Chuyện dọc đường: Rồ sếp

Đạp xe tới ngã tư thì tôi phải ngừng, buồn cười quá nghe cái giọng nhẽo nhợt nửa Nam nửa Bắc thoát ra từ loa của một anh cong người đẩy xe đằng trước: “Trung tâm công nghệ mới xin hân hạnh giới thiệu công nghệ ép dẻo bằng lái xe và các loại giấy tờ…”.

Ký họa của Đỗ Phấn.

Lâu rồi không có món gì phải mang ép dẻo hay ép plastic, nhưng bất chợt nhớ cái món ấn tượng là bức ảnh trắng đen một minh tinh điện ảnh Việt chụp thời son trẻ bé bằng ba ngón tay được ép plastic Rồ cẩn thận rút ra từ trong ví rồi trân trọng đưa tôi xem ở cuối bữa Rồ đãi tại quán cơm ngon đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) một trưa tháng ba năm 2015 hoa sưa nở trắng tưng thơm nồng và sáng bừng khung cửa.

Tôi cười và vẫn giọng ngang xương như bấy lâu vẫn nói với Rồ nhưng chưa bao giờ bị Rồ giận “Nàng xinh! A, thế kỷ XXI vẫn còn người ép plastic ảnh người yêu và để trong ví này”. Cao bồi già phố cổ Trịnh Tú cười khà khà “Rồ mà!”. Châu ngạc nhiên: “Cậu chưa bao giờ đưa cháu xem ảnh này!”.

Rồ cười mắt hiếng, cầm chai bia ngửa cổ uống nom ngang như đàn ông đi bar trong phim cao bồi Mỹ, lẩm bẩm: “Ừ rồ. Crazy”.

Thấp thoáng tôi thấy hình như bóng dáng minh tinh trong vài tản mạn của Rồ đăng báo cuối tuần các năm mà sau này Rồ đưa cả vào tập “Rửa tay cuối chiều” in trong tháng sáu rồi.

152 bài của tập sách Rồ viết trong khoảng 20 năm từ 1997 tôi đọc lại, có bài mới đọc tựa đề đã thấy lại ngay số thường hay số cuối tuần đăng bài đó. Tôi thích mấy bài Rồ nhớ người anh trai hy sinh mấy tháng trước ngày Sài Gòn giải phóng, như bài “Mệnh giá” - viết tháng 4.2016.

Chân dung đời, chân dung nghề của Rồ trong bài giới thiệu tập sách nhà văn Ngô Thảo tả, theo tôi là hoàn chỉnh. Tôi ưng câu Ngô Thảo khen Rồ là một tay biên tập viên kỹ lưỡng và ân cần.

Chữ nghĩa của một người muốn/thường kiếm cơm hay cao cả hơn là phụng sự xã hội bằng chữ, lớn lên, rồi trưởng thành được, tôi nghĩ cũng có phần là nhờ hai lối: Đi qua bàn tay biên tập kỹ lưỡng ân cần, và tự học, học ngay ở những chữ sai dở, u mê, thói hồ đồ, tự phụ của mình và của người.

Non hai chục năm trước, ở Hà Nội, lần đầu gặp Rồ, tôi hất mặt rất hách hỏi: “Xin lỗi anh học ở đâu về ạ?”. Rồ hiếng mắt nhìn tôi rồi nhìn ngang: “À, tôi là công nhân cơ khí, thưa chị”.

Về Sài Gòn tôi miêu tả hình dáng Rồ, câu đối thoại đấy cho Lệ, Lệ cười điệu hi hi rất vui không ai bắt chước được “Chết chết, ông ấy làm thơ hay lắm, dạy cả ở trường viết văn…”. Lệ được Rồ thương và quý, đồng cảm về văn thơ, Lệ lại là một tay viết chăm chỉ, có nghề.

Sau này, thi thoảng khi nhận những cuộc điện thoại của Rồ từ Hà Nội gọi vào Sài Gòn để mắng mỏ về lỗi chữ nghĩa phạm phải hay lỗi nội dung nhầm nhọt, tôi không hiểu sao, đều thật lòng cười rất hi hi. Rồ giọng giận lẫy: “Tôi làm thằng hề để các anh chị cười cho vui đấy à?”.

Ok. Làm hề mà “chịu khó đi nhiều, giao tiếp rộng, kiến văn vững vàng, biết tự châm biếm giễu nhại để thấy người, thấy mình” được như Rồ, với tôi, kể cũng là ít gặp.

Tháng tư năm con gà này, Rồ nghỉ hưu, vừa xoẳn một vòng hoa giáp của đời. Lệ băn khoăn, chả biết ngoài tập sách, sếp sẽ “ấn hành” những tác phẩm chi nữa hỉ? Rồ ấy mà, đoán thế nào được, tôi cười hi hi nói với cô bạn.

Rồ ở đây là một trong những vị sếp đáng kính của tôi và Lệ suốt gần 20 năm. Rồ là cách nhiều người gọi ông và cách ông tự gọi mình. Tôi không viết ra tên thật của vị sếp đáng kính đấy mà gắng gỏi dùng vài trăm từ miêu tả ông thôi. Rồ cạn một đời.

TUYỀN LINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chuyen-doc-duong-tan-man/chuyen-doc-duong-ro-sep-689968.bld