Chuyên gia chỉ 3 cách ngăn ngừa khớp nổi u cục, sưng tấy, đau nhức

Gút là bệnh lý xương khớp mạn tính. Chưa có phương pháp nào có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy vậy, nếu tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị hợp lý, bệnh gout có thể được kiểm soát.

Ths.BSNT Nguyễn Thị Phương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh gout là một trong những bệnh lý xương khớp có tỷ lệ mắc ngày càng tăng.

Bệnh gout sẽ thường gây ra các cơn đau, các khớp sưng đỏ, thậm chí nổi u cục. Ảnh: TA

Bệnh gout sẽ thường gây ra các cơn đau, các khớp sưng đỏ, thậm chí nổi u cục. Ảnh: TA

Bệnh gây ra các cơn đau khớp nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đến chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh kiểm soát bệnh tốt, ngăn ngừa tiến triển nặng.

Gút là bệnh lý xương khớp mạn tính. Với câu hỏi “bệnh gout có chữa khỏi được không”, câu trả lời là chưa có phương pháp nào có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy vậy, nếu tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị hợp lý, bệnh gout có thể được kiểm soát.

Bệnh tiến triển theo hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Ứng với mỗi giai đoạn, mục tiêu điều trị sẽ có sự khác biệt.

Bệnh gout cấp tính: Ở giai đoạn cấp tính, những tinh thể urat sắc nhọn lắng đọng, cọ xát vào niêm mạc khớp, gây sưng đau và tấy đỏ. Những đợt gout cấp tính thường xuất hiện khi người bệnh căng thẳng, uống bia rượu nhiều hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu đạm… Đối với giai đoạn này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm sưng đau khớp. Tuy vậy, cơn gout cấp vẫn có khả năng tái phát. Vì thế, người bệnh cần kiểm soát tốt nồng độ acid uric máu.

Bệnh gout mạn tính: Ở giai đoạn mạn tính, hạt tophi xuất hiện quanh các khớp, thậm chí là trong thận, mô và cơ. Điều trị gout ở giai đoạn này cần kiểm soát nồng độ acid uric máu trong ngưỡng cho phép (< 360μmol/l (60mg/l) nếu chưa có hạt tophi và dưới 320 μmol/l (50mg/l) nếu đã có hạt tophi).

Vì thế, việc điều trị bệnh gout mạn tính cần kéo dài, duy trì liên tục. Hiện nay có 3 cách điều trị bệnh gút hiệu quả:

1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là một trong các phương pháp điều trị bệnh gút tại nhà hiệu quả và an toàn.

Người bệnh tránh bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, tôm, cá… Ngoài ra, cần kiêng sử dụng rượu bia và những loại đồ uống chứa cồn.

Người bệnh gout nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh; ăn trứng và thịt, lưu ý không quá 150g/ngày. Đồng thời cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và uống đủ nước (2 – 2,5 lít/ngày tùy nhu cầu mỗi người).

2. Thuốc điều trị đợt gout cấp

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là phương pháp điều trị phổ biến cho các cơn gout cấp tính. Thuốc giúp giảm đau và viêm do những tinh thể acid uric gây nên. Tuy nhiên, thuốc không ảnh hưởng tới lượng acid uric trong cơ thể.

Các loại thuốc nhóm NSAID không kê đơn (OTC) như naproxen và NSAIDs theo toa như Indomethacin và Sulindac, giúp ngăn cơn gout cấp tính. Nhược điểm thuốc là chỉ có công dụng trong thời gian ngắn. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, người bệnh có thể bị buồn nôn, tiêu chảy, nghiêm trọng hơn là viêm loét dạ dày. Ảnh hưởng tới chức năng gan, thận và tim mạch.

Thuốc NSAIDs trong những năm gần đây đã cải tiến thành các thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 giúp giảm đau, kháng viêm tương đương phiên bản cũ, ít tác dụng không mong muốn hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nhóm thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 này đến tim mạch vẫn còn đang nghiên cứu và đánh giá.

Thuốc colchicine là thuốc chống viêm uống theo toa, được chỉ định trong điều trị bệnh gút và những loại viêm khớp liên quan tới tinh thể khác. Thuốc có hiệu quả điều trị cao với các đợt cấp tính, giúp giảm bớt những triệu chứng trong vòng 36 giờ tính từ khi xuất hiện các triệu chứng. Colchicine có thể chỉ định dùng với liều lượng thấp hơn, tương tự một loại thuốc dự phòng nhằm giảm khả năng bùng phát trong tương lai.

Trong trường hợp sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và colchicine không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng corticosteroid. Corticosteroid có thể được dùng theo đường uống trực tiếp hay tiêm tĩnh mạch trực tiếp vào khớp. Trong đó, Prednisone là một loại corticosteroid phổ biến, được kê đơn trong điều trị gout ở giai đoạn cấp tính. Trong vòng vài giờ sau khi dùng thuốc, người bệnh có thể cảm nhận rõ cơn đau thuyên giảm.

