Chương trình phổ thông tổng thể - lo 'vỡ trận'?

Bộ GD-ĐT mới công bố Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể. Tổng chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn, việc dạy ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp... là những điểm mới của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể. Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý về chương trình từ nay cho đến ngày 29/4/2017.

Học sinh liệu có khó khăn hơn khi học chương trình mới không hề được giảm tải? (Ảnh minh họa)

Không hề giảm tải?

Ngay sau khi Dự thảo được công bố, đã có nhiều lo ngại rằng, năm 2018 chương trình mới này được thực hiện mà hiện thầy cô vẫn chưa hình dung được sẽ dạy ra sao khi hiện chưa nhìn thấy sách. Chưa hiểu được sẽ chuẩn bị bài giảng ra sao? Và nữa, SGK chương trình có quá tham vọng không khi ôm đồm quá nhiều môn học khi mà người làm chương trình kì vọng giảm tải? Đó là điều không đơn giản…

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, “khi đọc xong tôi cũng khá băn khoăn và lo lắng. Phương châm của chương trình lần này là giảm tải một cách tối đa cho học sinh nhưng khi đọc kỹ mới thấy việc tích hợp các môn học đang gây khá nhiều khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.

Dự kiến năm học 2018 sẽ đưa chương trình GDPT tổng thể vào dạy tại các trường nhưng cho đến giờ sách vẫn chưa hoàn thiện. Đó là chưa kể việc tập huấn cho giáo viên sẽ thế nào? Liệu chúng ta có đảm bảo được đúng tiến độ? Tôi nghĩ, cái khó nhất của chương trình khi đi vào thực tiễn là liệu cơ sở vật chất của chúng ta có đáp ứng không nhất là ở những vùng kinh tế còn khó khăn”.

GS Ngô Việt Trung - Viện Toán học Việt Nam thì cho rằng chương trình GDPT tổng thể này đang đặt ra quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu và rất khó có thể thực hiện. Nhất là chương trình dành cho bậc tiểu học, số lượng môn học không hề giảm tải so với chương trình cũ mà thay vào đó là những môn như Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… là quá nhiều trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản nhất.

Trong những băn khoăn của bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng THPT Thực nghiệm, HN thì điều băn khoăn lớn nhất là việc cho phép học sinh lựa chọn môn học sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị nhân sự khi chương trình đi vào thực tế. Bởi vì, mỗi năm học sinh sẽ đăng ký khác nhau. Năm nay học sinh sẽ đăng ký nhiều môn Sử - Địa nhưng năm sau đăng ký nhiều Lý-Hóa-Sinh. Vậy năm trước vừa tuyển thêm giáo viên các môn Sử - Địa, đến năm sau học sinh không đăng ký nữa thì trường sẽ phải xử trí ra sao?

Môn tự chọn- gây khó cho nhà trường?

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT đưa có quá nhiều môn học bắt buộc với học sinh và trải nghiệm sáng tạo không phải là một môn học riêng rẽ. Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng ông không rõ Dự thảo dựa trên cơ sở nào để đưa các môn học bắt buộc bao gồm giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất và hoạt động sáng tạo.

“Theo tôi, giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung thực hiện trong phạm vi nghĩa vụ quân sự, như vậy hiệu quả, chất lượng hơn. Giáo dục thể chất cũng như giáo dục nghệ thuật nên giành cho các hoạt động CLB phù hợp với sở thích và năng khiếu từng cá nhân” - TSKH Tiến nêu ý kiến.

Mặt khác, theo GS. Ngô Việt Trung hiện đang có một quan niệm sai lầm về chương trình SGK hiện nay. Giáo dục phổ thông là lĩnh vực ít thay đổi trên toàn thế giới. Vì những kiến thức cần dạy cho học sinh là kiến thức sơ đẳng nhất, cơ bản nhất, phục vụ cho việc hiểu thế giới chứ không phải chạy theo thế giới. Trong khi chúng ta liên tục thay đổi SGK, liên tục thay đổi chương trình. Nên chăng có thể nhập khẩu chương trình, SGK của các nước hay không?

Về dạy hai ngoại ngữ, nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT WellSpring (Hà Nội) bày tỏ, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ngoài những môn học bắt buộc (trong đó có tiếng Anh) thì ngay từ lớp 10, học sinh có thể chọn ngoại ngữ 2 là môn tự chọn. Thực tế thì các trường THPT chưa đáp ứng được việc giảng dạy nhiều ngoại ngữ.

Do nhiều trường chưa có đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học đáp ứng được việc dạy và học ngoại ngữ này.Hiện nay, một số trường THPT có dạy thêm ngoại ngữ 2, học sinh lựa chọn rất ít. Do đó, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, các trường phải có sự rà soát, thống kê xem ngoại ngữ 2 nào được học sinh lựa chọn nhiều để sắp xếp giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất tương ứng.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/chuong-trinh-pho-thong-tong-the-lo-vo-tran-329908.html