Chuyển đổi tư duy để nâng tầm giá trị nông sản

Với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay trên thế giới, việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn bị tụt hậu khi các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, thói quen tiêu dùng ngày càng cao. Gia Lai cũng không đứng ngoài xu thế này.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định quan điểm: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 557.684 ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm 311.571 ha, cây công nghiệp dài ngày 222.780 ha, cây ăn quả 21.375 ha, cây dược liệu 1.958 ha. Cà phê được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với gần 98 ngàn ha, trong đó có trên 36.620 ha đạt các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 190.556 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance. Gia Lai phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025, diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn được chứng nhận tăng khoảng 5 ngàn ha/năm, giai đoạn 2025-2030 tăng khoảng 7-8 ngàn ha/năm.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân cho các trang trại trồng chuối. Ảnh: Hà Duy

Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã công nhận 311 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao. Những thế mạnh về nông nghiệp cũng đã giúp Gia Lai thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư ở lĩnh vực trồng trọt. Hiện toàn tỉnh đã thu hút được 50 dự án trồng trọt với quy mô hơn 8.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư đã được nhà đầu tư quan tâm và 12 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư.

Ông Lê Hoàng Linh-Quản lý trang trại chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (xã Trang, huyện Đak Đoa) thông tin: Để có những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất phục vụ xuất khẩu, Công ty đã sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái. Nhờ vậy, sản phẩm của Công ty đã có mặt tại thị trường nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…

Không chỉ các doanh nghiệp mà nông dân Gia Lai cũng đã có nhiều hoạt động mang tính chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thể hiện ở việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Là chủ một trang trại nuôi ong lấy mật, anh Lê Văn Đức (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: “Để tăng ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường mật ong đang phát triển mạnh như hiện tại, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng mật ong. Muốn có mật ong chất lượng, ngoài việc phải theo dõi sát sao sức khỏe đàn ong thì thời gian lấy mật cũng cần chú ý. Bình thường khoảng 10 ngày là có thể thu hoạch mật được rồi nhưng chúng tôi muốn chất lượng mật đặc hơn, sánh hơn, thơm hơn nên khoảng gần 20 ngày mới thu hoạch. Nhờ vậy mà mật ong của chúng tôi được khách hàng xa gần yêu thích”.

Để đảm bảo chất lượng mật ong, anh Lê Văn Đức (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chỉ thu hoạch khi ong đã làm mật khoảng 20 ngày. Ảnh: Hà Duy

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với lãnh đạo tỉnh ngày 7-2-2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thông tin: Chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh có sự chuyển biến tích cực, từ theo sản lượng lớn, chất lượng chưa cao sang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi liên kết. Gia Lai đang cố gắng để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông dân thông minh.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cần nhìn nền nông nghiệp bằng tư duy kinh tế và nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp. Tích hợp không phải là chuỗi ngành hàng mà là tích hợp từ giá trị sản xuất đến các giá trị khác, tích hợp yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội trong một sản phẩm nông nghiệp. Tư duy kinh tế là tư duy của người đi bán hàng chứ không phải của người sản xuất. Từ xưa đến nay, tư duy nông nghiệp là tư duy của người sản xuất, còn bây giờ là tư duy của người bán hàng. Chúng ta biết tín hiệu thị trường thế nào để chuyển đổi lại sản xuất, chúng ta lấy thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp vào thị trường đó”.

Với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay trên thế giới, việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn bị tụt hậu khi các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, thói quen tiêu dùng ngày càng cao. Với xuất phát điểm còn nhiều hạn chế, nhất là về nguồn lực đầu tư, Gia Lai cần nỗ lực để xây dựng một hệ tư duy mới, thay đổi thói quen người nông dân, từ đó mới phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đa giá trị.

HÀ DUY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-doi-tu-duy-de-nang-tam-gia-tri-nong-san-post240014.html