Chuyển đổi số ở Ba Hàng: Lợi ích thiết thực cho người dân

Nhận thức rõ Chương trình chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ tốt cho người dân, nên ngay từ khi tỉnh phát động, phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên) đã tập trung thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện.

Nhận thức rõ Chương trình chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ tốt cho người dân, nên ngay từ khi tỉnh phát động, phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên) đã tập trung thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện.

Người dân thanh toán bằng quét mã QR tại chợ Ba Hàng.

Dạo một vòng chợ Ba Hàng, chúng tôi thấy khách đến đây mua hàng hầu như không sử dụng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Mận, chủ cửa hàng bán thịt vừa tính tiền cho khách xong, liền đưa ra một mã QR của ngân hàng cấp và thông tin tài khoản của chị để khách thanh toán. Trong giây lát, chị Nguyễn Thị Mai (khách đến mua hàng) đã thanh toán xong. Chị Mai cho biết: Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi phải mang theo túi xách và luôn lo gặp phải kẻ xấu có thể lấy cắp tiền. Nhưng giờ thì khác, mỗi lần đi chợ tôi chỉ cần cầm chiếc điện thoại.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt khiến cả người mua và người bán đều thấy hài lòng. Đây là kết quả từ việc chuyển đổi số.

Tại Bộ phận một cửa của phường, nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính được cán bộ ở đây hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tỏ rõ sự hài lòng. Ông Lê Đắc Thắng, tổ dân phố Thành Lập, nói: Ban đầu nghe đến làm thủ tục hành chính trực tuyến, tôi sợ mình tuổi cao, tiếp cận công nghệ chậm, không thể làm được. Nhưng khi đến và được cán bộ ở đây hướng dẫn, tôi thấy không quá khó, không mất nhiều thời gian đi lại, đổi mới và thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Đồng chí Lê Danh Khiêm, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết: Ba Hàng là phường trung tâm của TP. Phổ Yên, có 14 tổ dân phố. Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, phường đã chủ động xây dựng chương trình hành động, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chuyển đổi số; cụ thể hóa các nội dung.

Chuyển đổi số được phường bắt đầu từ việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phát huy ưu điểm của công nghệ số.

Cùng với đó, phường tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong cơ quan, cán bộ tại các tổ dân phố tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.

Để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị vào cuộc, các doanh nghiệp, trường học và người dân tham gia. Thành lập 14 tổ công nghệ số cộng đồng, với 106 thành viên, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID, tuyên truyền các phương thức thay thế sổ hộ khẩu, phòng cháy, chữa cháy, công tác bình đẳng giới và các sự kiện của địa phương; cài đặt các ứng dụng “Thái Nguyên ID”, “Phổ Yên SmartCity”, “C-ThaiNguyen”; đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia; đăng ký tài khoản công dân và nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, lực lượng đoàn viên thực hiện tốt vai trò xung kích, tình nguyện, hỗ trợ nhân dân tham gia chuyển đổi số thông… Qua đó, người dân đã tiếp cận tốt với công nghệ trong đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hướng đến xây dựng đô thị thông minh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-song-so/202306/chuyen-doi-so-o-ba-hang-loi-ich-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-da254ae/