Nhóm thuốc corticosteroid có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Vì thế, bác sĩ thường chỉ định khi người bệnh không đáp ứng tốt với nhóm thuốc chống viêm không steroid và colchicine hoặc có chống chỉ định với 2 loại thuốc này. Người bệnh chỉ nên dùng khi được bác sĩ kê đơn.

Đối với các trường hợp cơn gout chỉ giới hạn tại một hoặc hai khớp, cơn đau trong từ độ nhẹ tới trung bình, người bệnh có thể chỉ cần dùng một trong các loại thuốc trên để kiểm soát tốt tình trạng viêm. Tuy vậy, khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng và nếu một hay nhiều khớp lớn hơn (không chỉ tại ngón chân), khi đó có thể cần kết hợp các phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh.

Khi một loại thuốc không đủ hiệu quả để điều trị những triệu chứng của đợt gout cấp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm một loại thuốc khác hoặc thử kết hợp các loại thuốc. Do đó, để điều trị bệnh lâu dài và hiệu quả, chỉ có bác sĩ mới có thể quyết định lựa chọn điều trị nào là tốt nhất cho người bệnh.

Thuốc điều trị giảm acid uric máu. Nhóm thuốc đầu tiên được bác sĩ chỉ định để giảm acid uric máu là Allopurinol. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như nôn, sốt, đau đầu, dị ứng gây tổn thương da nặng… Vì thế, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm gen nhằm loại trừ nguy cơ dị ứng. Trường hợp mang gen có thể bị dị ứng khi sử dụng thuốc, người bệnh sẽ cần được thay thế thuốc khác phù hợp hơn.

Nhóm thuốc tăng thải acid uric như probenecid, lesinurad… sẽ là lựa chọn thay thế để giảm acid uric máu. Thuốc có tác dụng tăng đào thải acid uric qua thận. Do đó, cần thận trọng khi dùng đối với người bệnh gout bị sỏi thận, đồng thời áp dụng thêm những biện pháp kiềm hóa nước tiểu.

Những thuốc điều trị gout thường có tác dụng không mong muốn. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để xác định rõ.

3. Thay đổi lối sống, tránh bổ sung nhiều đạm

Cơn gout cấp thường xuất hiện khi người bệnh ăn nhiều thịt, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều purin như thịt chó, nội tạng… Do đó, người bệnh gout nên tránh tiêu thụ những loại thực phẩm này nhằm hạn chế làm tăng lượng acid uric trong cơ thể.

Uống nhiều nước: Nước giúp làm sạch cơ thể nhằm khôi phục sự cân bằng với nồng độ acid uric. Vì thế, người bệnh nên uống nhiều nước mỗi ngày thay cho những loại đồ uống có cồn và nước ngọt để kiểm soát tốt hơn bệnh, ngăn chặn sự xuất hiện của cơn gout cấp.

Giảm cân từ từ: Giảm cân có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Tuy nhiên, giảm cân quá nhanh có thể dẫn tới tình trạng hình thành sỏi thận và tinh thể trong cơ thể, gây đau khớp. Hãy giảm cân hợp lý và khoa học bằng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động thể chất phù hợp. Nghỉ ngơi và hạn chế vận động khi cơn gout cấp xuất hiện, gây đau khớp nghiêm trọng. Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, tạm ngừng mọi hoạt động nhằm đảm bảo khớp không viêm nặng hơn.

Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ: Khi thăm khám, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những triệu chứng gặp phải, tần suất của các cơn gout cấp. Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc, gồm những thuốc chống viêm không steroid dạng uống, corticoid tiêm trực tiếp vào khớp. Thuốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng sưng tấy khó chịu do gout và giảm đau hiệu quả.

Lưu ý cho người bị gout: Kiêng rượu bia, nước ngọt. Tăng cường bổ sung những loại rau củ như cải bắp, rau cần, cải bẹ xanh, khoai tây… và trái cây như táo, cherry, bơ, lê, đu đủ, thơm.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn.

Luyện tập thể dục thể thao vừa phải là một trong những phương pháp kiểm soát tốt bệnh gout. Ảnh: TA

Luyện tập thể dục thể thao vừa phải là một trong những phương pháp kiểm soát tốt bệnh gout. Ảnh: TA

Luyện tập thể dục thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe… để nâng cao sức khỏe toàn diện và duy trì cân nặng phù hợp.

Tuy nhiên, trong đợt gout cấp, người bệnh tránh vận động mạnh nhằm hạn chế làm tổn thương các khớp.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/chuyen-gia-chi-3-cach-ngan-ngua-khop-noi-u-cuc-sung-tay-dau-nhuc-d8017.html