Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp!

Dù Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) được đánh giá là có tác động tích cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng cách thức thực hiện có phần nôn nóng ở một số địa phương khiến hiệu quả chương trình chưa cao, đẩy nhiều xã rơi vào tình cảnh nợ đọng với tổng số hơn 15 nghìn tỷ đồng. Chạy theo thành tích, nợ đọng, chưa thiết thực trong xây dựng… hầu hết các báo cáo chỉ dừng ở việc tổng kết bao nhiêu km đường được xây dựng, huy động vốn cho xây dựng NTM… Trong khi đó, con số nợ đọng, sự tồn tại và hoạt động của các hợp tác xã, các bãi rác đạt chuẩn ở nông thôn… thu nhập gia tăng của người nông dân cụ thể thì còn đang là bài toán khó…

Thu nhập tăng nhờ NTM

Theo kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới được công bố trước Thường vụ Quốc hội, những kết quả đáng chú ý có thể kể đến như: Hệ thống văn bản pháp luật đã ban hành, từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu; Nhiều chương trình khoa học và công nghệ được triển khai;

Một số địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện (ban hành chính sách cấp xi măng, ống cống, hỗ trợ máy trộn bê tông… để người dân tự làm đường; ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng NTM…).

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết thêm, từ năm 2014 đã có nhiều địa phương thực hiện việc hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp (cá biệt như Đồng Nai cũng đã hỗ trợ 30-40% vốn đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm).

Cách thức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới có phần nôn nóng ở một số địa phương khiến hiệu quả chương trình chưa cao.

Nhiều tỉnh khác còn ban hành chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, mua máy móc nông nghiệp. Có tỉnh còn ban hành chính sách thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhờ vậy đã góp phần thúc đẩy chương trình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM của Đoàn giám sát, tính đến ngày 31/12/2015 cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí NTM, Nhưng con số này tăng rất mạnh trong năm nay, đến tháng 9/2016 đã có 2.045 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí NTM; có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM.

Tổng hợp lại sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Cụ thể, có 98,74% số xã đạt tiêu chí quy hoạch (tăng 72,01% so với năm 2011), 36,43% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn (tăng 33,2% so với năm 2011); 61,37% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi (tăng 45,87% so với năm 2011); 82,38% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn (tăng 38,06% so với năm 2011).

Với những thay đổi kể trên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Lo nợ đọng, sợ thiếu bền vững

Tuy nhiên, đằng sau nhiều kết quả đáng khích lệ kể trên thì cũng không ít vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Theo trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng, tổng cộng trên 15 nghìn tỷ đồng và cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán. Cụ thể, 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng NTM cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, số nợ đọng này chưa lớn, chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện. Trong quá trình giám sát, các địa phương cho biết sẽ sử dụng quỹ đất đấu giá lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, bao giờ bán được đất thì vẫn chưa có câu trả lời.

Cùng lo ngại về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không đồng tình với việc nợ đọng tại địa phương chưa xử lý xong, nhưng cứ cố xây dựng NTM để lại nợ tiếp. Trong khi đó, nếu kiến nghị ngân sách hỗ trợ để trả nợ sẽ dẫn đến tình trạng cứ vay nợ, cứ đầu tư rồi sẽ được xử lý, được ưu tiên giải quyết nợ. Như vậy là không đúng với quy chế tài chính và không hợp lý với thực tiễn.

Thậm chí có ý kiến còn lo rằng, tư tưởng của đội ngũ cán bộ địa phương nặng về “xin tiền” chứ chưa nghiên cứu các cách làm tiên tiến, hiệu quả để áp vào việc xây dựng NTM. Nhiều nơi có tư tưởng nóng vội, cố đạt bằng được 19 tiêu chí để được công nhận là xã NTM, nên làm cho qua, cho được, vì vậy chất lượng thấp.

Nếu không cân nhắc, cân đối và tính toán lại một cách cẩn thận, thì càng có nhiều xã được công nhận chuẩn NTM theo đúng 19 tiêu chí đã ban hành thì sẽ lại có thêm bấy nhiêu công trình công cộng không cần thiết, gây thất thoát lãng phí cũng như tỷ lệ nợ đọng vốn để đầu tư cho NTM gia tăng.

