Chuyện của Phú

Những tháng ngày trong quân ngũ đã tôi luyện cho Phú một ý chí kiên cường, đủ để vượt qua nhiều nỗi đau thân xác lẫn áp lực tâm lý. Phú đã chọn chữ nghĩa làm bạn đồng hành. Phú trút vào từng trang viết những suy nghĩ, trăn trở của mình - một người trẻ - trước nghịch cảnh khó chấp nhận.

Tôi biết Phú qua trang cá nhân trên Facebook của một người bạn văn chương.

Bạn nói, Phú ở Tân Biên, Tây Ninh, cùng quê với chị đấy! Còn trẻ nhưng viết tốt, lại có chí khí!

Tôi tò mò đọc trang Facebook của Phú và… giật mình.

Phú còn quá trẻ. Mười chín tuổi, chàng sinh viên năm thứ hai Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ) đang tràn đầy sinh lực, ước mơ, hoài bão và khát vọng cống hiến. Nhưng đột ngột, căn bệnh ung thư xương “nhảy bổ” vào cuộc đời Phú, khiến cho mọi thứ đều phải tạm dừng lại.

Hoang mang. Lo sợ. Hoảng loạn. Tuyệt vọng! Thậm chí, có những lúc Phú đã toan buông bỏ mọi thứ. Nhưng rồi, trước những giọt nước mắt, những tiếng gào thét gọi con và vòng tay ấm êm của mẹ vỗ về trong lúc Phú đau đớn tột bậc, đã khiến Phú “quay lại”.

Những tháng ngày trong quân ngũ đã tôi luyện cho Phú một ý chí kiên cường, đủ để vượt qua nhiều nỗi đau thân xác lẫn áp lực tâm lý. Phú đã chọn chữ nghĩa làm bạn đồng hành. Phú trút vào từng trang viết những suy nghĩ, trăn trở của mình - một người trẻ - trước nghịch cảnh khó chấp nhận.

Suốt ba năm quằn quại trong đau đớn bởi những cuộc điều trị bằng hóa chất, tia phóng xạ, đục xương chân… ra vô bệnh viện như cơm bữa và chứng kiến những người bạn mới quen cùng cảnh ngộ cứ lần lượt đi đến điểm kết thúc là… nhà tang lễ, Phú vẫn cố gắng giữ mình trong trạng thái an yên nhất có thể. Và, được nhiều bạn bè, người thân giúp đỡ, cậu đã xuất bản được hai cuốn sách và chuẩn bị cho ra mắt cuốn thứ ba.

Tôi đọc một cách hấp tấp hết quyển sách đầu tay của Phú, có tựa đề: BẠN SINH RA ĐỂ SỐNG. Quyển sách kể về hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư, căn bệnh mà ai “được” thông báo kết quả cũng coi như vừa đọc qua bản án tử hình.

Tôi cũng hấp tấp nhắn tin cho Phú, đề nghị kết bạn Facebook, xin số điện thoại và hẹn gặp Phú, chỉ để cầm lấy bàn tay nhỏ bé ấy mà thôi. Phú không trả lời. Sau này tôi mới biết lúc đó Phú còn bận… thở trong những cơn đau thắt ngực, sau những trận ho dai dẳng vì ung thư di căn lên phổi, khiến tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim.

Không thể chịu đựng nổi những cơn đau, Phú phải chấp nhận phẫu thuật cưa chân. Nhưng không ai ngờ được trong khoảng thời gian đau đớn đó, Phú vẫn viết, gấp gáp như sợ hết thời gian! Có cảm giác, con chữ lúc này là cứu cánh để Phú sinh tồn.

Một ngày gần đây, Phú gửi cho tôi bản thảo mới nhất. Tôi vừa đọc vừa khóc. Bởi vì, những gì tôi biết được trước đây chỉ là một quãng thời gian sống kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Khó ai ngờ, Phú đã có cả một tuổi thơ đầy nhọc nhằn, giông bão.

Sự nhọc nhằn khó khăn đó kéo dài suốt thời thơ ấu đến tuổi hoa niên tươi đẹp. Vậy mà số phận một lần nữa giáng xuống cậu một trận đòn tàn khốc. Nhưng kỳ lạ thay, giờ thì Phú đã an nhiên coi căn bệnh của mình là món quà của tạo hóa. Phú dùng chính nó để soi rọi lại bản thân mình, để yêu thương mình, yêu thương mọi người và cuộc đời hơn.

Tôi thu xếp đến thăm Phú, sợ không còn kịp. Phú gầy xanh và mệt mỏi hơn tôi tưởng, nhưng niềm vui hiện rõ trên gương mặt tái xanh. Phú tiếp chuyện với giọng nói đứt quãng vì hụt hơi, mồ hôi chảy ướt áo, làm đôi tay Phú lạnh ngắt nhưng đôi mắt vẫn sáng lên khi trò chuyện.

