Chuyện bệnh viện

Chợt nghĩ, nếu đời người là một ngày thì cuộc sống trong bệnh viện giống như buổi chiều tà. Nhưng chẳng ai tránh được cái lúc hoàng hôn chập choạng ấy.

Một cảnh xếp hàng chờ lấy số khám bệnh trong bệnh viện - Ảnh: Internet

Hồi xưa, nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức) có truyện dài Một chuyện chép ở bệnh viện viết về cuộc đời chị gì đó hoạt động cách mạng, sau được chuyển thể thành phim Chị Tư Hậu. Phim này chẳng hay lắm nhưng cũng gây xúc động một thời.

Tôi từ hồi mới đẻ đã còi cọc đèo đẹn chả khỏe khoắn gì cho cam nhưng được cái suốt mấy chục năm ít phải vào bệnh viện, nên đóng bảo hiểm y tế chỉ toàn lỗ. Một vài bận nhà có người yếu nhọc, đành phải bám vào thứ cơ quan chuyên chăm lo sức khỏe này, đi theo người bệnh để chăm sóc. Buông việc thường làm hằng ngày, nhẹ cái đầu một tí nhưng mỏi cái chân cái tay. Có hôm lên lầu xuống lầu cả hai chục bận chứ không ít. Quá cả thằng bé Lượm trong thơ Tố Hữu, chân cứ thoăn thoắt, chỉ có điều hết hơi không huýt sáo được.

Hôm 17.7 vừa rồi tôi lại được giao nhiệm vụ đưa ông anh vợ ở quê lên thành phố đi khám sức khỏe tổng quát. Anh tôi cười, tuổi ngoài 70 rệu rã quá rồi, sờ chỗ nào cũng có vấn đề, cứ soi soi chiếu chiếu, chụp xét này nọ, túm được bệnh nào trị luôn bệnh ấy. Đất Sài Gòn rộng, cơ man là bệnh viện, nhà thương, phòng khám, của nhà nước, của tư nhân, cái thuộc trung ương, cái thuộc thành phố… đủ để đáp ứng cho dân số hơn 12 triệu người, cộng thêm hàng chục vạn bệnh nhân các tỉnh đổ xô về khám chữa mỗi ngày. Nhiều lúc có cảm giác cả thành phố này là cái nhà thương vĩ đại, người có khỏe mấy chăng nữa cũng tự dưng thành bệnh.

Hai anh em tôi dậy từ sớm, lọc cọc xe máy tới Bệnh viện Đại học Y dược. Tưởng mình đã khôn ngoan kỹ thế thì “đi sớm nên có chỗ ngồi tốt”, ai dè một huyện người đã kín đặc lối đi, hành lang, phòng chờ từ lúc nào. Có lẽ họ đi từ nửa đêm, hoặc ngủ từ chiều hôm trước. Nhìn những hàng người rồng rắn chờ lấy số thứ tự, tôi nản quá, kéo ông anh đi chỗ khác. Không khám được ở đây cũng chưa chết đâu mà sợ. Quẹo qua Chợ Rẫy, rồi qua Medic Hòa Hảo còn sợ hơn, cả tỉnh người chứ không phải huyện, đi luôn một mạch không dám ngoái đầu lại. Sao mà lắm người bệnh thế không biết. Đành tăng ga vọt tới Bệnh viện An Sinh trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. Nhà thương này của tư nhân nhưng khá tiếng tăm, cả dân Tây bị bệnh cũng tới chữa, chỉ có điều “an sinh” nhưng “chém” ác lắm, thu tiền nặng, nhà nghèo mà lạc vô đây coi như khỏi được bệnh tật cơ thể thì sinh ra thêm bệnh viêm… màng túi.

Trong lúc chờ ông anh đo tim, thử máu, xét nghiệm này nọ, được một bà bác sĩ cũng già như anh tôi thăm khám, hỏi han, tôi kiếm một góc ngồi vẩn vơ quan sát. Trái ngược với ngoài đường ồn ào tấp nập, đầy những sinh động, sinh sắc kia, trong này là một thế giới khác hẳn. Lẩn thẩn tâm tư những ai yêu đời không nên ghé bệnh viện. Đó là thế giới của già yếu, bệnh tật, úa tàn, u ám, mệt mỏi, lo lắng, thở than. Rất ít hy vọng. Thiếu niềm vui. Chợt nghĩ, nếu đời người là một ngày thì cuộc sống trong bệnh viện giống như buổi chiều tà. Nhưng chẳng ai tránh được cái lúc hoàng hôn ấy.

Vậy mà tôi cũng tìm thấy chút niềm vui trong thế giới chập chờn tối sáng đó. Lâu nay chưa hiểu các bác sĩ thầy thuốc y sĩ y tá điều dưỡng… cho lắm, giờ thì hiểu hơn. Họ đang tranh đấu với quy luật tự nhiên, cưỡng lại cái gọi là “sinh lão bệnh tử” để giằng con người về cho đời.