Thực tế này cũng được chính ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới cảnh báo. Theo ông Thủy, sự bất cập trong xây dựng NTM hiện nay xuất phát ngay từ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, cấp huyện. Một số nơi, chính quyền cơ sở chỉ hiểu rằng đạt được 19 tiêu chí là xây dựng xong NTM mà không hiểu rằng, bản chất của xây dựng NTM chính là tạo ra giá trị mới định hướng cho sự phát triển.

Không phủ nhận rằng, việc hoàn thiện bộ tiêu chí, nhất là tiêu chí về điện – đường – trường – trạm thì dễ dàng nhìn thấy hơn là các tiêu chí mềm liên quan tới nội dung tổ chức lại sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, xây dựng cho nông dân đời sống văn hóa tinh thần, vệ sinh môi trường nông thôn.

Cho tới nay, hầu hết các báo cáo chỉ dừng ở việc tổng kết bao nhiêu km đường được xây dựng, huy động vốn cho xây dựng NTM trong đó có phần đóng góp của nhân dân là bao nhiêu. Trong khi đó, con số nợ đọng, sự tồn tại và hoạt động của các hợp tác xã, các bãi rác đạt chuẩn ở nông thôn, bãi chứa xe và thu nhập gia tăng của người nông dân cụ thể thì còn đang để ngỏ.

Một thực tế nữa cũng không thể không thừa nhận là đa số nông dân hiện nay còn ở trình độ yếu và chưa cao. Trong khi đó, với giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, bản thân người nông dân phải là con người “kép”: vừa là người sản xuất, vừa là người quản lý, người giám sát, người hạch toán. Quá trình sản xuất hiện nay như một vòng quay nhanh, khép kín, nếu thiếu các kỹ năng, tất yếu sẽ bị chệch khỏi bánh quay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong cuộc họp cho ý kiến về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 ngày 13/9 vừa qua, cho biết có 3 vấn đề nổi lên trong xây dựng NTM đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Cụ thể: Các tiêu chí của NTM phải có đặc điểm, đặc thù và mức độ phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương chứ không thể vùng nào cũng giống nhau được; xây dựng NTM phải phù hợp với mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu đi liền với đô thị văn minh; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc với xây dựng NTM để tránh dàn trải, lãng phí.

“Quy định xã nào cũng phải có chợ, nhưng thực tế sinh hoạt của người dân và do địa lý nên nhiều xã chung một chợ cũng chẳng sao, vẫn tốt. Trong khi đó, mỗi xã có một chợ thì chợ chẳng ai muốn họp, xây chợ để đấy lãng phí vô cùng. Nhà văn hóa, đường giao thông làm sao vùng nào cũng 3 mét theo quy định được, như miền núi và hải đảo mà làm 3 mét đường thì lấy đất với tiền đâu ra mà làm?” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn giải về vấn đề đã nêu ra.

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều nơi. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực sự và hạn chế tối đa những phát sinh không đáng có, rất cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp trong thực tế hiện nay.

Khánh An

Diễn đàn

Bài học cũ cho nông thôn mới

5 năm qua, cụm từ “xây dựng nông thôn mới” trở nên quen thuộc với toàn xã hội. Với một quốc gia có tới 70% dân số liên quan đến “tam nông” như Việt Nam, Chương trình này quả là cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, đi liền với những kết quả, lợi ích, sau 5 năm được triển khai và ở thời điểm Chương trình này bước vào giai đoạn mới cũng gợi lên nhiều lo lắng.

