Chuyện đời công chúa Ka’iulani: Bông hồng xinh đẹp trên đảo Hawall

(Phunutoday) - Năm 2009 đánh dấu lễ kỷ niệm 50 năm ngày đảo quốc Hawaii được công nhận như là một chính phủ liên bang. Đó chỉ là một chuỗi các sự kiện phức tạp trong việc đánh dấu nền độc lập của đảo quốc này, quốc đảo Hawaii nằm cách vùng duyên hải phía Tây của Bắc Mỹ hàng ngàn dặm, là một bang thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Với người dân Hawaii, Ka’iulani là một vị anh hùng dân tộc với những gì mà bà đã cống hiến tận tụy cho quê hương và dân tộc mình.

Trong những ngày lễ lịch sử đó, một trong những nhân vật lịch sử ít người biết đến lại được nhắc đến, mặc dù chuyện đời của công chúa Ka’iulani là cả một chuỗi dài những yếu tố truyền nguồn cảm hứng cho nhiều người. Ông DeSoto Brown, chuyên viên lưu trữ văn thư tại Bảo tàng Đức giám mục Hawaii, nhận định: “Công chúa Ka’iulani là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Hawaii, nhưng ít người biết tường tận về cuộc sống của bà. Ka’iulani chưa bao giờ là người cai trị Hawaii, vì thế bạn không thể biết nhiều về sự nghiệp chính trị của bà. Nhưng có rất nhiều chuyện xoay quanh hoàn cảnh sống và những nỗi buồn ám ảnh cuộc đời bà. Với người dân Hawaii, Ka’iulani là một vị anh hùng dân tộc với những gì mà bà đã cống hiến tận tụy cho quê hương và dân tộc mình”.

Tuổi thơ cô đơn

Victoria Ka’iulani Cleghorn chào đời ở Honolulu vào năm 1875, là con gái của công chúa Miriam Likelike (em gái của đương kim hoàng thượng Kalakaua) và Archibald Scott Cleghorn, một doanh nhân nổi tiếng người Scotland. Kể từ khi vua King Kalakaua và Nữ hoàng Lili’uokalani, đăng quang ngai vàng, dù các hoàng hậu đã cung phụng tuyệt vời nhưng rất tiếc, cả hai vị vua đều không có con, vì thế sự ra đời của tiểu công chúa Ka’iulani (cái tên này có nghĩa là “Hoàng gia thiêng liêng”) đã ngầm báo hiệu một người nắm giữ ngai vàng trong tương lai.

Lúc còn nhỏ, tiểu công chúa Ka’iulani hưởng một cuộc sống giàu sang, phú quý trong nhung lụa. Nàng sống tại Ainahau, một khu dinh thự rực rỡ màu sắc ở Waikiki, khu nhà này nằm ở vùng nông thôn ở phía Đông của thủ phủ Honolulu. Mẹ của Ka’iulani là một nghệ sĩ tuyệt vời, rất nhiều khách khứa tìm đến trò chuyện, vãn cảnh tại khu dinh thự của công chúa, trong số khách khứa có cả nhà thơ và tác gia Robert Louis Stevenson, nhà thơ này từng kết bạn với tiểu công chúa Ka’iulani. Cũng chính Stevenson là người ưa thích gọi Ka’iulani bằng cái mỹ từ “đảo hoa hồng” trong một bài thơ mà ông viết cho nàng, bài thơ này sau đó được Ka’iulani ghi chép nắn nót cẩn thận vào quyển sổ nhật ký của nàng.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, ngay từ thuở còn niên thiếu, lúc mới 6 tuổi, cả hai nữ gia sư và mẹ đỡ đầu của nàng bỗng lâm bệnh nặng rồi qua đời chóng vánh. Niềm tiếc thương chưa thành tiếng thì đến năm 11 tuổi, công chúa Miriam Likelike - mẹ của Ka’iulani - đột ngột qua đời vì một chứng bệnh hết sức bí ẩn. Khi mẹ và những người thân yêu đột ngột qua đời vì bạo bệnh, tiểu công chúa Ka’iulani dự cảm rằng tương lai của mình sẽ cô đơn và lẻ loi, và vì sợ hãi những điều tưởng như vô lý đó khiến cho Ka’iulani chưa bao giờ trở thành Nữ hoàng Hawaii đúng nghĩa.

