Chuyện buồn ở xóm chạy thận ngày cận Tết

Từ ngày bệnh tình con gái biến chứng nặng, bà Thanh phải bỏ tất cả công việc ở quê để ra Hà Nội chăm con. Mọi gánh nặng, nhọc nhằn cũng vì thế mà đè lên đôi vai người phụ nữ khắc khổ này.

Có mặt ở xóm chạy thận trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, bao trùm con ngõ nhỏ là không gian tĩnh lặng, thời tiết se lạnh càng thêm phần ảm đạm, vắng lặng.

Trong căn nhà trọ chưa đầy 10m2 chỉ đủ kê chiếc giường cũ kỹ cùng dăm ba đồ dùng sinh hoạt. Vừa chép những trang kinh Phật, vừa trò chuyện với phóng viên, bà Phạm Thị Thanh (54 tuổi, quê Nam Định) cho biết, những ngày Tết ở đây cũng như ngày thường, không có gì khác.

Hai mẹ con bà Thanh bên trong căn phòng trọ chật hẹp.

"Cuộc sống của những người bệnh ở đây cứ lặng lẽ trôi qua, suốt đời phải chống chọi với bạo bệnh. Mỗi lần chạy thận xong đau đớn, mệt mỏi lại về làm bạn với giường bệnh. Những người khỏe còn đỡ, người nào yếu chạy xong lại bỏ ăn. Cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn", bà Thanh nói.

Quanh năm sống chung trong một xóm, mọi người ở đây dần trở nên thân quen. Với nhiều người, nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Do đều có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nên mọi người cứ nương tựa vào nhau để sống và chiến đấu với bệnh tật.

Vừa chép kinh Phật vừa trò chuyện với phóng viên, bà Thanh cho hay, năm nay lịch chạy thận có thể đến 30 Tết, nghỉ mùng 1 và mùng 2, đến mồng 3 bắt đầu chạy thận lại. Mọi người ở đây hầu hết đều ở lại ăn Tết vì bệnh nhân chạy thận là người sống nhờ máy. Hơn nữa ai cũng khó khăn, quê lại ở xa nên mỗi lần đi lại phần sợ tốn kém, phần thì mệt mỏi nên đành ở lại đón Tết.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Thanh cho biết, chồng mất sớm để lại cho bà 3 người con, một gái, hai trai. Người con gái cả bị bệnh từ lúc 4 tuổi, tính đến nay đã 29 năm sống chung với bệnh tật, bao nhiêu tiền của phải dồn hết để chữa chạy cho con gái.

Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của người phụ nữ.

Từ ngày chồng mất, bao nhiêu gánh nặng trong gia đình đều do một tay bà Thanh cáng đáng, anh em họ hàng ai cũng nghèo khó, vất vả nên chẳng giúp được gì. Bà là lao động chính, một mình bà lo toan mọi thứ, từ mưu sinh kiếm tiền nuôi sống cả nhà, chữa bệnh cho con gái cả, đến việc chăm lo cho 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học.

"Giờ bệnh tình con gái chuyển biến nặng, đôi chân bị gãy không thể đi lại, tôi phải bỏ tất cả công việc ở quê lên đây chăm con. Xa nhà, lo nhất là hai đứa con trai ở quê, đang tuổi trưởng thành không có mẹ ở nhà, rồi ăn uống có tự lo được cho bản thân không? Rồi nhỡ theo bạn bè chơi bời, hư hỏng thì khổ", bà Thanh bộc bạch.

Không đi làm được nên cũng không có thu nhập, giờ đây bà Thanh chỉ biết trông chờ vào số tiền ít ỏi của nhà chùa hỗ trợ từ việc chép kinh Phật. Số tiền tuy ít ỏi, nhưng cũng giúp bà trang trải cuộc sống hàng ngày, cũng như tạo thêm động lực để cùng con chiến đấu với bệnh tật.

Khi được hỏi về mong ước trong ngày Tết, những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của người phụ nữ khắc khổ, bà Thanh nghẹn ngào: "Chỉ mong con nhanh hồi phục ngồi được xe lăn cho mẹ đỡ vất vả. Ngoài ra, nhà tôi giờ chẳng biết ước điều gì nữa, không ước được gì".

Bà Thơm chia sẻ với phóng viên.

Nói thêm về hoàn cảnh đặc biệt của bà Thanh, bà Nguyễn Thị Thơm (62 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) sống tại xóm chạy thận chia sẻ: "Cả xóm chạy thận hơn 120 người nhưng chưa thấy ai hoàn cảnh khó khăn như bà ấy. Chồng mất mấy chục năm nay, một mình nuôi ba đứa con, 29 năm nuôi con gái nằm viện. Rất tội, phải người khác chắc là không sống nổi.

Bà Thanh là người sống rất tử tế, biết điều mà tại sao lại gặp hoàn cảnh éo le như thế. Mong rằng, các mạnh thường quân, đoàn thiện nguyện quan tâm giúp đỡ trường hợp của bà Thanh nhiều hơn, tạo thêm niềm tin, động lực để bà ấy cùng con chiến đấu với bệnh tật và sống tốt hơn".

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-buon-cua-o-xom-chay-than-ngay-can-tet-169240121100530007.htm