Chuyển động vùng và bản phác thảo thực tế

Sự chuyển động mạnh mẽ của liên kết vùng Đông Nam bộ ở các lĩnh vực trọng yếu trong hơn 1 năm qua là minh chứng cho quyết tâm đưa 'nghị quyết vào cuộc sống' - cụ thể là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điểm nhấn rõ nét nhất là “đại công trường” với những công trình trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 3 TPHCM với kỳ tích hơn 97% mặt bằng sạch đã được bàn giao; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhiều đoạn đi ngang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành hình, riêng tỉnh Đồng Nai sau thời gian chậm tiến độ đã chia nhỏ các dự án giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Bình Dương đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, khi hoàn thành, cùng với đường Vành đai 3 và 4 thì tỉnh này sẽ có những tuyến cao tốc đầu tiên kết nối với khu vực.

Chưa kể, kế hoạch xây dựng mới cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 của TPHCM sẽ giúp lưu thông mạch đường thủy ở các cảng phía thượng nguồn, trong đó có cảng An Tây với quy mô lớn đang được tỉnh Bình Dương đưa vào quy hoạch phát triển. Tuyến đường sắt đô thị từ TPHCM sẽ kết nối với các tỉnh lân cận để một mặt kéo dài toàn tuyến, mặt khác xây dựng các tuyến nhánh chuyên dụng vận chuyển hàng hóa…

Bản phác thảo thực tế nói trên đã tạo đường băng cho sức mạnh vùng cất cánh, từ hệ thống hạ tầng giao thông tỏa đi các nhánh đường bộ cao tốc, các hành lang kinh tế, các cửa ngõ liên thông ra bên ngoài, từ khu vực ra biên giới như Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến các cảng biển trung chuyển như cảng Cần Giờ…

Không chỉ ở tầm vĩ mô - chiến lược, cả ở những lĩnh vực sát sườn với nhu cầu dân sinh như y tế, giáo dục - đào tạo thì mục tiêu kết nối vùng đã được sớm khởi động và có tính chiều sâu. Cụ thể, Sở Y tế TPHCM đã ký kết thỏa thuận với sở y tế của các tỉnh trong vùng về hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối tại TPHCM và các bệnh viện tuyến tỉnh; xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ những bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở…

Kết quả hợp tác liên vùng trong hơn 1 năm qua đã thể hiện bằng con số cụ thể, ở lĩnh vực du lịch: năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ hơn 65,3 triệu lượt khách (tăng 18,55% so với năm 2022) và doanh thu cũng ước đạt 180.566 tỷ đồng (tăng 22,13%). Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 thì đây là mức tăng trưởng vượt mong đợi. Điều đáng ghi nhận là, ngành du lịch vùng đã biết tận dụng sức mạnh chuyển đổi hạ tầng - đô thị, nhạy bén khai thác các tuyến du lịch đường thủy liên tuyến (như TPHCM - Bình Dương, TPHCM - Đồng Nai), mở rộng nhiều mô hình chuỗi “du lịch làng” mang sắc thái bản địa rất cao. Cùng với đó là tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch và đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch...

Tất nhiên, nhìn lại 1 năm vận hành Nghị quyết 24, tỷ lệ hoàn thành 100% đầu việc đặt ra là bất khả thi, vẫn còn địa phương có khối lượng công việc hoàn tất theo cam kết dưới ngưỡng 50%. Những vướng mắc đã thấy từ trước vẫn chậm xử lý, như công tác giải phóng mặt bằng của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nguồn cát đắp cho đường Vành đai 3 TPHCM và một số dự án khác vẫn bị động và cho thấy nguy cơ thiếu hụt cao… Hơn nữa, để chuyển “lực kéo” thành “lực đẩy”, rất cần nguồn vốn đủ để vừa tạo đà vừa làm “mồi” để huy động đầu tư mà Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng là một công cụ tài chính chiến lược. Tiếc là cho đến nay việc này vẫn còn trên… bàn giấy!

Từ đây, cũng dễ nhận ra, trụ cột Đông Nam bộ vẫn còn thiếu những dự án mang tính tổng lực của vùng, và vì thế “sếu đầu đàn” vẫn chưa thể tụ lại trong khi ưu thế về địa kinh tế của vùng đang thuộc về logistics, công nghiệp dịch vụ thương mại…

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-dong-vung-va-ban-phac-thao-thuc-te-post730827.html