Phú kể chuyện về những người sau lưng Phú giúp Phú vượt qua bệnh tật, từ đồng đội cho đến những bạn đồng cảnh ngộ, những người thoắt gặp đã rời đi. Phú bày tỏ tấm lòng yêu văn chương mà người cô dạy Văn từ thời cấp ba đã truyền cho.

Tuy cô ít lời, không hay la mắng học trò nhưng đã làm cho cậu học trò nổi tiếng ngang bướng phải xin cô cho đi học thêm lớp của cô, không dám quậy phá nữa, mục đích chỉ để “viết bài văn sao cho đạt yêu cầu”, khỏi làm buồn lòng cô. Ai mà ngờ, chính những ngày tự rèn mình như vậy, đã giúp Phú có thêm vốn sống và “nghề” viết để tự kiếm tiền chữa bệnh cho mình.

Mình sinh ra để sống. Nên phải cố gắng sống. Vui vẻ sống. Hạnh phúc sống. Biết ơn đời mà sống và biết ơn cả căn bệnh đang ngày đêm rúc rỉa tàn phá thân thể Phú. Phú nói nhẹ tưng mà tôi nghe trái tim mình như bị ai đó giật đi từng chút một, xao xác, đau nhói.

Tôi giả bộ vui vẻ nói với em rằng thiệt ra Phú cũng biết rồi, những người mang nỗi đau giống Phú cũng nhiều và tôi gặp cũng không ít, đến nỗi bây giờ tôi không còn nước mắt mà khóc nữa. Hiểu được trọn vẹn lý lẽ sống như Phú nói, đã là tuyệt lắm rồi. Tôi nói mà biết mình đóng một vai hết sức “giả trân”!

Mẹ Phú, nói chuyện được vài câu là lén lau nước mắt. Sao mà không buồn, không đau khi chứng kiến cảnh đứa con trai trẻ trung ngời ngời như vậy, được nuôi dưỡng dạy dỗ bằng bao nhiêu gian khó cứ dần dần tàn tạ từng giờ từng khắc.

Chị luôn đứng sau lưng con, sợ Phú thấy sẽ buồn. Tôi nhận ra, sự vĩ đại của người mẹ không cần phải nói ra bằng lời, phải vẽ lên bằng những hình tượng cao siêu hay dùng những lộng ngôn mà mô tả.

Một cái ôm nhè nhẹ trên vai, một làn gió quạt phe phẩy khi con ngủ, một cái khăn giấy chìa ra đúng lúc con cần, thậm chí phô bày luôn cả nỗi thất vọng khi con muốn buông tay, nhằm vực dậy tinh thần, níu giữ sự sống cho con… đó mới là quan trọng nhất.

Phú đã hoàn thành xong bản thảo có tên: SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG, như một quyển tự truyện về cuộc đời mình. Cậu đúc kết: “Dù bạn đã trải qua những gì? Bị tổn thương bởi điều gì? Hay quá khứ bạn đã từng làm gì để bị nhuốm bùn nhơ? Nhưng những tổn thương, những gì bạn đã trải qua, những vết bùn nhơ trên người bạn đâu thể quyết định nụ cười trên môi hay con người bạn hôm nay.

Đôi khi, bạn cảm thấy không ai yêu thương, quan tâm hay hiểu bạn. Nhưng chắc chắn, có một người luôn sẵn sàng lắng nghe bạn nói, quan tâm và mong muốn những điều tốt đẹp nhất giành cho bạn. Đó chính là bản thân bạn. Vậy nên, dù cuộc sống có khổ sở cùng cực, cay đắng đến đâu nhưng nó không thể tước đi thái độ sống yêu bản thân, yêu mọi người của bạn.

Mặt khác, sống một cuộc đời giống như vẽ một bức tranh. Bức tranh muốn chứa đầy tình yêu thương, lòng bao dung, vị tha pha lẫn với niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười phải do sự sáng tạo của người vẽ nên bức tranh đó”.

Phú, đã vẽ nên một bức tranh đẹp về cuộc sống, bằng trái tim quả cảm và nghị lực phi thường của mình.

Lúc tôi viết những dòng này thì Phú đã khóa Facebook, miễn tiếp chuyện, miễn khách đến thăm vì không muốn mọi người nhìn thấy thân thể xác xơ của mình, và cũng muốn dành trọn thời gian tận hưởng tình yêu thương của mẹ cha. Dù vẫn mong được đọc thêm sách của Phú, nhưng trái tim lại mong Phú sẽ nhanh chóng được bình yên tuyệt đối, về thể xác.

Giữa tháng Tư, 2022

Cẩm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-cua-phu-a144468.html