Chuyển cổ tích từ vùng quê Nepal nghèo khổ

Thế giới biết tới Helen Adams Keller (1880-1968), nữ công dân Hoa Kỳ, như một tượng đài kiêu hãnh của ý chí sống, ý chí làm người của thế giới người khuyết tật. Bị mù, câm, điếc từ năm 2 tuổi nhưng Helen Adams Keller học để biết chữ, trở thành người khuyết tật đầu tiên trên thế giới giành được bằng đại học, trở thành một chiến sỹ đấu tranh cho quyền lợi của dân lao động.

Nepal, 10 năm nay, Jhamak Ghimire cũng được gọi là “Helen Adams Keller của Nepal, của thế giới thứ ba”. Bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại không nổi, tay không cử động được, mồm không nói được, mặt biến dạng, mắt cận thị nặng, nhưng cô đã vượt lên số phận, quyết sống hữu ích cho đời.

Jhamak Ghimire sinh năm 1990 ở làng Kachide heo hút, tỉnh Dharankuta, trong một gia đình nghèo khổ. Cha mẹ không khỏi bối rối khi có một đứa con gái tàn tật. Quá bận bịu với miếng cơm manh áo cho cả nhà, cha mẹ hầu như không còn thời gian chăm sóc con. May mắn thay, cô bé có người bà rất đỗi thương cháu. Nhưng năm cô bé lên 5 tuổi, bà qua đời. Dù sao bài học tự chủ và tự tin mà bà để lại đã khiến tâm hồn yêu đời của Jhamak Ghimire bừng tỉnh. Cô bé thèm muốn bộc bạch nỗi lòng nhân ái của những người quanh mình, như cha mẹ và bà mà bé được gần gũi. Muốn vậy, chỉ còn cách dùng chữ để thể hiện. Nhưng nghĩ tới chữ, không ít lần, cô bé giật mình, vì tay cô vô dụng…

Jhamak Ghimire đang viết

Song sự ngưỡng mộ bà và cha mẹ, lòng yêu đời ngày một dạt dào khiến cô tự thề với mình rằng phải học được chữ, phải chia sẻ những tâm tình nhân bản mà các đấng bậc trong gia đình không nói lên được. Sau khi bà qua đời, cô quyết chí tập viết bằng các ngón chân. Cô chọn những chỗ có khoảng trống nhỏ trong vườn. Rồi đưa các ngón chân, hứng sương trên các bụi cỏ, và tập nguệch ngoạc các nét trên đất sao cho giống những nét chữ mà cô xin em gái ngoan ngoãn phóng to cho cô nhìn rõ.

Nhưng người cha nhìn đứa con tật nguyền, luôn nghĩ Jhamak Ghimire suốt đời ăn bám, cha mẹ khuất núi, các em cô phải nuôi cô. Vì thế, ông thường đi tất chân cho đứa con khuyết tật. Cha đi làm rồi, cô lại chà mãi chân lên đất, sao cho tất tuột khỏi chân và việc tự học chữ lại bắt đầu. Một cô giáo trường làng biết chuyện, khuyên cô học tập có bài bản và bắt đầu từ cách vạch từng nét cho chuẩn. Học cho thuộc bảng chữ cái đã…Vậy là ban đêm, cô lặng lẽ chăm chú quan sát cha cầm bàn tay em, dạy em cầm bút cho đúng, chỉ dẫn từng cử động lên xuống, qua trái qua phải, để viết nhanh và đúng từng con chữ. Cô thầm đọc trong trí từng âm mà cha đọc mẫu cho em… Ban ngày, cô lấy chân nhặt những cành cây bé tí hay cọng lá xinh xinh, coi chúng là bút, và tập quắp sao cho đúng cách mà cô đã âm thầm học được trong các buổi tối trong nhà. Cứ thế lặp đi lặp lại. Đôi lần, do lỡ đà hoặc hấp tấp, bàn chân cô tóe máu. Nhưng bỏ qua đau đớn, cô bé lại lặng lẽ luyện tập. Cứ thế, cho đến một ngày, chữ đầu tiên, cô bé viết thành công.

Đôi lần vô tình bắt gặp Jhamak Ghimire hý hoáy tập viết như vậy, người cha nói thẳng rằng con đừng phí sức, mà hãy chấp nhận với số phận của mình. Nhưng người cha không biết rằng những bài thơ dân gian, những câu chuyện cổ tích mà ông thường đọc to cho các con nghe là động lực để cô học chữ bởi mỗi lần nghe, cô bé nhập tâm chúng lúc nào không hay.

Lớn hơn, những ngày chủ nhật hay ngày lễ, cô nài nỉ đến bên em gái liền sau để được cùng học. Thấy vậy, có lần, cha cô nổi nóng, đánh cả hai. Tuy nhiên, cô bé tật nguyền chỉ thêm quyết tâm học tập. Cô tiến bộ dần. Thuộc hết chữ cái, cô bé mau chóng học bài theo sách giáo khoa của các em, từ chỉ viết trên đất, cô viết được trên giấy. Cô đã thực sự đọc thông viết thạo, dù chỉ đọc trong đầu.

