Chương trình Táo Quân đổi diện mạo mất giá trị

Chương trình Táo Quân đêm giao thừa Tết Giáp Thìn đã khiến nhiều người thất vọng. Thật sự, những người yêu mến chương trình Táo Quân hơn hai thập niên qua ít ai ngờ một điểm hẹn mang ý nghĩa 'gặp nhau cuối năm' trên truyền hình quốc gia lại bị thay đổi diện mạo đến mức giảm hẳn giá trị đã tạo dựng rất lâu trong lòng công chúng. Vì sao tiếng cười lại biến thành lời chê với chương trình Táo Quân 2024?

Đầu tiên phải tái khẳng định, chương trình Táo Quân là một thương hiệu của VTV, dù VTV không phải nơi xuất phát ý tưởng Táo Quân. Trước đây, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã làm chương trình Táo Quân trên màn ảnh nhỏ, cực kỳ ăn khách. Thế nhưng, chương trình Táo Quân trên Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh chẳng kéo dài được bao lâu, vì nhiều danh hài như Bảo Quốc, Duy Phương, Kim Ngọc, Hồng Vân… không còn cộng tác. Mặt khác, khi chương trình Táo Quân ra đời trên VTV thì sức lan tỏa của kênh truyền hình quốc gia có biên độ lớn hơn đã khiến chương trình Táo Quân ngậm ngùi chấm dứt trên Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình Táo Quân 2024 nôn nóng "tre già măng mọc".

Một mình một cõi, lại phát sóng đúng thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chương trình Táo Quân nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của giới mộ điệu. Dù những người không hứng thú xem thể loại hài kịch cũng phải thừa nhận giá trị của chương trình Táo Quân đối với cộng đồng. Bởi lẽ, chương trình Táo Quân thông qua câu chuyện tâm linh Táo Quân hằng năm lên chầu Ngọc Hoàng để báo cáo mọi việc trần gian, đã góp phần phản ánh những bộn bề, những ngổn ngang của xã hội một cách dí dỏm. Thời sự mỗi năm một khác, vì vậy nội dung chương trình Táo Quân mỗi năm mỗi góc độ để thể hiện, để tung tẩy mà không sợ sự nhàm nhán hay sự quẩn quanh. Vấn đề cốt lõi duy nhất để bận tâm là kịch bản như thế nào và trình diễn như thế nào.

Công bằng mà đánh giá, chương trình Táo Quân trên VTV đã tìm kiếm và vun bồi được một dàn diễn viên tài năng và phù hợp với tiêu chí của một điểm hẹn “gặp nhau cuối năm”, như Quốc Khánh, Chí Trung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Công Lý… Dàn diễn viên này đã làm nên hồn vía cho chương trình Táo Quân và ngược lại, chương trình Táo Quân cũng giúp dàn diễn viên này đến gần hơn với khán giả khắp nơi. Đây là một mối quan hệ tương hỗ, cho nên thù lao nhiều hay ít cho mỗi vai diễn không hề quan trọng nữa, dù vài người trong số đó đã có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hay đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đơn vị nghệ thuật.

Vậy mà, sửng sốt thay, chương trình Táo Quân 2024 đã thay hết dàn diễn viên kia, chỉ giữ lại vai Ngọc Hoàng cho Quốc Khánh. Có phải một ý tưởng gửi gắm sâu xa gì chăng? Không phải, bởi lẽ nếu có ý tưởng gì thì chính nhân vật Ngọc Hoàng đã phát ngôn rồi. Có phải một số diễn viên “thâm niên” đã quay lưng với chương trình Táo Quân không? Theo tìm hiểu của chúng tôi, câu trả lời là không phải. Nguyên nhân thay dàn diễn viên là những người cầm trịch chương trình Táo Quân muốn có sự đổi mới. Ái chà chà, đổi mới đâu đơn giản là “đổi” cái cũ đã ổn định để lấy cái “mới” còn mơ hồ. Quy luật tre già măng mọc, cũng phải nhìn xem “tre” còn dẻo dai không và “măng” đã trưởng thành chưa. Lấy một chồi măng nhỏ xíu để thay thế một cây tre cao vút thì làm sao nên kèo nên cột?

Không một nghệ sĩ gạo cội nào muốn ngáng đường nghệ sĩ trẻ, và cũng không có khán giả nào ác cảm với nhân tố triển vọng. Thế nhưng, hãy nhớ rằng chương trình Táo Quân là thương hiệu của đài truyền hình quốc gia, chứ không phải sân khấu tư nhân tha hồ thể nghiệm theo sở thích riêng tư.

Mỗi chương trình Táo Quân không chỉ được thực hiện vì bản sắc văn hóa của kênh giải trí giao thừa mà còn phải gìn giữ tình cảm của khán giả như một sự tôn trọng cần thiết. Muốn đổi chỗ cho “tre già” thì cũng phải chờ “măng mọc” thành tre, đạo diễn không nên vội vàng và diễn viên càng không nên miễn cưỡng. Tôn trọng khán giả và tôn trọng nghề nghiệp, có lẽ là bài học đầu tiên của nghệ sĩ cần nghiêm túc tuân thủ.

Không muốn nặng nề phán xét, nhưng xin chân thành nêu một thắc mắc: diễn viên chưa bao giờ tham gia một vở tấu hài ngắn thì làm sao kham nổi những trường đoạn tung hứng trong chương trình Táo Quân? Vai diễn đắc ý ở phim truyền hình không thể đảm bảo cho khả năng quăng bắt tình huống ở một chương trình hài kịch.

