 năm, phải khẳng định cầu Chương Dương đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Chiến công của nó cũng nhiều không kể xiết", TS Thủy nhớ lại.

Từng nhiều năm gắn bó với ngành giao thông, TS Thủy cho rằng, việc "giải cứu" cây cầu lịch sử này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. "Theo quan điểm của tôi, có thể khôi phục, kể cả đại tu, sửa sang và gia cường cho cầu Chương Dương chứ chưa đến mức phải thay thế. Trong thời gian sửa chữa vẫn có các cây cầu khác như Thanh Trì và Vĩnh Tuy… giúp đỡ nên không lo ảnh hưởng đến giao thông. Sau này, khi tình hình thuận lợi hơn, chúng ta có đủ tài chính mới nghĩ chuyện làm một cây cầu khác, mà tốt nhất vẫn nên làm ở vị trí hiện tại", TS Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Xây dựng (Hà Nội) cũng khẳng định: "Không phải nói thay là thay. Ngay cầu Long Biên đã bắc qua hai thế kỷ, tuổi đời hơn 100 năm mà vẫn sử dụng tốt. Nó không chỉ có giá trị về giao thông mà còn mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, là một phần của Thủ đô ngàn năm văn hiến".

Hà Nội cần “học tập” Đà Nẵng?

“Mỗi cây cầu đều mang một nét riêng. Dù cầu Chương Dương có xấu thì cũng là tiền của dân, là dấu ấn một thời của xây dựng, giao thông. Không thể vì xấu mà đòi thay mới. Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn của những người đứng đầu. Tại sao Đà Nẵng lại xây dựng được rất nhiều cây cầu đẹp tráng lệ, trở thành biểu tượng của thành phố? Họ làm được sao thủ đô không học tập? Tôi nghĩ, khi xây dựng bất kỳ cây cầu nào không chỉ đơn thuần nghĩ đến mục đích giao thông, kinh tế mà còn tính đến cả yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ. Hà Nội cũng cần xây dựng thêm những cây cầu thành biểu tượng như vậy”. (PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng).

Anh Văn

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/cac-chuyen-gia-dau-nganh-hien-ke-y-tuong-giai-cuu-cau-chuong-duong-a76643.html