Xây dựng, phát triển nông thôn không phải bây giờ mới được thực hiện, việc này đã được bắt đầu bền bỉ từ hàng nghìn năm trước, với sự chung tay của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Nhờ vậy đã hình thành nên nông thôn Việt Nam với hình hài, diện mạo và thần thái như ngày nay…

Tuy nhiên, 5 năm qua, công việc này đã được triển khai với quy mô rất lớn, tập trung nguồn lực, với các kế hoạch, mục tiêu, tiêu chí được “số hóa”, định lượng cụ thể tới từng con số, từng chi tiết. Sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Những công trình, phần việc cụ thể phải làm thì liên quan, bao trùm mọi mặt của đời sống, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường, quốc phòng-an ninh…

Cả từ Trung ương tới 63 tỉnh thành đều xem, xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm chính trị; huy động tổng lực trí tuệ, sức người, sức của để thực hiện. Chỉ xét riêng con số hơn 263 nghìn tỷ đồng được cả nước huy động trong 5 năm qua cho mục đích xây dựng NTM đã nói lên quy mô của Chương trình.

Đi liền với những kết quả, lợi ích, sau 5 năm Chương trình xây dựng NTM được triển khai và ở thời điểm Chương trình này bước vào giai đoạn mới cũng gợi lên nhiều lo lắng, phân vân. Lo lắng lớn nhất là sau 5 năm triển khai Chương trình, nhiều địa phương đã “kịp” để lại một khoản nợ đọng khổng lồ, mà theo số liệu mới được công bố lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng, mà một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra là do chính quyền nhiều địa phương phê duyệt đầu tư dàn trải, sai quy định.

Thực tế trên cho thấy chặng đường tiếp theo của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là việc phải giải quyết dứt điểm khoản nợ đọng xây dựng mười mấy nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới đây.

Thuận lợi nhất của Chương trình ở giai đoạn mới có lẽ là nhiều bài học đã được rút ra sau 5 năm Chương trình được thực hiện. Những bài học đó là gì? Không thể có chuyện lạm thu, biến NTM thành gánh nặng của dân nghèo khiến lòng người bất an. Không thể chỉ chăm chăm lo cho “cái vỏ” NTM mà quên đi “cái ruột” là phát triển sản xuất đi liền với gìn giữ văn hóa, bản sắc làng quê. Và ở đó, mọi việc, nhất là chuyện tiền bạc phải được giám sát, trong đó có giám sát của cộng đồng.

“Đường đi” của đồng tiền, trong đó có những đồng tiền do người dân nghèo chắt chiu đóng góp phải được đảm bảo minh bạch, không bị “ném” qua cửa sổ, không bị xà xẻo, được đầu tư đúng chỗ và phát huy hiệu quả.

Cuối cùng, vẫn cần cần phải nhắc lại, mục tiêu lớn nhất của xây dựng NTM là phải giúp đời sống của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn sung túc hơn, đủ đầy hơn, an toàn hơn và bớt lo toan hơn; không cần, không phải, không muốn rời bỏ làng quê của mình. Không đạt được những điều này, dẫu có đạt chuẩn NTM thì cũng không có nhiều ý nghĩa…

Trần Duy Hưng

Bình luận

Xây dựng nông thôn mới- tiêu chí cũng cần đa dạng!

Trong 5 năm vừa qua, Chương trình Nông thôn mới đã góp phần thay đổi tư duy của nhân dân, giúp mọi người không chỉ nhìn nông thôn như lĩnh vực kinh tế cơ bản, như nguồn tài nguyên cần khai thác hay địa bàn cần trợ giúp nhân đạo mà còn thấy tầm quan trọng tổng hợp của nó. Thay đổi tư duy về nông thôn là giá trị quan trọng của phong trào Nông thôn mới. Có thể nói bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã bảnh bao hơn và nông thôn trở nên “gần gũi” với đô thị hơn trong 5 năm vừa qua. TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về chính sách nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định như vậy khi nói về Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Ở Việt Nam chúng ta cần có định hướng phát triển phù hợp cho từng địa phương nên tiêu chí cũng cần đa dạng.

TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về chính sách nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các tiêu chí là nội dung chính đã được phê duyệt và thực hiện của cả chương trình. Nếu được bàn thì cần làm rõ mục đích đặt ra tiêu chí. Ở nhiều vùng phát triển của Trung Quốc, nông thôn mới được định hướng trở thành đô thị, nên các tiêu chí đô thị hóa được đề ra cho phát triển nông thôn. Ở nhiều nước Bắc Âu, mục tiêu phát triển nông thôn phải bảo tồn văn hóa cổ truyền nên nhiều tiêu trí bảo tồn các giá trị truyền thống được giám sát. Ở Việt Nam chúng ta cần có định hướng phát triển phù hợp cho từng địa phương nên tiêu chí cũng cần đa dạng.

Ví dụ, những vùng nông thôn định hướng phát triển du lịch kết hợp, như Đường Lâm, ở Bắc Hà (Lào Cai) chẳng hạn, cả làng phải đạt tới các tiêu chí giữ gìn cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, và phát triển dịch vụ, đào tạo nghề du lịch, học ngoại ngữ… Tất nhiên các tiêu chí về kiến trúc nhà cửa, các công trình xây dựng, thậm chí các khía cạnh văn hóa như ăn mặc, ẩm thực,… cũng phải duy trì nét xưa.

Hay như làng nghề Đồng Kỵ, hay Bát Tràng, cả làng chuyên buôn bán hay làm nghề thủ công. Công tác phát triển nông thôn phải đảm bảo cơ sở hạ tầng thuận tiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ phục vụ buôn bán, tập kết nguyên vật liệu, cung cấp nguyên vật liệu và vận chuyển hàng hóa. Việc bảo vệ môi trường, xử lý chất thải phải đặt ra nghiêm ngặt như các khu công nghiệp… Việc quy hoạch cơ sở hạ tầng phải đảm bảo thông thoáng, thuận tiện như các vùng đô thị hiện đại. Công tác đào tạo nghề phải gắn với hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Như vậy, mỗi làng, mỗi huyện, mỗi tỉnh, và cả đất nước phải định ra con đường trong tương lai của mình mở ra như thế nào, và từ đó mới có thể đề ra tiêu chí xây dựng và phát triển thực sự phù hợp. Việc đặt ra những tiêu chí chung để cả nước noi theo vừa khó đáp ứng sự đa dạng của mục tiêu phát triển và điều kiện tự nhiên, xã hội của các vùng, vừa tạo ra một cuộc chạy đua không cân sức giữa các vùng có điều kiện kinh tế phát triển thuận lợi với những vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.

PV

Dư luận

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:

Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, phải đảm bảo phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội địa phương chứ không thể nôn nóng. Bởi vì, mục tiêu cốt lõi của chương trình NTM là tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp về Chương trình Nông thôn mới:

Chúng ta đặt ra 19 tiêu chí, nhưng sau đó có đề nghị phải đi đến các vùng miền để đánh giá lại. Tới đây Chương trình Nông thôn mới sẽ phải làm chuyện này. Đúng là 19 tiêu chí đó áp mang dụng cho tất cả các vùng miền là không phù hợp. Khi thiết kế các tiêu chí này chúng ta mới thiên về đồng bằng, miền núi cần những tiêu chí khác.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới:

Sau 5 năm triển khai, bộ tiêu chí nông thôn mới gồm 19 điểm đã bộc lộ nhiều bất cập. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự sửa đổi. Trong 5 năm qua, cơ quan quản lý đã 2 lần trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bộ tiêu chí. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt với những tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng trong một số trường hợp dẫn đến nhiều công trình làm ra không hiệu quả, thậm chí lãng phí. Vì vậy, căn cứ vào Nghị quyết 100 của Quốc hội giao cho Chính phủ sửa đổi bộ tiêu chí, đến thời điểm này, bộ tiêu chí đã sửa đổi xong và sẽ ban hành trong giai đoạn 2016 – 2020.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn:

Chương trình xây dựng NTM được coi như một cuộc cách mạng lâu dài, tác động nhiều mặt đến đời sống tinh thần của xã hội, nông dân, nông thôn. Vì vậy không thể làm nóng vội, chạy theo phong trào để rồi trả giá với những món nợ khổng lồ, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của một chủ trương mang tầm quốc gia./.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/can-dieu-chinh-tieu-chi-cho-phu-hop/