Lại nói chuyện vui. Đận tôi đưa người nhà vào bệnh viện Nguyễn Trãi (ở quận 5, Sài Gòn) nằm vài hôm theo dõi cái nhịp tim tự dưng trở chứng, gặp trúng lần bệnh viện đón mấy chuyến xe từ Đồng Tháp chở bà con nông dân lên phẫu thuật mắt, mổ chữa bệnh đục thủy tinh thể. Tôi lân la lại coi. Dễ đến 5, 7 chục người. Những nông dân đen đúa, gầy gò, quần áo cũ kỹ, rụt rè và hy vọng. Tôi có nghe bác sĩ nói mổ mắt cho người bị đục thủy tinh thể cũng đơn giản thôi, không khó không tốn kém không lâu, mỗi người chỉ hết chừng mươi phút. Bà con trật tự ngồi chờ, thì thầm hỏi nhau sao rồi, đau không, sắp đến lượt chưa… Các bác sĩ khoa mắt của Nguyễn Trãi làm việc cật lực, dù hôm ấy là ngày nghỉ (thứ bảy). Suốt sáng, đến đầu chiều thấy vẫn còn người ngồi chờ tới lượt mình. Những người đã được mổ tản ra gốc cây, ghế đá ngồi nghỉ ngơi trò chuyện, ai nấy đều phấn khởi. Bà con bảo ngày mai mắt sáng lại làm được bao nhiêu việc đồng áng, sinh hoạt, đỡ đần con cháu. Một bác nói oang oang có đứa cháu nội sắp đầy tháng mà chưa nhìn rõ mặt mũi nó thế nào nhưng mai là có thể thấy nó rồi. Bà con kể không phải mất đồng xu teng, tất cả do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh Đồng Tháp và bệnh viện trên này lo cho hết. Có cụ cười khoe thêm tiền ấy là do mấy doanh nghiệp tài trợ đấy, chú ạ. Thật phúc đức, cảm động. Giá như ngày nào cũng được chứng kiến những niềm vui như thế thì có lẽ ai cũng khỏe lắm, yêu đời lắm. Chợt nghĩ, nghề thầy thuốc đẹp nhất những lúc này.

Một chuyện khác nữa. Hôm đó giữa trưa, đang ngồi vật vờ chợt có người vỗ vai. Tưởng ai, là bà cụ bán vé số hôm qua đã gạ tôi mua vé khi đứng dưới cổng. Bà vào từng phòng mời mọi người mua vé số. Hồi sáng cũng thế, có mấy người đàn ông vẻ sầu muộn tha thẩn từng phòng gạ mua vé số. Tôi bảo với người nhà rằng, khốn nạn kiếp người, chỗ này tinh những cơ thể bệnh tật, ai cũng lo từng phút sức khỏe con bệnh, còn hơi đâu mà nghĩ đến vé số cầu may. Sao họ lại không biết tìm chỗ nào khác, ví dụ chợ búa, cổng trường, quán ăn… để bán cho những người đang rảnh rỗi, thảnh thơi, đang ít nhiều hy vọng ất ơ vào cuộc đổi đời. Vào đây thì bán cho ai. Nhưng rồi lại nghĩ, chả trách họ được, họ dưới đáy xã hội rồi, làm gì có sự lựa chọn nào khác. Thậm chí ta có mách nhảy vào lửa mà bán được dăm chiếc vé số có khi họ cũng lao vào, vậy thì bệnh viện, sao lại bỏ qua. Tôi lặng lẽ dõi theo, hầu như tất cả các phòng bệnh không thấy ai mua, còn bà cụ bán vé số vẫn kiên nhẫn đi từng phòng từng lầu. Xấp vé trên tay khá dày mà nắng nhạt nhanh quá. Khuôn mặt già nua kia thấp thoáng lẫn dần vào trời chiều.

Trong bệnh viện có thể thấy rất rõ thứ lớp, trật tự của một xã hội thu nhỏ. Các bác sĩ, nếu có danh vị chuyên khoa 1 hoặc 2, thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì rất được mọi nhân viên kính nể. Còn cỡ giáo sư tiến sĩ thì chả khác chi ngài tổng thống của “quốc gia” này. Cũng phải thôi, họ đã bỏ ra bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, trau dồi chuyên môn, từng giành giật bao nhiêu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, “từ cõi chết trở về chói lọi” (theo đúng nghĩa đen) mới đạt được tiếng tăm và sự nể trọng ấy. Có phải ai cũng làm được bác sĩ đâu. Nhớ hồi xưa, tuy đám học trò chuẩn bị thi đại học đứa nào cũng thuộc câu châm ngôn “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” nhưng nhiều đứa vẫn đâm đầu vào… sư phạm bởi biết cổng trường y với mình là xa vời vợi. Thời thuộc Pháp cũng như ở miền Nam trước năm 1975, ai đó khi đã có danh vị bác sĩ là có thể đảm bảo 90% sự vinh hoa phú quý cho bản thân và gia đình, thậm chí cả họ. Còn bây giờ bác sĩ đã được “phổ cập hóa” nên cũng tùy, thậm chí có cả bác sĩ thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Phải giỏi, thật giỏi thì mới sống giàu có bằng nghề được.

Hồi tôi còn dạy học, năm 1980 trường tôi nhận bồi dưỡng văn hóa cho hai sinh viên dự bị của trường đại học y, hai cô cậu này thi đại học chỉ đạt tổng 5 điểm. Tôi thắc mắc, điểm ấy mà học y thì để ra trường giết người à, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm giải thích rằng chúng nó người ngoài đảo Phú Quốc, học xong chỉ chúng nó mới chịu về đảo phục vụ, chứ đám khác tinh bám lại thành phố, không dạy nó lấy ai về đảo “phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Yếu còn hơn không. Vậy đó.

Nguyễn Thông

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-benh-vien-67391.html