Chuyến chu du lạ kỳ và sự linh ứng 'chân cứng đá mềm' ngày trở về

Trong một lần tình cờ nghe được câu chuyện khá kỳ lạ về một hang động ở Thanh Hóa, tôi quyết định xách ba-lô lên đường về xứ Thanh để tìm hiểu ngọn ngành sự việc.

Câu chuyện kỳ lạ mà tôi được nghe là về một phiến đá có hình bàn chân mà nhiều người tin rằng chính là “bàn chân của mẹ Âu Cơ” trong truyền thuyết xa xưa. Các cặp vợ chồng hiếm muộn thường đến ướm chân vào phiến đá này với mong muốn khi trở về sẽ có “con cầu tự”.

Nhà báo Bích Hậu

Phiến đá này nằm trong một hang động có tên gọi là động Tiên Sơn ở Thanh Hóa. Phần vì hiếu kỳ tò mò, phần vì muốn làm sáng tỏ xem liệu đó có phải câu chuyện được đồn thổi, thêu dệt nên mới nhuốm màu sắc huyền tích như vậy hay không, tôi quyết tâm tìm về xứ Thanh một phen.

Đến “động Tiên Sơn”

Sau khi báo cáo đề tài và được sự đồng ý của tòa soạn, tôi một mình lên đường đúng như lịch đã định trước. Tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ đến ga Thanh Hóa di chuyển quãng đường 175km hết khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tàu đến ga Thanh Hóa đúng lúc trời đổ mưa ào ào. Không đợi ngớt mưa, tôi vẫy một người lái “xe ôm” đang đợi ngoài ga rồi thông báo điểm đến là “động Tiên Sơn”.

Ngồi sau xe máy, chiếc áo mưa mỏng dính mà người lái “xe ôm” đưa cho tôi không có tác dụng mấy trước cơn mưa xối xả. Đường càng đi càng dài, đi mãi mà vẫn chưa thấy đến, tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà mình được nghe, trong đó người kể có nhắc đến chi tiết hang động này nằm ngay ở trung tâm thành phố Thanh Hóa. Bán tín bán nghi, tôi hỏi lại người lái “xe ôm” xem liệu có bị nhầm đường không.

Lúc này anh này vẫn quả quyết: “Không thể nhầm được, chỉ có một động tên Tiên Sơn thôi, động này nằm ở huyện Vĩnh Lộc”. Khăng khăng là thế nhưng trên suốt dọc đường từ trung tâm thành phố đến địa bàn huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi phải dừng lại hỏi thăm không dưới chục người, song câu trả lời đều là những cái lắc đầu không biết hoặc nếu biết thì mỗi người lại chỉ một hướng. Thế nên, lẽ ra chỉ phải đi một đoạn đường gần 40km tính từ ga Thanh Hóa thì người lái xe đã phải chở tôi đi vòng vo quãng đường dài gấp đôi mới đến nơi.

Tìm “phiến đá hình bàn chân”

Thời điểm đó, tôi được nghe kể lại, hang động này mới được người dân trong vùng phát hiện cách đây vài năm và đây cũng là 1 trong 2 hang động nằm trong danh thắng núi Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng cấp quốc gia.

Để vào được hang động này phải ngồi thuyền đi qua một cái hồ rộng chừng 10ha, leo lên một vách núi khá cheo leo mới đến cửa động nhỏ được khóa tạm bằng cổng tre, nằm chênh vênh ở trên cao. Có điều, đến khi vào đến hang động rồi, quay qua người đàn ông khoảng 60 tuổi tự giới thiệu là hướng dẫn viên du lịch ở đây để hỏi về “phiến đá hình bàn chân”, người này tỏ vẻ ngạc nhiên rồi quả quyết, dù hang động này còn rất sâu và chưa được khám phá hết nhưng hiện tại ở đó không hề có phiến đá nào có hình thù như vậy.

