Chương trình vinh danh Văn hóa Nam bộ - Từ cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương

Sáng 14-1, tại Đường sách TPHCM, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ phối hợp với Đường sách tổ chức buổi tọa đàm chủ đề Từ cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương.

Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ thông tin và giá trị của cuốn sách "Cầm ca tân điệu". Ảnh: THÚY BÌNH

Tham dự buổi tọa đàm có Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, TS Nguyễn Lê Tuyên, Nhà báo Hà Đình Nguyên, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cùng các khách mời: TS Nguyễn Phước Hiền (Phó Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), ông Nguyễn Đông Hòa (Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group), Thạc sĩ Châu Minh Tâm (giảng viên Nhạc viện TPHCM) cùng đông đảo người mộ điệu văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đường sách TPHCM rộn ràng âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương. Ảnh: THÚY BÌNH

Buổi tọa đàm đã chia sẻ nhiều thông tin về lịch sử hình thành và ra đời của loại hình âm nhạc truyền thống đờn ca tài tử Nam bộ, nhắc đến công lao đóng góp của các vị nhạc sư trong dòng chảy lịch sử khẩn hoang dựa trên nền tảng nhạc cung đình Huế, các loại hình âm nhạc dân gian, để từ đó tạo nên một bản sắc mới phù hợp với tâm tư, tình cảm, khát vọng của người dân vùng đất Phương Nam.

Cầm ca tân điệu của tác giả Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc viết vào năm 1926 là một cuốn sách mang tính lịch sử và đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ.

Tiết mục biểu diễn chặp cải lương Thương Tết quê nhà. Ảnh: THÚY BÌNH

Cuốn sách chứa đựng 60 bài tài tử, bao gồm 20 bản tổ và 40 bài khác, được phát triển để đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương khi đó.

Nội dung của các bài ca trong cuốn sách mang tính luận đề và giáo huấn, dạy trở thành con người tốt trong xã hội, dựa trên các điển tích trong văn học cổ và các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nam bộ.

Sách được in song song với chữ nhạc và lời ca, rất dễ đọc đối với những người theo đuổi nghệ thuật đờn ca tài tử. Cũng có thể xem, cuốn Cầm ca tân điệu như một “bí kíp” của giới đờn ca tài tử, cung cấp và hướng dẫn chi tiết từ cách lên dây đến tiết tấu và nhịp điệu trên cây đàn kìm, giúp người học dễ tiếp thu.

Cuốn sách được TS Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam tại các thư viện và trung tâm nghiên cứu ở Pháp.

Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ quan điểm về công việc sáng tác các bài ca cổ. Clip: THÚY BÌNH

Theo Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, cuốn Cầm ca tân điệu đã trở thành tài liệu mang tính quy chuẩn chung để cho tất cả các nhạc sĩ trên cả ba miền đất nước, có thể làm phương tiện trao đổi, học hỏi và hòa đàn ca hát chung. Dựa trên các lòng bản của tác phẩm, đã có nhiều soạn giả tuồng hát, bài ca cổ sáng tác biết bao tác phẩm đúng chuẩn mực về dấu và chữ nhạc. Có thể xem đó là cái gốc để tạo nên hoa nên trái, làm giàu đẹp phong phú hơn cho các bài bản sau này.

Đối với diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ, trong hơn 20 năm làm nghề, anh đã sáng tác hơn 150 tác phẩm chặp cải lương, nhằm phục vụ hoạt động du lịch và chia sẻ tại nhiều trường học phổ thông, đại học, tại các bảo tàng… Nội dung các tác phẩm chặp cải lương ca ngợi tinh thần nhân nghĩa, tình yêu quê hương đất nước, sự yêu chuộng hòa bình, nhân ái.

Theo TS Nguyễn Phước Hiền, Phó Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Hát chặp cải lương với nội dung súc tích, lôi cuốn sẽ dễ dàng tiếp cận với người trẻ trong thời đại mới. Tôi tin rằng hát chặp cải lương sẽ là phương tiện cực kỳ quan trọng giúp cho diện mạo du lịch trở nên hấp dẫn hơn”.

Tại buổi tọa đàm, bên cạnh việc được tiếp nhận và mở rộng thông tin, kiến thức về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương trong đời sống hiện nay, đông đảo khán giả đã được thưởng thức một số bài ca hay như: Dòng sông bến hẹn, Non sông thanh bình, Đàn tranh Việt Nam, chặp cải lương Thương tết quê nhà…

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuong-trinh-vinh-danh-van-hoa-nam-bo-tu-cam-ca-tan-dieu-den-hat-chap-cai-luong-post722692.html