Chuyện bảo vệ Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000 (Kỳ 2)

Từ trước đến nay, chương trình hoạt động của các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam đều tuân theo một lịch trình hết sức nghiêm ngặt về thời gian, kể cả các hoạt động riêng của phu nhân vị nguyên thủ đó.

Bộ phận lễ tân của Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ biết chương trình và khi vị nguyên thủ đó xuống sân bay thì mọi việc tiếp theo cứ theo kế hoạch đã vạch sẵn mà thực hiện. Rất hiếm khi có sự thay đổi.

Nhưng với đoàn của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và phu nhân cùng cô con gái Chelsea sang Việt Nam lần này, chương trình đã bị đảo liên tục. Không phải vì lý do an ninh mà chính là đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ muốn được tương đối tự do trong các hoạt động của mình, và cũng tỏ ra không phụ thuộc nhiều lắm vào đức ông chồng... Cho nên "chất" tùy hứng trong chuyến đi này của bà "hơi bị cao" và điều đó đã làm cho lực lượng cảnh vệ Việt Nam cũng như nhân viên an ninh của Mỹ "chạy theo" đến toát mồ hôi.

Tổng thống Mỹ và con gái tại một cửa hàng lưu niệm ở thủ đô Hà Nội.

Tình huống bất ngờ đầu tiên khi bà Hillary xuống sân bay Nội Bài lại chính từ phía An ninh Mỹ.

Máy bay vừa dừng trước sân đỗ, các nhân viên an ninh đi theo phu nhân xuống trước và họ hết sức ngạc nhiên trước cảnh quá ư là thanh bình của sân bay. Không thấy có hàng rào vệ sĩ, không thấy có những bóng nhân viên an ninh mang súng bắn tỉa đứng trên các nóc nhà xung quanh, còn trên khu vực nhà ga T1 đang xây dựng, vẫn thấy cần cẩu vận hành... Đây là điều mà họ chưa từng chứng kiến ở bất cứ quốc gia nào mà Tổng thống Mỹ cùng phu nhân đã đặt chân đến trong hai nhiệm kỳ qua. Thế là họ "om" phu nhân ở trên máy bay và xuống trao đổi với nhân viên an ninh dưới sân bay. Mười phút sau, một đề nghị chưa từng thấy trong công tác bảo vệ được phía Mỹ đưa ra: Một nhân viên an ninh Mỹ sang ngồi xe bảo vệ tiếp cận của Việt Nam còn một cán bộ của ta thì... sang xe Mỹ.

Nhận được đề nghị mang tính "trao đổi con tin" này, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ rất buồn cười, nhưng thấy đó cũng là chuyện "vô thưởng vô phạt" và cũng là dịp để anh em ta biết thêm cách làm việc của An ninh Mỹ nên đồng ý. Thiếu tá Lê Hữu Công được lệnh lên xe của họ. Thấy anh có vóc người thanh mảnh, mặc complê màu sáng, tay xách chiếc cặp mỏng mảnh, họ tưởng anh là... nhà báo. Đến khi người sĩ quan trong đoàn tiền trạm giới thiệu Công cùng các chị, các anh trong tổ bảo vệ tiếp cận cho phu nhân và cô Chelsea, họ mới à lên có vẻ thích thú trước những cảnh vệ trông rất chi là "hiền lành" này. Tổ bảo vệ tiếp cận cho phu nhân và cô Chelsea gồm bốn đồng chí là Trung tá Nguyễn Văn Giang, Thiếu tá Công, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phương và Thiếu tá Nguyễn Thị Phẩm.

Nhân đây cũng phải nói thêm về công việc của người sĩ quan cảnh vệ tiếp cận.