Đi… nhầm hang động

Lúc này, tôi mới giật mình nhận ra là mình đã đi… nhầm hang. Nhưng không sao cả, bởi nhờ vậy mà tôi mới có dịp biết được ở xứ Thanh có một hang động mà người dân nơi đây vẫn tự hào là “đẹp chẳng kém gì động Phong Nha ở Quảng Bình hay động Thiên Cung ở Hạ Long, Quảng Ninh”.

Và quả thật sự hoang sơ của hang động này khiến những người lần đầu tiên có dịp đặt chân đến như tôi phải ngỡ ngàng, mê mẩn đi tham quan 3 tầng trong hang động suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, ngắm nhìn hàng chục phiến đá có hình thù độc đáo mà qua lời giới thiệu của người hướng dẫn viên thì mỗi phiến đá lại có một câu chuyện riêng, mang màu sắc huyền bí riêng.

Dĩ nhiên, sau đó tôi vẫn tìm đến đúng nơi cần tìm và không ngờ rằng động Tiên Sơn có “phiến đá hình bàn chân” kia lại nằm ngay trong thành phố Thanh Hóa, dưới chân núi Hàm Rồng và chỉ cần đi bộ lên núi vài chục bậc thang là tới chứ không hiểm trở, cheo leo như “động Tiên Sơn” mà tôi đi nhầm ở huyện Vĩnh Lộc. Ở nơi này, ẩn sau từng vách đá, từng ngách hang, trăm ngàn vạn vật như được sinh ra từ nhũ đá, đậm màu truyền thuyết khi được gắn với các câu chuyện về tích Phật, chuyện Tiên.

Có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh phiến đá mà tôi muốn tìm hiểu. Phiến đá có màu nhũ đất in hình bàn chân trái rộng chừng 20cm, dài khoảng 40cm, được gắn với một trong những truyền thuyết xa xưa nhất của dân tộc - truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng: trên động Tiên Sơn có bàn chân trái, dưới biển Sầm Sơn cũng có một bàn chân độc cước, gần với sự tích mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng nên người xưa ví von bà giẫm một bước dưới đó, một bước lên đây để lại dấu chân này. Vì “bà” đẻ nhiều trứng nên những người hiếm con đến đây với mong muốn “xin trứng” cầu may để có con.

Đi tìm dãy núi mang hình tượng “bà mẹ đất”

Trở lại với cuộc hành trình sau khi đi nhầm động, nhờ sự nhầm lẫn hy hữu này mà tôi lại tình cờ được nghe người dân kể câu chuyện hay ho khác, rằng cũng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có một dãy núi đá vôi mang hình thù kỳ lạ, nhìn nghiêng các ngọn núi xếp lại với nhau rất giống hình dáng của người phụ nữ đang mang thai. Đó là dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu có chiều dài khoảng 2km, cao khoảng 500m, trải dài trên địa bàn 3 xã Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh và Vĩnh An của huyện Vĩnh Lộc. Lại một lần nữa vì tò mò, tôi lần theo chỉ dẫn của người dân tìm đến nhà của người đầu tiên được cho là phát hiện ra dáng vẻ kỳ lạ của dãy núi này.

Không liên hệ trước vì không có số điện thoại, lại cũng phải mất khá lâu mới tìm được ngôi nhà nằm trong tít tận thôn Xanh, tôi may mắn gặp được nhân vật và được tiếp đón niềm nở. Quả thật khi ấy dù thấm mệt nhưng tôi vẫn không khỏi thích thú và ngạc nhiên khi đứng từ tầng 2 ngôi nhà của người này phóng tầm mắt quan sát chính diện dãy núi đặc biệt trên và thấy nó đúng là giống hình dáng một bà mẹ đang mang bầu với đầy đủ mũ mão, trán, mắt, mũi, miệng, cằm, cổ, bầu ngực, bụng…, thậm chí có cả chiếc mũ tua dua điệu đà trên đỉnh đầu.

