Chuyên gia chỉ cách vượt qua cú sốc trầm cảm tìm bình an trong cuộc sống

Sau khi mẹ qua đời, chị Dung đau đớn, như bị rút kiệt sức lực, không muốn làm gì hay giao tiếp với ai, gần như không thể vượt qua được nỗi đau này.

5 năm trước, sau khi mẹ mất, chị Chu Thị Dung (Nghệ An) quá đau đớn, hụt hẫng, cảm xúc bắt đầu lên xuống thất thường. Có lúc chị tràn đầy năng lượng, nhưng có lúc đầu óc trống rỗng, chán nản, toàn thân như bị rút kiệt sức lực, không muốn làm gì hay giao tiếp với ai.

Mấy năm trôi qua, nỗi đau trong chị còn chưa nguôi thì cha lại muốn đi bước nữa. “Tôi có nỗi sợ rất lớn khi cha lấy vợ thì mình sẽ bị “cướp” mất cha. Tôi đã mất mẹ và không muốn lại mất cả cha”, chị nói.

Suy nghĩ đó khiến tinh thần chị Dung hoảng loạn, mất ăn mất ngủ suốt 1 tháng liền, sụt mất 5kg, trong đầu toàn suy nghĩ tiêu cực. “Lúc ấy, chồng tôi đã phải nghỉ việc, ở nhà cùng tôi nhưng cũng không thể giúp tôi vui vẻ, lạc quan hơn. Tôi ngày càng khó kiểm soát cảm xúc và hành vi, hay khóc lóc, cáu giận bởi những chuyện nhỏ nhặt”, chị tâm sự.

Nhiều người chia sẻ câu chuyện mất mát, nỗi buồn của bản thân.

Cũng mang trong mình nỗi đau mất mát là chị Vũ Thị Châm (Hà Nội) mất chồng vào năm 2020, sau đó con gái lớn chuẩn bị đi du học thì phát hiện bệnh trọng. Chị đã đồng hành chữa bệnh cho con hơn 1 năm, nhưng con không qua khỏi.

Chỉ trong thời gian ngắn mất đi 2 người thân nên chị đau khổ, suy sụp và bế tắc. Tâm trạng nặng nề, chị lại trút bỏ những bực dọc lên người cậu con trai thứ 2 đang học lớp 11.

Mối quan hệ của mẹ con chị vốn đã không tốt đẹp. Từ khi học cấp 2, cậu bé hay nghịch ngợm, không tuân thủ nội quy trường lớp. Nghe cô giáo phản ánh, chị nhiều lần đánh con nên hai mẹ con rất ít khi nói chuyện với nhau. Sau biến cố gia đình, mọi chuyện càng tồi tệ hơn.

“Con đi học về là vứt cặp ở cầu thang, vào ăn xong thì lên phòng chơi điện tử rồi hò hét, chửi bậy ầm ĩ trên đó, đến giờ đi học mới chịu xuống. Con đi đi về về như cái bóng, còn tôi thì suốt ngày ủ rũ ngồi ở góc bàn ăn dưới nhà bếp, không còn thiết tha gì, lay lắt sống qua ngày”, chị kể.

Chia sẻ về nỗi đau trong cuộc sống, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho rằng, trên hành trình cuộc đời, sẽ có những người chúng ta gặp, những sự kiện xảy ra khiến ta mất mát, tổn thương. Mọi người thường vô thức đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực và bỏ rơi chính mình.

Không nhiều người nhận ra rằng, mỗi nỗi đau lại mang đến một bài học, giúp ta trưởng thành về mặt tâm hồn để sống bản lĩnh, mạnh mẽ hơn. Nó cũng là cánh cửa đầu tiên để bắt đầu hành trình chữa lành, tìm về với chính mình và học cách yêu thương bản thân.Niềm vui, nỗi buồn là do chính chúng ta tạo ra chứ không nên phụ thuộc vào bất kỳ ai khác.

Chỉ khi hiểu được bản chất của nỗi đau, mỗi người mới có thể trân quý bản thân, giải phóng cảm xúc tiêu cực, tìm thấy sự bình an trong tâm trí, học những bài học và mạnh mẽ vượt qua biến cố.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Biết đến cô Lanh và áp dụng những bài giảng của cô vào cuộc sống, chị Châm cũng không còn u uất nữa: “Nỗi đau lớn nhất trong đời người có lẽ là mất người thân. Tôi từng trải qua nỗi đau ấy khi mất cả chồng con nhưng giờ tôi đã được chữa lành.

Tết vừa rồi về quê ăn Tết, anh em họ hàng đến hỏi thăm, tôi cảm thấy rất bình an. Con trai tôi cũng dần thay đổi tích cực, giúp đỡ mẹ việc nhà, đi chơi đâu về có chuyện vui buồn đều chia sẻ với mẹ”.

Trong chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới - Đường về hạnh phúc”, không chỉ chị Dung, chị Châm mà rất nhiều người khác đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Xuyên suốt sự kiện, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cũng hướng dẫn mọi người cách chữa lành tổn thương, giải phóng suy nghĩ tiêu cực, thấu hiểu chính mình, biết ơn mọi điều trong cuộc sống… để sống bình an, hạnh phúc.

An An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-dinh-gap-bien-co-nguoi-phu-nu-roi-vao-tram-cam-tu-dan-vat-ban-than-ar862490.html