Chuyện gì đã xảy ra trong trận mưa kinh hoàng ở Dubai?

Trận mưa khủng khiếp, bất thường ở Dubai là một phần của những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng trên toàn cầu khi Trái Đất tiếp tục nóng lên.

Cơn mưa đổ xuống ở UAE hôm 16/4 có thể bằng lượng mưa của cả năm tại quốc gia này, theo CNN. Đây cũng là trận mưa bão lớn nhất được ghi nhận trong suốt 75 năm qua tại UAE.

Vùng sa mạc vốn quen với nắng nóng, sự khô cằn nay ngập trong mưa lũ, tạo ra những khung cảnh chưa từng có. Các tuyến đường lớn ở thành phố Dubai đã biến thành sông, phương tiện giao thông chết máy nằm im trên đường. Sân bay quốc tế Dubai khuyến cáo người dân không tới sân bay, trừ trường hợp khẩn cấp vì đa số chuyến bay đã bị hoãn hoặc chuyển hướng.

Thiệt hại

Trong ngày 16/4, Dubai ghi nhận lượng mưa 142 mm, nhiều hơn lượng mưa mà thành phố sa mạc thường nhận được trong cả năm.

Trên các con đường, nhiều ôtô chết máy bị bỏ lại. Người dân phải chờ đội cứu hộ tới ứng cứu phương tiện. Những chiếc siêu xe cũng nằm lại dọc theo đường cao tốc 6 làn xe. Cảnh sát cho biết một người đàn ông 70 tuổi đã thiệt mạng sau khi bị cuốn trôi trong ôtô ở Ras Al Khaimah.

Tại sân bay quốc tế Dubai, Emirates tạm dừng làm thủ tục chuyến bay đối với hành khách khởi hành từ Dubai vào sáng 17/4 do “những thách thức trong hoạt động vì thời tiết xấu và điều kiện đường sá gây ra”. Còn hãng hàng không giá rẻ Flydubai đã hủy tất cả chuyến bay cho đến 10h sáng 17/4.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Dubai, UAE. Ảnh: Anadolu, Bloomberg.

Để đối phó với tình hình thời tiết, chính quyền đã hành động nhanh chóng, đóng cửa trường học và chuyển sang làm việc từ xa để đảm bảo an toàn. Nhân viên cấp cứu di chuyển trên các đường phố ngập nặng, triển khai xe bồn để hút nước.

Trước khi đổ bổ vào UAE và Bahrain vào ngày 15-16/4, cơn bão này đã càn quét qua Oman, nơi 18 người đã thiệt mạng, trong đó có một số trẻ em.

Công nghệ gieo hạt đám mây gây mưa bão?

Để giải quyết tình trạng khan hiếm nước trên lãnh thổ của mình, UAE bắt đầu áp dụng phương pháp "gieo hạt trên đám mây" (cloud seeding) vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, UAE mới đây đã lên tiếng phủ nhận việc tiến hành "gieo mây" trước trận mưa lịch sử hôm 16/4, theo CNBC.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE (NCM), lực lượng đặc nhiệm của chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ gieo hạt trên đám mây, đã bác bỏ các báo cáo nói rằng họ thực hiện kỹ thuật điều chỉnh thời tiết trước cơn bão lớn trên khắp đất nước, do đó làm trầm trọng thêm mưa lũ ở nhiều nơi, trong đó có Dubai.

NCM cho biết họ đã theo dõi lượng mưa lớn xảy ra hôm 16/4, nhưng không nhắm vào bất kỳ đám mây nào trong khoảng thời gian này, nhấn mạnh đó hoàn toàn là một hiện tượng thời tiết tự nhiên.

UAE sử dụng công nghệ gieo mây, làm mưa nhân tạo trong nhiều năm qua. Ảnh: The National.

Phó tổng giám đốc NCM Omar AlYazedi cho biết: "Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc gieo hạt trên đám mây là bạn phải nhắm mục tiêu vào các đám mây ở giai đoạn đầu trước khi trời mưa, nếu bạn gặp tình huống giông bão nghiêm trọng thì đã quá muộn để tiến hành bất kỳ hoạt động gieo mây nào.

Chúng tôi rất coi trọng sự an toàn của người dân, phi công và máy bay. NCM không tiến hành các hoạt động gieo hạt trên đám mây khi có hiện tượng thời tiết khắc nghiệt".

Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà khí tượng học Ahmed Habib đã nói với Bloomberg rằng trận mưa hôm 16/4 một phần xuất phát từ việc gieo hạt trên đám mây. Habib sau đó nói với CNBC rằng 6 phi công đã thực hiện các nhiệm vụ như một phần của nghi thức thông thường, nhưng không gieo hạt trên bất kỳ đám mây nào. CNBC không thể xác minh báo cáo này.

Gieo hạt trên đám mây là gì?

Gieo mây có thể hiểu là hình thức làm mưa nhân tạo bằng cách thêm hóa chất vào các đám mây để kích thích sự phát triển và giải phóng nước của chúng. Sự kích thích được thực hiện bằng máy bay, tên lửa hoặc máy phát điện trên mặt đất.