Diễn viên nữ Thanh Hương được giao hai vai trong chương trình Táo Quân đã bày tỏ khá thật thà: “Lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, không hề lười biếng chút nào nhưng tôi hiểu chúng tôi còn thiếu sót rất nhiều. Suốt thời gian tham gia Táo Quân 2024, chúng tôi đã được các anh chị trong nghề như anh Quốc Khánh, chị Tú Oanh, anh Đỗ Thanh Hải… chỉ bảo rất tận tình. Còn việc chưa đạt được kỳ vọng từ khán giả, chúng tôi cũng chỉ biết sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Thú thực, chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ thay thế hay so sánh với các anh các chị làm Táo quân trước đó. Các vai diễn trong chương trình đã là thương hiệu của các anh chị ấy trong suốt 20 năm qua”.

Những bộc bạch của diễn viên nữ Thanh Hương rất đáng thông cảm, nhưng cũng cho thấy trách nhiệm từ phía những người thực hiện chương trình Táo Quân trong cơn nôn nóng “tre già măng mọc”. Vai Nam Tào của Đỗ Duy Nam, vai Táo Văn thể của Tú Oanh, vai Táo Kinh tế của Quốc Quân, vai Táo Giao thông của Bá Anh hay vai Táo Xã hội của Quân Anh đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn hài kịch mà công chúng mong đợi ở chương trình Táo Quân”. Lỗi không phải ở họ, vì họ cũng có tài năng nhưng tài năng bị đặt nhầm chỗ.

Hội đồng Thiên Lôi không đủ sức gây cười.

Bây giờ, thử “cận cảnh” chương trình Táo Quân 2024 để xem sự đổi mới ra sao. Thay vì diễn biến theo mô típ các Táo Quân rồng rắn nối nhau lên chầu Ngọc Hoàng, thì chương trình Táo Quân 2024 cho Ngọc Hoàng cùng Nam Tào làm một chuyến “vi hành” rồi mới nghe Táo Quân báo cáo. Ý tưởng không mới, và cuộc “vi hành” cũng dắt díu các chi tiết dông dài và dễ dãi. Những sự kiện của xã hội được phản ánh không “tinh” và không “bén” nên dàn trải và thiếu lôi cuốn. Lẽ ra, phải chắt lọc để chọn lựa điểm nhấn và khai thác thật sâu sắc, thật hấp dẫn theo đúng phong cách hài kịch, chứ không thể giống như bảng liệt kê tin tức tổng hợp.

Hơn nữa, 45 phút đầu tiên của Táo Quân 2024 xoay quanh Hội đồng Thiên Lôi và một số nhân vật, cứ đốp chát và huyên náo như một hội chợ hàng giá rẻ ở nông thôn. Một hạn chế khác của chương trình Táo Quân 2024 là lồng ghép quảng cáo quá lộ liễu và thô vụng. Ngay cả chi tiết Ngọc Hoàng thương cảm hai em nhỏ chia nhau gói mì mà cũng sống sượng chèn mấy câu quảng cáo sản phẩm thì không thể phân bua hành vi xem thường khán giả.

Sau chương trình Táo Quân 2024 đêm Giao thừa, trên các diễn đàn mạng đã xuất hiện không ít ý kiến bỉ bai. Người xem có quyền yêu ghét của họ, vì có mến mộ chương trình Táo Quân thì người xem mới theo dõi. Và phần lớn các nhận xét trên mạng xã hội đều có lý. Ví dụ, “xem mãi mà cười không nổi” hoặc “nhạt nhẽo, không có cao trào, diễn viên đọc thoại như trả bài”, hoặc “dàn diễn viên diễn non nớt, không gây được ấn tượng, không tạo được kịch tính” hoặc “format vi hành cứ như xem Gala cười, miếng hài thì cứ trôi tuột”.

Vậy thì, có nên tiếp tục làm chương trình Táo Quân không? Nên chứ. Đó là một đặc sản truyền hình, vừa mang tính báo chí vừa mang tính nghệ thuật. Ngoài việc củng cố dàn diễn viên, cần chú trọng hơn ở khâu kịch bản. Chương trình Táo Quân không thể chấp nhận thứ kịch bản vá víu tùy tiện với tràn lan những câu thoại vô thưởng vô phạt. Ngay cả hai sự kiện được nhắc đến trong chương trình Táo Quân 2024 là thực trạng chung cư mini và mê hồn trận hợp đồng bảo hiểm, nếu khéo léo cài cắm sẽ bật ra được nhiều chi tiết cười ra nước mắt. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhạc chế cũng phải được cân nhắc thêm, tránh sa vào sự dung tục và nhảm nhí.

Hài kịch chưa bao giờ là thể loại kém thử thách cho giới sáng tạo. Sàn diễn chỉ cần vài cảnh lâm ly sẽ khiến khán giả rơi nước mắt, nhưng muốn khán giả bật cười thì phải đầu tư gấp năm, gấp mười. Đời sống nghệ thuật hôm nay không thiếu những tác giả có sở trường viết hài kịch, quan trọng là chương trình Táo Quân có đủ cởi mở và chân thành để mời họ góp sức hay không mà thôi.

Và điều quan trọng, xây dựng thương hiệu quá khó, gầy dựng được thương hiệu rồi, tự nhiên đập bỏ đi để xây cái mới, phải chắc chắn cái cũ lỗi thời, cái mới hay hơn, xuất sắc hơn thì hẵng thay. Thay mà khiến cho khán giả bị tổn thương cả nghe lẫn nhìn vì cảm giác bị coi thường, nhất là trong một khung giờ “kim cương” phát sóng mỗi năm chỉ có một lần thì quả là không thể chấp nhận được. Dẫn đến khán giả quay lưng, thất vọng thì ê kíp sản xuất Táo Quân 2024 nên xem xét lại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/chuong-trinh-tao-quan-doi-dien-mao-mat-gia-tri-i723176/