Chuyến du đấu phía Nam của Thể Công

45 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cho đến hôm nay, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không thể quên về khát khao được so tài với các đồng nghiệp miền Nam của cầu thủ đội bóng đá Thể Công ngày ấy.

Mùa hè năm 1974, đội bóng đá Thể Công nhận lời sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Trung Quốc. Trong hơn hai tháng, chúng tôi thi đấu với những đội bóng hàng đầu Trung Quốc khi ấy và một số đội bóng đá của nhiều tỉnh, thành phố, như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Côn Minh, Nam Kinh, Liêu Ninh… Với 11 trận thi đấu chính thức, Thể Công giành 8 trận thắng, hòa 2 và chỉ chịu thua 1 trận. Một chuyến đi thành công mỹ mãn. Nguyên nhân được chỉ rõ: Tại thời điểm ấy, Thể Công có lứa cầu thủ tài năng nhập ngũ năm 1965 từng tập huấn một năm từ CHDCND Triều Tiên về làm nòng cốt. Đội Thể Công khi ấy vừa có tài năng, vừa có tinh thần và tư tưởng trong sáng; ý thức kỷ luật nghiêm và đang ở giai đoạn sung sức trong cuộc đời cầu thủ.

 Đội Thể Công chụp ảnh lưu niệm trước trận gặp Cảng Sài Gòn năm 1979. Ảnh tư liệu.

Đội Thể Công chụp ảnh lưu niệm trước trận gặp Cảng Sài Gòn năm 1979. Ảnh tư liệu.

Cùng với những tin chiến thắng từ chiến trường đưa về, không khí quyết tâm rèn luyện, thi đấu của Thể Công ngày càng sôi nổi. Đầu năm 1975, Thể Công thi đấu Giải vô địch miền Bắc. Giải đấu ấy có 14 đội tham gia. Với thành tích “vô tiền khoáng hậu” khi giành thắng lợi tuyệt đối trước tất cả các đội trong bảng A, Thể Công lọt vào trận tranh chức vô địch. Đối thủ của Thể Công khi ấy là đội bóng nhất bảng B Tổng cục Bưu điện. Đây là đội bóng sừng sỏ, đầy cá tính, đã đánh bại nhiều đội bóng mạnh, như: Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, Công an Hải Phòng để lọt vào chung kết. Dẫu vậy, Thể Công một lần nữa khiến người hâm mộ tự hào khi giành chiến thắng thuyết phục 3-1, qua đó giành chức vô địch.

Ngày đất nước thống nhất, toàn đội Thể Công ai nấy chỉ mong chờ được vào miền Nam so tài với các tuyển thủ Sài Gòn và các tỉnh, thành phố khác. Sau khi nhận cúp vô địch miền Bắc bằng thế trận vượt trội và đội hình rất mạnh, đang độ sung sức và khao khát chiến thắng, chúng tôi tự tin sẽ được “tiến về Sài Gòn” trong thời gian rất gần thôi. Tất cả mọi người đều sẵn sàng lên đường bất kể lúc nào… Với đặc thù thi đấu đối kháng, chúng tôi ao ước có dịp so tài với các đồng nghiệp phía Nam bởi nghe nói ở trong ấy có rất nhiều danh thủ tầm cỡ châu lục. Những tên tuổi của các danh thủ miền Nam, như: Thủ môn Phan Văn Rạng, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang, "cây săn bàn" Võ Thành Sơn, "mũi giáo nhọn" Tư Lê… Trong khi đó, Thể Công với lực lượng có độ tuổi trung bình là 24, 25, như: Trần Văn Khánh, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Duy Phú, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Bùi Ngọc Chi, Bùi Xuân Thêu... lại được bổ sung một số cầu thủ kỳ cựu, như: Sỹ Hiển, Quý Thiêm, Nguyễn Bính, Hải Bình, Thế Luân, Ngọc Sơn. Sự phối hợp hai lứa tuổi tài năng ấy đã tạo nên một đội bóng hoàn chỉnh và mạnh nhất của Thể Công trong các thời kỳ theo nhận xét của nhiều chuyên gia bóng đá.

Tháng 7-1975, tưởng như được đi TP Hồ Chí Minh để so tài thì chúng tôi nhận lệnh lên đường tập huấn 4 tháng tại Đức. Niềm ao ước được so tài với các đồng nghiệp phía Nam của chúng tôi ấp ủ mãi đến mùa hè năm 1979 mới trở thành hiện thực. Trong hai trận đấu trên sân vận động Thống Nhất trước Cảng Sài Gòn và Công nghiệp Thực phẩm, Thể Công đã giành thắng lợi với tỷ số 2-1 và 3-2. Đó là những ngày tháng đẹp nhất của Thể Công tại miền Nam khi chúng tôi chinh phục được người hâm mộ nơi đây bằng lối chơi đẹp mắt, cống hiến. Sau hai trận đấu đó, anh em trong đội Thể Công đều rất phấn khích bởi cuối cùng mong ước đã trở thành hiện thực.

VŨ MẠNH HẢI (cựu cầu thủ Thể Công)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chuyen-du-dau-phia-nam-cua-the-cong-616920