Sách các em mượn hộ về, cô sung sướng đọc hết tất cả. Ngoài làm các bài văn theo đề của trường, cô còn ghi lại những suy tư và cảm xúc của bản thân. Nhưng dù cô cố gắng đến mấy, cha vẫn cấm Jhamak Ghimire tới gần các em, vì sợ làm bẩn nơi chúng học và làm bài. Hàng ngày, cô bé vẫn lắng nghe bao chuyện trò của người lớn, của các em, nghe mưa rơi, gió thổi, nghe các khúc dân ca bất hủ…Từ đó, cô suy nghĩ về thân phận người lao động đông đảo…

Điều may mắn là cô bé có một người hàng xóm tốt bụng là ông Gopan Guragain. Gopan Guragain vô cùng cảm động trước nghị lực sống của cô bé, đã cùng một số thầy cô giáo trong vùng, đề nghị cha cô bé tin tưởng và nâng đỡ đứa con khuyết tật không muốn “sống thực vật”. Dăm bữa nửa tháng, ông lại qua nhà động viên cô bé.

Jhamak Ghimire thầm mong được làm mẹ

Ông dành thời gian vận động những người hảo tâm lui tới, khích lệ và giúp đỡ Jhamak Lumari Ghimre. Được cổ vũ nhiệt tình, cô bé miệt mài học hỏi từ những sách vở và tài liệu được những người hảo tâm tặng ngày một nhiều. Năm 2008, ông Gopan Guragain thành lập Quỹ văn học Jhamak Ghimire, để giúp cô thuận lợi hơn trong công việc, đồng thời quảng bá tấm gương với nghị lực vượt khó trở thành một mầm non văn học.

Năm 2009, lúc Jhamak Ghimire 19 tuổi, Jhamak Ghimire chính thức xuất hiện trên văn đàn Nepal với hai cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt. Đến nay, sau 14 năm, cô đã có 12 đầu sách, bao gồm các tuyển tập thơ ca, thơ do cô sáng tác, tuyển tập ca khúc, tuyển tập bài báo (của các phóng viên Nepal và của cô), tiểu luận và phê bình… Cuốn tiểu luận này, nhiều nhà xuất bản ngần ngại, vì cô dù sao vẫn lạ lẫm.

Điều may mắn là nữ nhà văn kiêm giáo sư Govinda Raz Bhattarai đã bỏ thời gian đọc kỹ cuốn sách, nêu lên những cái mới của nó, ví như nó thực sự là “Nghệ thuật vị nhân sinh”, viết lời giới thiệu cặn kẽ, đích thân đưa sách đến nhà xuất bản. Nhưng gây tiếng vang nhất là cuốn tự truyện “Cuộc đời là bông hoa hay cái gai?” (Bản tiếng Anh là “Một đóa hoa giữa bốn bề gai góc”). Cuốn sách do Quỹ văn học Jhamak Ghinire công bố năm 2010. Nó lập tức trở thành cuốn cách được công chúng Nepal đón nhận nồng nhiệt, nên chỉ trong hai năm tiếp theo đã được tái bản 6 lần liên tiếp.

Cuốn tự truyện đã đưa ra những vấn đề chính trị, xã hội, trí thức, phụ nữ và những sắc thái tình cảm như tình yêu, hối tiếc, niềm vui và nỗi buồn… Sự nồng nhiệt thôi thúc của con tim yêu người yêu đời tha thiết tạo nên sự hấp dẫn của cuốn sách. Trong cuốn tự truyện này, Jhamak Ghimire cũng công khai cảm tình của mình đối với chủ nghĩa cộng sản. Một số người chê trách cô, coi cô như kẻ gây rối. Hậu quả là sau đó cô bị cắt khoản trợ cấp xã hội vốn chẳng nhiều nhặn gì. Khi được hỏi về chuyện “tự nhiên” mất tiền, cô khẳng định cô nhất định không thay đổi quan điểm.

Cuốn tự truyện gây ấn tượng mạnh mẽ và gợi cảm hứng cho nhiều đối tượng độc giả, cả người khuyết tật lẫn người lành lặn khỏe mạnh. Jhamak Ghimire được trao tặng hơn 10 giải thưởng các loại. Trong đó có giải Madan Puraskar, giải văn học danh giá nhất của Nepal. Năm 2005, cô đã được nhiều chuyên gia xã hội học, đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Rất nhiều cuộc phỏng vấn, bình luận về cuốn sách và cuộc đời cô liên tục xuất hiện báo chí, truyền hình. Một số nhà xuất bản cũng đang tiến hành dịch cuốn sách này ra các ngôn ngữ khác. Hiện Jhamak Ghimire đã có máy tính và sử dụng thành thạo bằng chân, cô vẫn say mê học hỏi và sáng tác, song hành với công việc thú vị là giữ chuyên mục “Trong nhà ngoài ngõ” thường xuyên của tờ nhật báo Kantipur của Nepal...

Có điều, tất cả những vinh danh ấy chưa so được với việc cô thành công trong giao lưu với mọi người bằng thơ: “Ngày hạnh phúc nhất của đời tôi là ngày tập thơ đầu tiên của tôi được công bố”, cô thường thổ lộ.

Nhưng Jhamak Ghimire vẫn thổn thức với một nỗi buồn. Đó là dù cô có đóng góp tài chính rất quyết định cho gia đình, gia đình vẫn coi như không, do truyền thống trọng nam khinh nữ. Cô đang dự tính thành lập một tổ chức xã hội mang tên mình, với một trong những mục tiêu hàng đầu là xóa bỏ hủ tục ấy, vốn gây nhiều tổn thương, mất mát cho phụ nữ.

Dương Mỹ Hoài

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chuyen-co-tich-tu-vung-que-nepal-ngheo-kho-i715138/