Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Đừng để DN Việt giơ cờ trắng

Thả nổi lãi suất vay trong thời điểm hiện tại là không phù hợp vì nó không đảm bảo được sự phát triển bền vững, ổn định của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm liên quan tới nội dung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép bỏ trần lãi suất vay vốn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: TPO

PV:- Thưa ông, từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Riêng 5 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao được áp dụng với với mức lãi suất cho vay tương đối thấp, khoảng 5,5%- 6%/năm.

Ông bình luận như thế nào về quyết định trên?

Ông Bùi Kiến Thành: - Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/3/2017, quy định cho các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng là một chủ trương dễ dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế với nhau. Ở đây cần làm rõ hai vấn đề: tính hợp lý và tính pháp lý.

Thứ nhất, về tính hợp lý. Phải khẳng định chủ trương trên đi ngược với chức năng, vai trò của một Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương có trách nhiệm cung ứng đủ lưu lượng tiền tệ cần thiết cho nền kinh tế phát triển ổn định, với một mức lãi suất hợp lý mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Việt Nam không phải là ngoại lệ, lãi suất phải được duy trì ở mức hợp lý, không thể tạo cơ hội cho ngân hàng thương mại đẩy lên mức bao nhiêu cũng được.

Ở đây, cần làm rõ khái niệm ‘’lãi suất thỏa thuận’’. Khi muốn "thỏa thuận" thì các bên liên quan phải cân sức, cân lượng. Trong khi đó, có tồn tại mối quan hệ như vậy giữa doanh nghiệp và ngân hàng hay không? Phải nói thẳng, doanh nghiệp khó có sự cân bằng quyền lực để có thể ngồi lại thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng đặc biệt trong bối cảnh phương thức kinh doanh chưa theo chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Như vậy, nhiều khả năng, mức lãi suất thỏa thuận hoàn toàn phụ thuộc vào quyền quyết định của phía cho vay và có thể bị đẩy lên tới 10%, 20% thậm chí cao hơn nữa, không khác nào ngân hàng đang buộc doanh nghiệp phải đi vay nặng lãi. Quan trọng hơn, với mức lãi suất như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại, nền kinh tế sẽ lâm vào suy thoái khủng hoảng.

Thứ hai, về tính pháp lý. NHNN hoạt động theo Luật Ngân hàng và Luật Dân sự. Luật Dân sự quy định Các ngân hàng thương mại không được phép cho vay trên 150% lãi suất cơ bản của NHNN. Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Chiếu theo luật, các ngân hàng thương mại không được cho vay với lãi suất quá 12%/năm, chứ không thể được cho vay với mức lãi suất thỏa thuận như tinh thần của thông tư nói trên. Như vậy, việc bỏ trần lãi suất, cho vay bất kỳ, vay theo mức thỏa thuận là trái với quy định của pháp luật hiện hành, là mối nguy hại đối với doanh nghiệp.

Tại một số quốc gia trên thế giới, nhằm đưa ra giải pháp kiểm soát tình trạng vay nặng lãi họ có quy định rất rõ về giới hạn mức trần lãi suất cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi vượt quá mức quy định ngân hàng còn có thể còn bị truy tố hình sự.

PV: - Vậy theo ông, mục tiêu điều chỉnh dòng vốn đi đúng vào các lĩnh vực ưu tiên như mục tiêu của quyết định này liệu có thực tế hay không và vì sao?

Ông Bùi Kiến Thành: - Không nên nói mục tiêu trên có thực tế hay không mà hãy bàn xem chủ trương trên có khả thi hay không?

Thông tư 39/2016/TT-NHNN áp đặt điều kiện là các khoản vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 5.5 – 6%. Sẽ nảy sinh hai câu hỏi:

Một là, ngoại trừ lĩnh vực cho vay xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp còn lại sẽ tổ chức kinh doanh thế nào nếu chỉ được vay ngắn hạn với lãi suất thấp? Trong khi, muốn vay dài hạn cho các chiến lược kinh doanh dài hơi, doanh nghiệp lại buộc phải vay với ‘’lãi suất thỏa thuận’’.

Hai là, nguồn tiền cho các khoản vay với lãi suất như vậy được lấy từ đâu? Hiện tại, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 -3 tháng ở các ngân hàng ở mức xấp xỉ 4,5%, kỳ hạn 6- 9 tháng là 5,5%, cộng với chi phí vận hành theo thông lệ khoảng 1,5% -2%, mức lãi suất cho vay tối thiểu cũng phải trên 6%. Đó là chưa tính tới việc liệu nguồn tiền huy động được từ các khoản vay kỳ hạn dưới 1 năm có đủ cung ứng nếu các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên thực sự mặn mà với các khoản vay này hay không?

Như vậy, khả năng hợp lý nhất là: Ngân hàng Trung ương ứng tiền thanh khoản cho NHTM vay với lãi suất 1-2%, sau đó NHTM cho lại các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vay lại với lãi suất 5-6%. Đây là trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Trung ương, được pháp luật cho phép phát hành tiền tệ cần thiết, đảm bảo lưu lượng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động, như tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều làm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/chuyen-gia-bui-kien-thanh-dung-de-dn-viet-gio-co-trang-3329711/