Bảo vệ tiếp cận tức là hình thức bảo vệ trực tiếp, liền kề đối với người được bảo vệ trong khi họ hoạt động và sinh hoạt. Hay nói một cách đơn giản đó là người sẵn sàng lấy thân mình chắn đạn cho người được bảo vệ và kịp thời ứng phó với mọi bất trắc có thể xảy ra. Người sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải là những người được tin cậy đặc biệt, có trình độ chuyên môn cao, có tâm lý vững vàng, phản xạ nhanh và được đào tạo hết sức cẩn thận. Chính vì vậy, ở các nước, công tác tuyển chọn, đào tạo người bảo vệ tiếp cận được tiến hành theo những quy trình hết sức đặc biệt và dĩ nhiên, họ cũng được hưởng một mức lương mà các lực lượng an ninh, cảnh sát khác không dám mơ tới

Trên chiếc xe Chevrolet của An ninh Mỹ, các nhân viên tò mò hỏi quá trình công tác của Công và họ không giấu sự e ngại khi thấy hai cán bộ bảo vệ tiếp cận phu nhân và Chelsea là hai phụ nữ mà theo con mắt nghề nghiệp của họ thì "đó là những thư ký". Công phải giải thích cho họ khá nhiều điều và anh khẳng định rằng số lần mà hai nữ cảnh vệ của ta đi bảo vệ các yếu nhân chắc chắn nhiều hơn họ. Xe của An ninh Mỹ, được trang bị hệ thống thông tin rất mạnh. Khi họ phát sóng, tất cả các máy bộ đàm của ta đều bị nhiễu. Rất may là sóng thông tin di động không bị ảnh hưởng.

Tổng thống Mỹ và phu nhân đến thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Về đến khách sạn Daewo, chỉ nghỉ ngơi ít phút là Đệ nhất phu nhân đi thăm phố phường Hà Nội và một số cửa hàng lưu niệm mà nhân viên Thương mại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã chọn sẵn.

Cũng nên nói thêm về căn phòng mà gia đình Tổng thống Bill Clinton đã thuê của khách sạn Daewo với giá 2.200USD/ngày. Đó là phòng mang số 1725 nằm trên tầng 17 có diện tích 225m2 gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, hai khu vệ sinh, một phòng ăn, một phòng bếp. Rượu vang hảo hạng, hoa tươi, các loại quả... không lúc nào thiếu trong phòng. Trước đó, hai đoàn tiền trạm của Mỹ và các nhân viên an ninh Việt Nam đã kiểm tra kỹ từng xăngtimét vuông căn phòng, thẩm tra tư cách đạo đức cũng như trình độ chuyên môn của tất cả các nhân viên phục vụ tại đây. Bốn năm trước, khi Ngoại trưởng Mỹ ông Critxtoppho, khi đến Việt Nam đã đem cả... nước uống, nhưng nay, Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, các thực phẩm dùng hàng ngày không phải mang theo, dĩ nhiên là phải qua những quy trình kiểm tra nghiêm ngặt do chính nhân viên An ninh Mỹ đảm trách. Khách sạn có 411 phòng thì đoàn Mỹ thuê 400 phòng... Cũng phải thôi, khách sạn này tuy mang tên Hàn Quốc nhưng người có nhiều cổ phần nhất lại là Mỹ.

Khi bà Hillary đi thăm các cửa hàng lưu niệm, nhân dân đổ đến xem quá đông. Đây là điều mà Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã lường trước, bởi lẽ một người quá nổi tiếng như bà Hillary, nếu không có nhiều người đến mới là điều lạ. Tuy nhiên, số người đông quá mức khiến An ninh Mỹ sợ hãi. Ngay lập tức, đội cảnh vệ trực tại Bộ Tư lệnh được lệnh tăng cường. Anh em đang ăn cơm chiều phải buông bát lên đường ngay. Công an phường Hàng Gai cũng huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ra giữ trật tự. Thấy chỉ sau năm phút, trật tự đã được ổn định, nhân viên An ninh Mỹ rất ngạc nhiên và có người đã hỏi anh em ta. Họ cho là ta đã "ém" quân sẵn tại đó.