Năm 13 tuổi, Ka’iulani được Hoàng gia Hawaii gửi tới một trường nội trú ở Anh. Giải thích cho hành động này, ông DeSoto Brown nói: “Nữ hoàng Lili’uokalani muốn cháu gái của mình phải nhận được một nền giáo dục tốt nhất trong khả năng của Hoàng gia Hawaii, và không còn gì tốt hơn khi tuổi 13 là tuổi nhập học đúng nghĩa nhất với một cô gái vị thành niên như Ka’iulani, và rằng chỉ có đi học, Ka’iulani mới đủ khả năng để hoàn thành những trọng trách trong quyền hạn của mình ở tương lai”. Phải mất đến 9 năm sau đó, công chúa Ka’iulani mới nhìn thấy lại quê hương thân yêu của mình, nhưng cái ngày Ka’iulani quyết định trở về quê hương, Hawaii đã không còn là một nhà nước độc lập nữa.

Đến Mỹ đòi quyền độc lập của dân tộc Hawaii

“Công chúa Ka’iulani: Hy vọng cho một quốc gia, trái tim cho cả dân tộc”.

Vào tháng Giêng năm 1893, người dì của công chúa Ka’iulani, Nữ hoàng Lili’uokalani, bị buộc phải thoái vị bởi một nhóm doanh nhân người Anh, Mỹ, những người này được hậu thuẫn phía sau bởi lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Họ tự gọi bản thân mình là Ủy ban An toàn, mục đích chính là lật đổ quyền cai trị của Nữ hoàng Lili’uokalani và sáp nhập nhà nước Hawaii trở thành một bang của Mỹ.

Nhưng Nữ hoàng Lili’uokalani không chịu lép vế, bà kiên quyết giành lại quyền lực của mình và kêu gọi người dân Mỹ khôi phục lại chế độ quân chủ lập hiến cho Hawaii như là một chính phủ hợp pháp của người dân quốc đảo này. Vào thời điểm diễn ra những sự kiện này, công chúa Ka’iulani vẫn đang học tập miệt mài ở Anh. Chỉ đến năm 17 tuổi, nàng mới đến Mỹ, tại đó, trong vai trò là công chúa đại diện cho nhà nước Hawaii, nàng muốn tranh thủ hình ảnh của mình với dân Mỹ nhằm kêu gọi Mỹ trao trả độc lập cho quê hương Hawaii.

Khi đặt chân đến nước Mỹ, ngay khi tàu vừa cập cảng, công chúa Ka’iulani đã ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với các phóng viên địa phương. Một phóng viên của tờ “San Francisco Examiner” khi trước đó còn lên tiếng chê bai sự cổ hủ của Hoàng gia Hawaii, liền thay đổi quan điểm và nức tiếng khen ngợi Ka’iulani là “đóa hoa rực rỡ của nền văn minh Hawaii. Công chúa Ka’iulani là một hình ảnh quyến rũ và thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Bằng bài phát biểu rõ ràng và hết sức bình tĩnh, công chúa Ka’iulani đã nhấn mạnh rằng: “Cách đây 70 năm, Thiên chúa giáo Mỹ đã phái những nhà truyền giáo đến để truyền đạo và đem đến nền văn minh cho dân tộc Hawaii. Ngày hôm nay, 3 người con trai của những nhà truyền giáo đó đã ở tại thủ đô của bạn, họ hỏi bạn rằng cha của họ đã làm gì với dân tộc chúng tôi… Tôi chỉ là cô gái bé nhỏ, yếu đuối nhưng tôi có tiếng nói mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền cho đất nước. Ngay cả bây giờ tôi có thể nghe được tiếng khóc đòi độc lập của dân tộc tôi và chính nó đem lại sức mạnh cho tôi”.

Theo bà Sharon Linnea, tác giả của quyển sách “Công chúa Ka’iulani: Hy vọng cho một quốc gia, trái tim cho cả dân tộc”: “Từ New York, công chúa Ka’iulani trực tiếp đến Washington D.C. Nàng là khách mời đặc biệt của Nhà Trắng, được đích thân Tổng thống Grover Cleveland và đệ nhất phu nhân Mỹ gặp gỡ. Không người phụ nữ nào được đích thân Nhà Trắng quan tâm đón tiếp như thế”. Câu chuyện vận động độc lập cho quê hương của công chúa Ka’iulani cũng được đăng tải trên trang nhất của nhiều tờ báo phụ nữ thời kỳ đó.

