Chuyển đổi số ở nông thôn, miền núi Phú Lương

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, 2023 là năm ghi nhận những chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này ở huyện Phú Lương.

Người dân thanh toán bằng phương thức quét mã QR tại buổi ra mắt tuyến phố văn minh đô thị, không dùng tiền mặt trên địa bàn thị trấn Đu (Phú Lương).

Chợ Đu là chợ truyền thống đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Lương triển khai mô hình chợ 4.0 vào cuối năm 2022. Thực hiện mô hình chợ 4.0, đến nay đã có trên 95% tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ sử dụng hình thức thanh toán điện tử.

Từ hiệu quả của mô hình đầu tiên, đến nay huyện Phú Lương có 12/12 chợ truyền thống triển khai mô hình chợ 4.0; gần 11 nghìn thuê bao mở tài khoản Viettel Money; trên 17,1 nghìn khách hàng cài đặt ứng dụng Agribank E-mobile Banking; trên 2,2 nghìn hộ kinh doanh, đơn vị cài đặt mã VietQR…

Bà Nguyễn Thị Nhàn, một tiểu thương ở chợ Đu, cho biết: Trước đây, việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng của tôi chỉ chiếm khoảng 30%, chủ yếu khách hàng vẫn dùng tiền mặt. Từ khi được hỗ trợ làm mã QR, việc người mua thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng nhanh chóng hơn rất nhiều. Đến nay, khoảng 80% khách hàng thường xuyên quét mã QR để thanh toán tại gian hàng của tôi.

Hưởng ứng Chương trình CĐS, bên cạnh mô hình chợ 4.0, toàn huyện có khoảng 30 HTX, làng nghề, hộ sản xuất - kinh doanh đã có gian hàng và thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; bán hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến (như Postmart, Shopee, Lazada...). Ngoài ra, lực lượng Công an huyện cũng đã xây dựng được Trung tâm điều hành camera giám sát an ninh trật tự với gần 400 mắt camera, giúp theo dõi, kiểm soát tình hình an ninh trật tự ở các khu vực công cộng, địa bàn trọng điểm trong huyện…

Từ những kết quả trên cho thấy chương trình CĐS đã "ngấm" vào đời sống của người dân Phú Lương, bao gồm cả khu vực nông thôn và miền núi. Để có được kết quả này, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai Chương trình CĐS. Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS của huyện, 15 xã, thị trấn và 214 tổ công nghệ số cộng đồng đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực này.

Các ban, ngành, đoàn thể của huyện lồng ghép thông tin về công tác CĐS tại các hội nghị, cuộc họp để tuyên truyền đến đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân. Ngoài ra, CĐS cũng được lồng ghép trở thành một nội dung gắn với công tác cải cách hành chính. Hiện nay, huyện Phú Lương đang thực hiện 227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 195 thủ tục (chiếm tỷ lệ trên 70%)...

Theo ông Phạm Hữu Hoàn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Lương: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức về Chính phủ điện tử, chính quyền số, an toàn thông tin… để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình CĐS.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-song-so/202312/chuyen-doi-so-o-nong-thon-mien-nui-phu-luong-1fb1ffd/