Gieo mây được sử dụng trong nông nghiệp và quản lý nước để tăng lượng mưa, trong khí tượng học để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của đám mây. Các vùng hạn hán của UAE áp dụng công nghệ này để tăng lượng mưa, giảm thiểu hạn hán.

Tại quốc gia sa mạc, các nhiệm vụ gieo mây đã được giới thiệu vào những năm 1990 và hơn 1.000 giờ gieo hạt trên đám mây đang được thực hiện hàng năm.

Theo một báo cáo từ tạp chí khoa học Nature, quốc gia vùng Vịnh này đã chứng kiến lượng mưa gia tăng trong vài năm qua và lượng mưa dự kiến tăng 15-30% trong những năm tới.

Ngoài UAE, Saudi Arabia, một số vùng khô hạn ở Mỹ như California, Colorado, Nevada, Idaho và Texas cũng áp dụng công nghệ gieo mây, tạo mưa. Một số nghiên cứu ở Mỹ cho thấy phương pháp này có thể có hiệu quả, nhưng tác động của nó vẫn còn gây tranh cãi.

Katja Friedrich, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Colorado, cho biết: "Việc gieo hạt trên đám mây có hiệu quả. Chúng tôi biết điều đó từ các thí nghiệm và cũng có đủ bằng chứng cho thấy nó hoạt động trong tự nhiên. Câu hỏi thực sự là chúng ta có thể vắt được bao nhiêu nước từ những đám mây?".

Các chuyên gia đồng ý rằng việc gieo hạt trên đám mây không nên được coi là biện pháp ứng phó với hạn hán. Thứ nhất, trong một đợt hạn hán sẽ có ít điều kiện để có thể gieo mây. Thứ hai, uớc tính cho thấy cách làm này chỉ làm tăng lượng mưa khoảng 10% ở một số nơi nhất định, nên không chấm dứt được tình trạng hạn hán trên toàn bộ khu vực.

Việc gieo hạt trên đám mây hiệu quả nhất khi được thực hiện liên tục, cả vào những năm ẩm ướt cũng như những năm khô hạn. Mike Eytel, chuyên gia cấp cao về tài nguyên nước, cho biết gieo mây chỉ là một trong những công cụ tạo nguồn nước, "không phải là thuốc chữa bách bệnh như một số người nghĩ".

Nguyên nhân thực sự gây mưa lũ

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng và các tòa nhà của UAE được thiết kế để chịu đựng kiểu thời tiết đặc trưng của khu vực, chẳng hạn như lượng mưa tối thiểu.

Hệ thống thoát nước của các công trình vì vậy đã phải vật lộn để đối phó với những trận mưa như trút nước hôm 16/4, khiến đường sá và sân bay bị ngập lụt, đồng thời khiến các hoạt động chính của đất nước phải tạm dừng.

Thứ hai, nhiều chuyên gia cho rằng việc đổ lỗi cho công nghệ gieo mây chỉ là cách né tránh nguyên nhân thực sự là cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu.

Cơ quan ứng phó khẩn cấp của UAE khuyến cáo người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Arabian Business.

Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, nói với Reuters rằng mưa trên khắp thế giới đang trở nên nặng hạt hơn nhiều khi khí hậu ấm lên vì bầu không khí ấm nóng hơn có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn. Bà nói rằng thật sai lầm khi cho rằng việc gieo mây là nguyên nhân gây ra lượng mưa lớn.

"Gieo mây không thể tạo ra đám mây từ hư không. Nó khuyến khích nước vốn có trên bầu trời ngưng tụ nhanh hơn và rơi xuống ở một số nơi nhất định. Vì vậy, trước tiên, bạn cần độ ẩm. Không có nó thì sẽ không có mây".

Nhà khoa học khí hậu Daniel Swain cũng nhận định rằng không phải công nghệ gieo mây, biến đổi khí hậu mới là nguyên nhân sâu xa cho những thay đổi thời tiết bất thường ở Dubai.

Các nhà khoa học khí hậu đồng ý rằng nhiệt độ toàn cầu tăng cao vì biến đổi khí hậu do con người gây ra đang dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trên khắp thế giới, bao gồm cả những cơn mưa khủng khiếp.

"Lượng mưa do giông bão, giống như lượng mưa ở UAE trong những ngày gần đây, đặc biệt gia tăng mạnh mẽ cùng với sự nóng lên của địa cầu. Điều này là do sự đối lưu, vốn là luồng gió mạnh trong giông bão, tăng cường trong một thế giới ấm hơn", Dim Coumou, giáo sư về khí hậu khắc nghiệt tại Vrije Universiteit Amsterdam, giải thích.

Mưa lụt bất thường tấn công thành phố sa mạc Mưa lớn đổ bộ Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã làm tê liệt nhiều tuyến đường, sân bay Dubai cũng như khiến nhiều người và xe mắc kẹt trong ngập lụt.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gi-da-xay-ra-trong-tran-mua-kinh-hoang-o-dubai-post1470943.html