Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những năm qua, nông dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thăm quan mô hình trồng dừa xiêm đỏ và dừ xiêm Mã Lai của ông Trần Văn Chính

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thăm quan mô hình trồng dừa xiêm đỏ và dừ xiêm Mã Lai của ông Trần Văn Chính

Tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi

Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là một trong những địa phương có diện tích chuyển đổi cây trồng nhiều nhất tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện chuyển đổi gần 120ha đất trồng lúa sang cây ăn quả (lũy kế đến nay, tổng diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn huyện trên 2.110ha). Một số loại cây ăn quả chuyển đổi cho thu hoạch và hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng diện tích canh tác so với trồng lúa như chanh không hạt, sầu riêng, mít,...

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Huyện luôn khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, huyện cũng khuyến cáo nông dân chỉ chuyển đổi diện tích nằm trong vùng có đê bao khép kín; đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật trước khi chuyển đổi, tránh tình trạng chuyển đổi theo phong trào, không mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng các ngành chuyên môn huyện tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, góp phần tạo đầu ra ổn định và nâng tầm nông sản địa phương. Đến nay, huyện xây dựng được 5 mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chanh, sầu riêng và dưa hấu”.

Hàng năm, huyện Cần Đước, Cần Giuộc là những địa phương đầu tiên của tỉnh chịu ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn. Trước tình hình này, các địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu để chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Huỳnh Minh Trí chia sẻ: “Đất nông nghiệp ở huyện manh mún, không thích hợp trồng lúa, thậm chí có nơi cho năng suất rất thấp. Vì vậy, UBND huyện yêu cầu các địa phương điều tra nhu cầu chuyển đổi của nông dân từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang các loại cây trồng khác, báo về huyện xin chủ trương. Riêng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hoàn thành các thủ tục, quy trình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa”.

Hiệu quả bước đầu

Cách đây 5 năm, ông Trần Văn Chính (khu phố Nhơn Hậu 2, phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cải tạo 5.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng gần 170 cây dừa xiêm đỏ và dừa Mã Lai. Ông chuyển sang trồng 2 giống dừa này là vì không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, tuổi thọ cây trên 20 năm.

Bình quân hàng năm, mỗi cây dừa cho gần 200 trái, giá bán từ 5.000-7.000 đồng/trái. Ông Chính chia sẻ: “Trung bình dừa trồng chỉ 2,5 năm là bắt đầu cho trái chiến. Hàng năm, sau khi trừ tất cả chi phí, tôi có lợi nhuận từ 120-140 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa”.

Tương tự trường hợp của ông Chính, ông Mai Văn Một (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) chuyển 2.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng rau. Ông Một cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa lợi nhuận rất thấp, có năm chỉ lấy lại vốn, còn khi thời tiết diễn biến thất thường thì thua lỗ, cực nhất là mùa hạn, xâm nhập mặn đến, bởi không có nước bơm vào ruộng. Do đó, gia đình tôi chuyển dần từ đất trồng lúa sang trồng các loại rau. Trồng rau tuy cực nhưng lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa, quan trọng là đến mùa hạn, xâm nhập mặn, nếu thấy không đủ nước ngọt tưới thì ngưng trồng để phơi đất, diệt tất cả mầm bệnh, chuẩn bị cho vụ rau tiếp theo”.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, năm 2022, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên 2.040ha, trong đó chủ yếu là dưa hấu trên 525ha, mè gần 900ha, khoai mỡ trên 100ha,... Tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây lâu năm gần 1.600ha, trong đó chuyển sang trồng mít gần 340ha, chanh trên 100ha, sầu riêng trên 210ha, dừa gần 330ha, mai vàng gần 600ha,...

Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng cây ngắn ngày như khoai mỡ, dưa hấu, mè có lợi nhuận cao hơn từ 10-20 triệu đồng/ha. Còn chuyển sang trồng các loại cây lâu năm như chanh, mít,... có lợi nhuận từ 20-150 triệu đồng/ha.

Có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ đúng các quy trình, thủ tục chuyển đổi; đồng thời, chỉ chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện của địa phương, nhất là đáp ứng nhu cầu của thị trường, không chuyển đổi theo phong trào để tránh trường hợp “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-doi-cay-trong-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-a165559.html