Chuyên đề: Tấn công, trấn áp tội phạm hoạt động ở vùng giáp ranh: 'Cuộc chiến' còn nhiều cam go

Địa bàn giáp ranh là nơi các đối tượng tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn cũng như trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Nhiều ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai bị lực lượng công an bắt giữ. Ảnh: T.Vinh

Mặc dù lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp giữ gìn an ninh trật tự tại vùng giáp ranh nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng địa thế địa bàn giáp ranh để hoạt động, lẩn trốn.

* “Thoắt ẩn, thoắt hiện”

Ngoài các loại tội phạm có tính chất quy mô lớn (tội phạm kinh tế, hình sự, ma túy...), trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản các đối tượng cũng lợi dụng để hoạt động. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất ở khu vực này là tình trạng khai thác khoảng sản (cát) trái phép trên dọc tuyến sông Đồng Nai (nơi có sự tiếp giáp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương).

Theo cơ quan công an, với đặc điểm địa lý, sông Đồng Nai chính là ranh giới hành chính giữa các địa phương nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép. Thực trạng này đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, gây không ít khó khăn cho lực lượng công an trong công tác điều tra, xử lý.

Đã có rất nhiều vụ khai thác cát trái phép bị lực lượng công an các địa phương: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, hoạt động này đến nay vẫn là câu chuyện khó khăn, phức tạp đối với cơ quan chức năng.

Cụ thể như vào tối 30-7-2023, trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua địa bàn xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa), lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) phát hiện ghe mang số hiệu LA-065.28 do Võ Thành Vinh (33 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) điều khiển đang vận chuyển 28m3 cát không rõ nguồn gốc.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp của công an 7 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ được tổ chức chiều 10-1 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Công an NGUYỄN DUY NGỌC đề nghị, trong năm 2024, công an các địa phương phải xác định 3 vấn đề trọng tâm: phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ; biện pháp tố tụng, công tác điều tra, xử lý tội phạm. Phải quyết tâm thực hiện mục tiêu kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2023.

Trước đó, vào tối 28-7-2023, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy phát hiện ghe vận chuyển cát trên sông Đồng Nai qua địa bàn xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch), nhưng không xác định được nguồn gốc cát nên đã lập hồ sơ xử lý.

Đặc biệt, trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương: Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an huyện Nhơn Trạch; Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy Cát Lái (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) lập các tổ tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai để kiểm tra, bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép.

Tối 21-12-2023, tổ tuần tra của các lực lượng này, trong lúc đi tuần trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện Nhơn Trạch phát hiện 8 đối tượng đang sử dụng ghe hút cát dưới sông. Khi phát hiện lực lượng công an, các đối tượng đã nhấn chìm ghe tẩu thoát thành nhiều hướng.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội, trạm cảnh sát đường thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý các hành vi tự ý hoán cải thay đổi công năng sử dụng của phương tiện hoặc lắp thêm các trang thiết bị để bơm hút cát và các hành vi liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên các tuyến sông.

* “Đánh” bên này lại dạt sang bên kia

Không chỉ có nạn khai thác cát trái phép lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động, trên thực tế còn rất nhiều loại tội phạm, tệ nạn khác cũng lợi dụng đặc điểm này để hoạt động như: tệ nạn đánh bạc, hoạt động mại dâm.

Theo công an các địa phương, với các tệ nạn này, các đối tượng có thể di biến động khi phát hiện có lực lượng công an theo dõi. Trong đó, một số đối tượng thường lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai với các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng để hoạt động đánh bạc.

Điển hình như năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với công an 2 tỉnh: Lâm Đồng và Bình Thuận triệt phá một tụ điểm đánh bạc với quy một rất lớn, bắt giữ gần 140 đối tượng tham gia. Trong vụ án này, lực lượng công an 3 tỉnh đã phải phối hợp, theo dõi nắm tình hình trong suốt một thời gian dài mới phá án thành công.

Qua điều tra, lực lượng công an xác định, đối tượng Nguyễn Quang Tôn (ngụ huyện Tân Phú) cùng 2 đối tượng khác ngụ tỉnh Bình Thuận đã phối hợp lập sòng bạc để thu tiền xâu. Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ số tiền gần 400 triệu đồng, 17 xe ô tô các loại, 100 xe máy, 18 con gà đá cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đây là một trong những vụ việc điển hình trong việc lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động. Các đối tượng này chọn đặt sòng bạc chủ yếu là khu vực hẻo lánh, nương rẫy, nằm giáp ranh giữa các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận và Lâm Đồng.

Còn tại các khu vực giáp ranh giữa thành phố Biên Hòa với tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng lại lợi dụng để hoạt động mại dâm...

Tại phường Hóa An, theo lực lượng công an địa phương, lợi dụng tuyến quốc lộ 1K nối giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, một số đối tượng hoạt động mại dâm đã đảo qua, đảo lại giữa hai bên để hoạt động. Cơ quan công an cho rằng, các đối tượng này hoạt động rất linh động, di động theo kiểu “đánh đu”. Khi phát hiện có lực lượng công an tuần tra, đối tượng lại di chuyển sang địa bàn khác và ngược lại. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ mại dâm trá hình cũng tìm cách tồn tại.

Trước thực tế đó, lực lượng công an các địa phương giáp ranh đã chủ động phối hợp để cùng tuần tra, kiểm soát, tập trung dẹp bỏ tệ nạn này.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, trong những năm qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các loại tội phạm về an ninh trật tự, ma túy, kinh tế, môi trường... đã có sự dịch chuyển giữa địa bàn này sang địa bàn khác. Các đối tượng tội phạm đã có sự liên kết giữa các đối tượng ở các địa bàn để hoạt động, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Công an tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, trong thời gian tới, dự báo tình hình có những diễn biến nhanh, khó lường; nhất là những nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh mạng. Suy thoái kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đời sống và việc làm của người lao động; tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án lớn, trọng điểm quốc gia đang trong quá trình thi công trên địa bàn tỉnh cũng tác động không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông.

Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng công an là hết sức khó khăn và nặng nề. Đòi hỏi toàn lực lượng Công an tỉnh phải nỗ lực, cố gắng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có tăng cường phối hợp với công an các tỉnh, thành lân cận để ngăn ngừa tội phạm hoạt động mạnh ở vùng giáp ranh.

Thành Vinh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/chuyen-de-tan-cong-tran-ap-toi-pham-hoat-dong-o-vung-giap-ranh-cuoc-chien-con-nhieu-cam-go-c10500e/