Sau này, khi đem chuyện đến hỏi nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trần Lâm Biền, ông nhìn bức ảnh gật gù và giải thích, dãy núi này tượng trưng cho ước vọng mưu cầu hạnh phúc của mọi người và ông ngờ rằng đây giống như một hình tượng mà người xưa truyền lại là hình tượng “bà mẹ đất”, “bà mẹ núi” được nhắc đến trong Phật giáo xưa. Nhất là khi nhìn thẳng về hướng dãy núi có một ngôi chùa tên Hoa Long mang đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Phật giáo truyền thống.

Ngôi chùa này từ xưa vẫn được biết đến là chốn sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống yên bình hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, trong quần thể 29 ngọn núi tạo thành dãy Tiên Sơn Linh Mẫu ấy có núi Kim Sơn - ngọn núi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp quốc gia vào năm 2009. Trùng hợp hơn, nằm gọn trong ngọn núi này là hai danh động quan trọng gồm động Kim Sơn và động Tiên Sơn.

Được ví như “Phong Nha - Kẻ Bàng” thứ 2 của Việt Nam, động Tiên Sơn là một trong những hang động đẹp nhất xứ Thanh

Chuyện “chân cứng đá mềm” linh ứng

Không chỉ khám phá và tìm hiểu được trọn vẹn đề tài ban đầu, tôi đã có một chuyến đi với những sự nhầm lẫn không hề đáng tiếc mà ngược lại vô cùng đáng quý và thú vị. Sau 3 ngày mải miết với sự tò mò và hiếu kỳ, lúc về tôi quên đặt mua vé tàu nên vội vàng ra ga để mua vé về kịp chuyến cuối cùng trong ngày.

Chuyến tàu cuối ngày từ Thanh Hóa về Hà Nội, tôi hoang mang vì hết vé ghế cứng, chỉ còn vé ghế “mềm”, tức là vé ở toa có điều hòa. Cảm giác ngồi toa lạnh khiến tôi lử đử như thể say ôtô. Đang toát mồ hôi vì sợ thì bước lên toa tàu, đi ngang qua chỗ nối toa, tôi thấy một người phụ nữ mang thai ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh. Hỏi ra mới biết chị mua vé muộn quá nên hết sạch, chỉ có thể được ưu tiên cho ngồi ghế ở toa nối trên tàu. Tôi mừng rỡ giơ tấm vé ra và ngỏ ý đổi cho chị vào ngồi toa có máy lạnh.

Vị hành khách ngạc nhiên, đoạn cảm ơn rối rít. Còn tôi cũng mừng vì được trở về Hà Nội trên chiếc ghế nhựa ở toa nối. Có điều chiếc ghế thấp nên ngồi xuống gió bên ngoài không tạt tới. Vậy là trên suốt đoạn đường về hơn 4 tiếng đồng hồ từ Thanh Hóa trở về Hà Nội, tôi chọn đứng để nhìn ra ô cửa bên ngoài cho thoáng gió. Kỳ lạ thay khi về, tôi không hề đau mỏi chân.

Chợt nhớ lại câu chuyện vui mà người hướng dẫn viên ở động Tiên Sơn nói khi giới thiệu về phiến đá có hình thù bàn chân của mẹ Âu Cơ: “Ai muốn sinh con trai thì giẫm 7 lần chân trái, sinh con gái thì giẫm 9 lần chân phải. Ai chưa lập gia đình, không cầu tự nhưng ướm vào đấy thì sẽ được... chân cứng đá mềm”. Bất giác, tôi tự cười với suy nghĩ, có lẽ nhờ mình ướm chân vào phiến đá đó lúc tham quan, lại đáp ứng đủ 2 tiêu chí chưa lập gia đình và không cầu tự nên mới được “chân cứng” trở về như vậy!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-chu-du-la-ky-va-su-linh-ung-chan-cung-da-mem-ngay-tro-ve-post543572.antd