Với phong cách tự nhiên và có phần "dân dã", bà Hillary đi bắt tay nhiều người. Sự "thoải mái" hơi quá của bà là điều An ninh Mỹ không mong muốn. Là bảo vệ tiếp cận của bà, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phương hết sức vất vả trong nhiệm vụ của mình. Trừ vài người biết việc của chị còn thì đều nghĩ rằng đó là cô thư ký hay nhân viên lễ tân. Với tà áo dài tha thướt, vai đeo túi xách, Phương luôn bám sát Đệ nhất phu nhân và Thiếu tá Nguyễn Thị Phẩm thì cũng không rời cô Chelsea nửa bước. Khi thấy Chelsea ký vào sổ tay của một số người hâm mộ, thế là đám đông như lên cơn sốt... mọi người ào đến, các nhân viên An ninh Mỹ không dựng được thành hàng rào nữa và thế là họ đành phó mặc Phu nhân và Chelsea cho các cảnh vệ của ta. Dịu dàng nhưng kiên quyết, Thanh Phương đã đề nghị bà Hillary không nên "đi quá xa"... Còn Đệ nhất phu nhân nước Mỹ cũng rất tôn trọng ý kiến của người nữ cảnh vệ Việt Nam, vì thế bà từ chối đề nghị của một người xin chữ ký. Khi ở cửa hàng, bà Hillary chỉ xem nhưng không mua, còn Chelsea thì mua khá nhiều thứ và may cả áo dài, thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Bà Hillary hoạt động liên tục. Từ khi về khách sạn cho đến đêm. Lúc đầu ai cũng nghĩ là bà còn phải nghỉ để ăn tối, nhưng không, bà ăn luôn trên ôtô. Nhân viên An ninh Mỹ cũng mang sẵn đồ ăn, nước uống, sữa các loại, kẹo tăng lực trên ô tô... cho nên họ cứ "tỉnh queo". Còn quân nhà ta, nhịn đói từ chiều cho đến đêm, không ai cười được nữa. Đêm hôm đó, người phụ trách an ninh cho Đệ nhất phu nhân đã mời anh chị em ăn cơm ở khách sạn Hanoi Towe mà dân ta quen gọi là khách sạn Hỏa Lò.

Các ngày sau cũng vậy, lịch hoạt động của bà luôn kín mít. Bà vẫn ăn trên ôtô, ngủ trên ôtô và xuống xe là lại tươi roi rói... Lần này thì quân tử phòng thân, lính nhà ta phòng... bánh mỳ "không người lái". Các nhân viên bảo vệ Mỹ qua ngày đầu "tinh tướng" nay cũng tỏ ra nể phục anh chị em ra mặt và đôi khi "ga-lăng", mang sữa, bánh mời hai chị em. Cũng vì thời hoạt động có nhiều thay đổi nên đoàn Mỹ đã bỏ qua thông lệ là phải báo cho Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao trước mà họ báo cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Điều đó cũng nói lên rằng để đảm bảo an toàn, lực lượng An ninh Mỹ không câu nệ vấn đề gì. Với họ, yêu cầu về an ninh là tối cao. Sau này, Thiếu tá Phương cũng phải công nhận rằng đã 13 năm làm bảo vệ tiếp cận, chị đã phục vụ hàng trăm yếu nhân, nhưng chưa có lần nào căng thẳng, vất vả như chuyến này.

Gia đình Tổng thống Mỹ vẫy tay tạm biệt trước khi lên máy bay Không lực 1, kết thúc chuyến thăm lịch sử kéo dài 4 ngày tại Việt Nam.

Trong thời gian thămViệt Nam, chuyến đi của Tổng thống cùng gia đình đến khu tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ ở huyện Mê Linh là được An ninh Mỹ quan tâm đặc biệt. Hai ngày trước, họ còn phải cho chiếc xe chở Tổng thống đi vào thử xem nền đường có... chịu được tải trọng của xe hay không. Họ cũng rất lo ngại khi thấy nơi Tổng thống đến thăm ở khu vực đồng không mông quạnh và đường đi lại xuyên qua nhiều xóm làng. Vì thế họ đã đề nghị chúng ta rải quân dọc các tuyến và có nhân viên An ninh Mỹ đi cùng. Nhưng khi được giải thích rằng Việt Nam không có thói quen phô trương lực lượng kiểu đó và công tác bảo vệ an ninh cho Tổng thống Mỹ không chỉ là trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách mà còn của mỗi người dân, thì họ mới bớt lo.

Khi Tổng thống rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, ông Henry Showd, phụ trách mật vụ Phủ Tổng thống nói với các anh chị trong tổ bảo vệ tiếp cận: "Nơi nào cũng làm công tác an ninh tốt như Việt Nam thì có lẽ chúng tôi… thất nghiệp?”.

Như Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-bao-ve-tong-thong-my-bill-clinton-nam-2000-ky-2-424021.html