Chuyển biến căn bản trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nhận thức và tư duy của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biển căn bản. Ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon thấp. Công tác bảo vệ môi trường chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, đặc biệt là đối với các nguồn gây ô nhiễm lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì Hội thảo tham vấn khu vực miền Trung và Tây Nguyên về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Nghị quyết số 24-NQ/TW được ban hành ngày 03/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta. Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra 05 quan điểm; các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và đến năm 2050; 04 nhóm nhiệm vụ và 05 nhóm giải pháp.

Nghị quyết số 24-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, là căn cứ chính trị nhằm thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, một trong những thành tựu nổi bật là sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy của các Ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Những chủ trương lớn của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa vào cách tiếp cận, mục tiêu của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội. Ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon thấp, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao, qua đó bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và góp phần bảo vệ các thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài nguyên từng bước được điều tra, đánh giá đầy đủ hơn, được quản lý bền vững hơn nhưng cũng đã được khơi thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác. Tư duy về bảo vệ môi trường đã được đổi mới căn bản; công tác bảo vệ môi trường chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, đặc biệt là đối với các nguồn gây ô nhiễm lớn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý và sử dụng tài nguyên đã có những kết quả tích cực, cơ bản chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến; về tài nguyên nước đã thiết lập 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, triển khai phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, chính sách bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả, chi trả dịch vụ môi trường rừng hiệu quả; năng lượng tái tạo đạt bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ điện gió, điện mặt trời đạt 26,5%, tổng năng lượng tái thương mại sơ cấp đạt 14,9%. Nguồn thu từ các loại tài nguyên năm 2022 đạt 25.600 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.

Về bảo vệ môi trường, đã ban hành được chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học, chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn, Luật Bảo vệ môi trường 2020; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được rà soát, hoàn thiện, tương đương các nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN; công bố 622 tiêu chuẩn Việt Nam và nhiều tiêu chuẩn địa phương về môi trường. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 92,5% (năm 2012 là 80,5%); khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 91% (năm 2012 là 60%); tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (đô thị) đạt 96% (năm 2012 là 82%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% (năm 2012 là 40,7%)…

Trên bình diện quốc tế, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã đặt ra định hướng để Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào các hiệp định, thỏa thuận hợp tác toàn cầu và khu vực về tài nguyên, môi trường và khí hậu, qua đó một mặt bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Ở cấp độ địa phương, việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đã được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: TP.Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 24-NQ/TW triển khai bằng việc ban hành kịp thời các Chương trình, Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết. Định kỳ đánh giá, báo cáo sơ kết giữa kỳ theo mục tiêu giai đoạn Nghị quyết đề ra, Thành phố đã đưa ra được những hạn chế, nguyên nhân và dự báo khả năng đạt được mục tiêu, chỉ tiêu để từ đó có những giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chương trình số 27-CTr/TU của Thành ủy, một số chi tiêu về bảo vệ môi trường của Thành phố đến nay đã đạt và vượt như chỉ số chất lượng không khí luôn duy trì dưới mức 100; 100% tỷ lệ nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; 100% chất thải rắn được thu gom và xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,6%...

Theo bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị phù hợp tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng tổ chức thực hiện. UBND Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham mưu phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài kêu gọi hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai các dự án tăng cường năng lực nhằm phòng, chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tích cực ứng phó biến đổi khí hậu. Ưu tiên đưa các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường lồng ghép trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương, coi đây là nội dung bắt buộc, đảm bảo 100% quy hoạch, kế hoạch đều hướng đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, môi trường. Nhờ đó, đến nay, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 92,5%; 99,9% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị loại II đạt 45,6%; đô thị loại 4 đạt 53,7%; 93,5% dân số đô thị được cung cấp nước sạch; 96,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Tuy nhiên, thực tế sau 10 năm triển khai cho thấy, quá trình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn những hạn chế, tồn tại như mô hình tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, các mô hình kinh tế xanh/đô thị xanh chưa phổ biến; phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên chưa thực chất; hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuẩn quốc tế chưa hoàn thành… Ngoài ra, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi. Chính phủ Việt Nam đã tham gia cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng tại COP26; cùng với Nam Phi và Indonesia, Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP), tham gia cam kết theo Khung đa dạng sinh học toàn cầu... Những cam kết của Việt Nam đã mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển mới cho Việt Nam theo hướng xanh, các-bon thấp nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Theo ông Micheal Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tạo khung pháp lý và các cam kết giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu như mục tiêu Netzero; Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển kinh tế tuần hoàn... Tuy nhiên, trước xu thế hiện nay, HSF cho rằng, khi hoàn thiện khung chính sách, pháp lý cần phải thiết kế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn mà không tác động đến nền kinh tế, sẽ tạo được không gian cho các doanh nghiệp phát triển.

Một số ý kiến cũng cho rằng, trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách để huy động được các nguồn lực của xã hội trong việc đầu tư các công trình phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế đang nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sau các hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho Bộ Chính trị, Trung ương để đề ra những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong đó tập trung vào các mục tiêu sử dụng hiệu quả, quản lý tốt nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-bien-can-ban-trong-chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-bao-ve-moi-truong.html