Bà Sharon Linnea khẳng định: “Tôi nghĩ đó là cách mà công chúa Ka’iulani thu phục được trái tim và tình cảm của dân chúng Mỹ. Bà đã hiểu ra tình huống và thứ mà người dân quốc đảo Hawaii chưa từng hiểu được trước đó”. Một thời gian ngắn sau khi công chúa Ka’iulani đến Mỹ, và vài ngày thăm gặp chính quyền mới, Tổng thống Mỹ Grover Cleveland hạ lệnh cho Thượng viện Mỹ gỡ bỏ Hiệp ước sáp nhập Hawaii vào lãnh thổ Mỹ, đồng thời đặc phái James H. Blount, cựu chủ tịch của Ủy ban Hạ Viện ngoại giao Mỹ đến quốc đảo Hawaii để điều nghiên tình hình. Trong vòng vài tháng điều nghiên, báo cáo của James H. Blount đã chứng minh tính hợp pháp của chế độ quân chủ lập hiến Hawaii và đề nghị Nữ hoàng Lili’uokalani tái tiếp quản ngai vàng của mình.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Grover Cleveland ra lệnh cho chính phủ Mỹ hồi phục quyền lực cho Nữ hoàng Lili’uokalani, họ đã từ chối. Không muốn ra lệnh sử dụng vũ lực, Tổng thống Cleveland yêu cầu Quốc hội Mỹ phải tuân theo ý kiến của Tổng thống nhưng những hành động hữu hảo của ông đã không ngăn chặn được những đợt thủy triều lớn. Đáng tiếc là Cleveland chỉ nắm quyền Tổng thống Mỹ trong vòng một nhiệm kỳ, đến lượt người kế nhiệm ông, Tổng thống McKinley lại là người ưa thích bành trướng lãnh thổ hơn bao giờ hết. Vào năm 1898, Mỹ giành quyền kiểm soát ở Cuba, Philippines, đảo Guam và Puerto Rico, lệnh sáp nhập Hawaii đã được ban hành. Grover Cleveland cuối cùng đã viết: “Tôi vô cùng xấu hổ vì những hành động này”.

Tuổi đời vắn số nhưng ước nguyện độc lập còn mãi

Sau một thời gian dài sinh sống ở nước ngoài, công chúa Ka’iulani trở về quê hương Hawaii để rồi chứng kiến đất nước mình bị sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ. Đối với hầu hết người dân Hawaii, ngày sáp nhập đó là một ngày quốc tang thực sự. Công báo Hawaii đã tường thuật chi tiết về buổi lễ sáp nhập ảm đảm đã diễn ra tại cung điện Iolani, nơi mà quốc ca Hawaii đã được hát bởi 16 nhạc sĩ Hawaii… tất cả họ đều cảm thấy bị sỉ nhục và hát rất nhỏ… trước khi lá quốc kỳ Hawaii được hạ xuống”.

Không ngừng nỗ lực đấu tranh vì nền độc lập cho tổ quốc, cả cựu công chúa Ka’iulani và cựu Nữ hoàng Lili’uokalani chuyển hướng quan tâm của mình đến việc bình bầu các quyền cho người dân Hawaii. Khi Tổng thống Mỹ McKinley gửi một phái đoàn đại biểu đến Hawaii, cựu công chúa Ka’iulani đã gửi lời mời họ đến dự một bữa tiệc xa hoa tại dinh thự Ainahau.

Bà Sharon Linnea giải thích: “Cựu công chúa Ka’iulani muốn rằng phái đoàn đại biểu Mỹ phải hiểu rằng người Hawaii được giáo dục chu đáo và rằng những người họ đã gặp hôm nay đều hoàn toàn có đủ quyền để được bỏ phiếu công nhận như những người khác”. Tháng Giêng năm 1899, sau một đợt cưỡi ngựa trong cơn bão, cựu công chúa Ka’iulani bị cảm sốt và gần như sức khỏe sút kém. Nàng qua đời nhẹ nhàng vào ngày 6/3/1899, khi mới 23 tuổi.

Mặc dù công chúa Ka’iulani có một cuộc đời rất ngắn ngủi nhưng những gì nàng đã làm cho quê hương, đất nước là lớn hơn nhiều so với số tuổi của nàng. Người phụ nữ bé nhỏ không cam chịu nỗi sỉ nhục khi quê hương mình bị sáp nhập và cực lực đòi quyền độc lập. Nàng cũng chưa kịp có gia đình cho riêng mình, nhưng với đời sống ngắn ngủi của mình, nàng đã đem đến một hơi thở mới cho dân tộc Hawaii.

Nguyễn Thanh Hải (Theo SSM)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201110/Chuyen-doi-cong-chua-Kaiulani-Bong-hong-xinh-dep-tren-dao-Hawall-2100801/