Chuyển đổi số phát triển thương mại điện tử và logistics

Giới chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Một trong những nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”. Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Thông tin được ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ tại Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành logistics và thương mại điện tử bền vững’’ diễn ra vào sáng 16/5 tại Hà Nội.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Anh/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Anh/BNEWS/TTXVN

Theo ông Trần Thanh Hải, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

“Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics”, ông Hải cho hay. Đặc biệt, cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Là một trong những ngành then chốt, giới chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Anh/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Anh/BNEWS/TTXVN

Tham luận tại hội thảo, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel, trong Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến vai trò của thương mại điện tử là một ngành có tác động tương hỗ với ngành dịch vụ logistics, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20-25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần. McKinsey ước tính, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng của thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn cầu. Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, điều đó cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử luôn luôn cần thiết. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh thương mại điện tử. Sự gia tăng khối lượng giao dịch thương mại điện tử khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm vừa qua cho dịch vụ logistics trong thương mại điện tử.

Do đó, người mua có thể mua sắm không giới hạn khu vực địa lý, có thể đặt mua một sản phẩm hàng hóa bất kỳ tại quốc gia khác hay vùng miền khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời.

Cũng theo các chuyên gia, có thể dễ dàng nhận thấy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng. Thống kê cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành.

Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử từ 20 - 25%/năm, ngành công nghiệp logistics dự báo sẽ có đà phát triển mạnh mẽ. Dù tiềm năng phát triển lớn nhưng khó khăn trong logistics thương mại điện tử cũng là bài toán khó chưa được giải. Bởi vậy, để tận dụng tiềm năng to lớn này đòi hỏi chính sách hỗ trợ và thúc đẩy từ các cơ quan nhà nước có liên quan. Theo đó, doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần tập trung mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới để giải quyết phương án và hình thức giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến nhằm giảm thiểu chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người dùng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics cũng là một hướng đi có tính ứng dụng trong thời gian tới.

Minh Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-va-logistics/333306.html