Chuyển đổi số ở làng đá 400 tuổi

Sau khi áp dụng chuyển đổi số, nhiều hộ dân kinh doanh mô hình homestay tại làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh, Cao Bằng) đã hoạt động ổn định, đón lượng khách đều đặn trong năm.

Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky tại vùng biên viễn huyện Trùng Khánh từ lâu đã ghi danh vào các điểm đến lý tưởng của tỉnh Cao Bằng. Ngôi làng này nằm trên tỉnh lộ 206 dẫn đến động Ngườm Ngao, cách thác Bản Giốc chỉ 2km.

Ngôi làng được hình thành trong khoảng năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc từ Thăng Long chạy lên Cao Bằng. Nơi đây hiện có 16 hộ gia đình người Tày sinh sống; điểm đáng chú ý là 14 ngôi nhà sàn bằng đá được xây dựng từ thế kỷ XVI, hiện vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Hiện, các hộ dân ở đây kinh doanh dịch vụ homestay, nhà ở cộng đồng, nhằm thu hút khách du lịch và cải thiện kinh tế. Không chỉ vậy, những năm gần đây, các cơ sở lưu trú này đã áp dụng chuyển đổi số như: lập fanpage, livestream, gắn định vị, thanh toán không tiền mặt... để quảng bá dịch vụ lưu trú.

Chị Lý Thị Điệp (chủ homestay) cho biết: "Thời điểm mới kinh doanh lượng khách đến cũng chưa ổn định lắm. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh, khách đặt phòng tại nhà tôi tăng vọt, hiệu quả trông thấy".

Từ vài ba phòng đón khách ban đầu, hiện tại vợ chồng chị Điệp đã có 2 homestay, với 5 căn bungalow, 8 phòng riêng, 2 phòng cộng đồng… Homestay này nhận được đánh giá 4,5/5 sao trên Google, liên kết tốt với các nền tảng đặt phòng phổ biến trên khắp thế giới.

Chị Điệp cũng cho lắp đặt camera quanh khu vực lưu trú của nhà mình để tiện theo dõi tình hình hoạt động khi vắng nhà. Bên cạnh đó người phụ nữ thường xuyên livestream, quay video quảng bá homestay trên các trang mạng xã hội.

Chị Điệp cũng chia sẻ thêm, sau khi áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh, khách hàng có thể cập nhật toàn bộ thông tin về cơ sở lưu trú, đặt các tour, tuyến và đánh giá về chất lượng phục vụ. Phía gia đình chị cũng nắm bắt được thông tin phản hồi để có điều chỉnh phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ.

Sau khi áp dụng chuyển đổi số, đến nay, vào mỗi dịp cuối tuần gia đình này thường kín phòng. Kinh tế gia đình khấm khá, chị chuyển hẳn từ chăn nuôi trồng trọt sang kinh doanh dịch vụ.

Để tạo ra những tiện ích cho du khách, homestay của chị Nguyễn Kim Phương (1993) đã triển khai thanh toán bằng mã QR và tiếp theo sẽ thực hiện hóa đơn điện tử, đăng ký lưu trú online. Kể về những "thành tựu" đạt được, chị Phương cho biết, fanpage của homestay trên mạng xã hội đã đạt 7.000 lượt theo dõi. Dịp Tết Dương lịch 2024 sắp tới, khách đã đặt kín phòng từ cách đây nửa tháng.

Sức chứa của homestay chị Phương là 75 khách, bao gồm các loại phòng như: phòng đôi, đơn, tập thể với mức giá trung bình 150.000 đồng/người. "Tôi được tham gia nhiều chương trình tập huấn của đoàn thanh niên, đi nhiều địa phương, đến thành phố để học hỏi về chuyển đổi số từ đó áp dụng vào công việc kinh doanh của mình, quả thực hiệu quả đáng kinh ngạc".

Theo số liệu tổng hợp của Sở Du lịch, Thể thao và Văn hóa, năm 2023, lượt khách du đến với huyện Trùng Khánh đạt con số 1 triệu, trong đó có hơn 5.000 lượt đến Khuổi Ky, trên 20% là khách quốc tế.

Trong Dự án “Hỗ trợ Kinh tế Tuần hoàn Xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực miền Bắc Việt Nam” (tại tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn), dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2029, làng đá Khuổi Ky được lên kế hoạch hỗ trợ du lịch sinh thái với kinh phí 1 triệu USD (tương đương khoảng 24,4 tỷ đồng).

Địa phương được khuyến nghị cần lựa chọn các hoạt động theo thứ tự ưu tiên để phát huy nguồn vốn 1 triệu USD phân bổ cho hợp phần này, nhằm xây dựng và phát triển một hình mẫu làng du lịch cộng đồng sinh thái gắn với nông nghiệp của tỉnh. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân địa phương.

Thạch Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-o-lang-da-400-tuoi-2231181.html