Chương trình OCOP ở Yên Bái - nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương

Là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, Yên Bái đã, đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) và coi đây là mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn…

Vùng bưởi xã Đại Minh, huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Vùng bưởi xã Đại Minh, huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

CHẮP CÁNH CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP BAY XA

Bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình là giống bưởi ngon được nhiều nơi biết đến bao đời nay và là sản vật dùng để tiến vua một thời và được đánh giá là một trong bảy giống bưởi quý, thơm ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, do trước đây bà con chỉ quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái… theo truyền thống nên giá trị kinh tế chưa cao.

Xây dựng thương hiệu

Từ khi vùng bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao, gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân ở thôn Khả Lĩnh cũng như hàng trăm hộ dân khác trong xã đã chuyển đổi trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia chuỗi sản xuất hữu cơ, giá trị từ cây bưởi được nâng lên, rễ cây khỏe hơn, quả đẹp hơn và để được lâu hơn… Theo đó, quả bưởi Đại Minh được các doanh nghiệp bao tiêu, phân phối gần như toàn bộ. Với cách làm này, năm 2023, vườn bưởi của ông Ân cho thu hoạch được 15 tấn quả bưởi Đại Minh cùng 15 tấn bưởi loại khác và thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng.

"Trước đây, về kỹ thuật tôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của bản thân và không am hiểu nhiều về khoa học, kỹ thuật. Tham gia Chương trình OCOP, tôi được các nhà khoa học tập huấn kỹ thuật kết hợp giữa kỹ thuật với kinh nghiệm của mình trong sản xuất nên cây bưởi đã cho quả sáng đẹp, chất lượng tốt lên và hy vọng sẽ vươn xa ra thị trường” - ông Ân chia sẻ.

Anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đặc sản bưởi Đại Minh cho biết: "HTX có 12 thành viên sản xuất, kinh doanh bưởi. Sản phẩm bưởi của HTX đã đạt chất lượng OCOP 3 sao. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng hữu cơ. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, chúng tôi kiểm tra, phân loại từng trái như về mẫu mã, độ đường, cân nặng… theo phân loại A, B, C và dán nhãn”.

Là sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP 3 sao trong tốp đầu của tỉnh, sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được đánh giá cao và đạt chuẩn sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết, xã có trên 300 hộ dân sản xuất chè với diện tích hơn 100 ha đều là chè giống mới và chủ yếu là chè Bát Tiên chất lượng cao. Hầu hết sản phẩm chè búp tươi của Bảo Hưng được HTX và bà con trong xã tự chế biến chè xanh nội tiêu, xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu canh tác theo cách làm truyền thống, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý đã làm giảm năng suất, chất lượng của chè thì đến nay, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, xã đã vận động nhân dân nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển Chương trình khí sinh (QSEAP); thực hiện mô hình "Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để bao tiêu sản phẩm cho bà con, Bảo Hưng đã thành lập được 9 tổ hợp tác và 1 HTX sản xuất, tiêu thụ chè. Các tổ hợp tác và HTX đều lựa chọn quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến… đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.

Ông Phạm Văn Bàn - Giám đốc HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng hồ hởi bày tỏ: "Xác định rõ uy tín, chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng nhất, HTX đã liên kết chặt chẽ với các tổ hợp tác và các nhóm hộ sản xuất chè để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch. Khi mua sản phẩm chè búp tươi, chúng tôi cũng lựa chọn những vườn chè được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP".

Thúc đẩy lan tỏa

Xác định, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP.

Năm 2023, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn tuyên truyền về Chương trình OCOP trên toàn tỉnh với 1.440 lượt người tham gia. Qua đào tạo, tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến các địa phương nắm được những kiến thức cơ bản của Chương trình để tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể và cộng đồng dân cư thực hiện. Các chủ thể hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung triển khai thực hiện Chương trình.

Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh đã có 237 sản phẩm OCOP; trong đó, có 25 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao. Cụ thể, ngành thực phẩm 171 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 12 sản phẩm; ngành thảo dược 22 sản phẩm và ngành đồ uống 16 sản phẩm; ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng 16 sản phẩm.

Chương trình OCOP đã huy động được 127 chủ thể tham gia; trong đó, có 29 doanh nghiệp, chiếm 22,8%; 69 HTX, chiếm 54,3%; có 26 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, chiếm 20,5%; 3 tổ hợp tác, chiếm 2,4%. Số lượng sản phẩm OCOP phân bố hài hòa, cụ thể: thành phố Yên Bái có 30 sản phẩm; thị xã Nghĩa Lộ có 18 sản phẩm; huyện Yên Bình có 38 sản phẩm; Lục Yên có 19 sản phẩm; Văn Chấn có 26 sản phẩm; Văn Yên có 43 sản phẩm; Trấn Yên có 43 sản phẩm; Trạm Tấu có 10 sản phẩm và Mù Cang Chải có 10 sản phẩm.

Ông Nhâm Xuân Trường - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Yên Bái chia sẻ: Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; các sở, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch để chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Chương trình.

Chương trình được tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm; đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước. Sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng; được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch; các địa phương trong tỉnh đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn...

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP là hướng đi đúng; là một trong những giải pháp góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn phát triển nội lực của mỗi địa phương với điều kiện tự nhiên, văn hóa của cơ sở...

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TĂNG TÍNH CẠNH TRANH

Huyện Văn Yên những năm qua đã triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Sau hơn 5 năm, toàn huyện có 43 sản phẩm được công nhận. Quyết tâm đưa sản phẩm vươn xa, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nỗ lực giữ vững thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Chuối tiến vua Yên Hợp” sản phẩm quả tươi đóng hộp của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương, vì vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được các hộ chú trọng.

Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Đây còn là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, HTX vận động thành viên và người dân trong xã mở rộng diện tích, trồng và thu hái chuối theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khách hàng chọn lựa sản phẩm tại gian hàng giới thiệu của Hợp tác xã Quế Văn Yên.

Khách hàng chọn lựa sản phẩm tại gian hàng giới thiệu của Hợp tác xã Quế Văn Yên.

Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX tâm sự: "Chuối tiến vua Yên Hợp là sản phẩm được dùng thường xuyên trong các bữa ăn của gia đình, nhu cầu sử dụng cao nên từ khâu lựa chọn sản phẩm, chúng tôi yêu cầu rất kỹ. Quy trình sản xuất phải an toàn, sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ hội để cơ sở cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng hơn”.

Có vùng quế lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 55.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000 ha. Tận dụng lợi thế có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao, HTX Quế Văn Yên được thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Đến nay, HTX đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, được thị trường đón nhận; trong đó, có 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Yên Bái gồm: bột quế, tinh dầu quế, lọ tăm quế, quế thanh, quế điếu và trà quế hồng sâm.

Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX thông tin: "HTX Quế Văn Yên xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ gắn với vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, không còn phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó tiến hành phát cỏ bằng máy. Đối với quá trình khai thác, sau khi bóc quế từ trên đồi về, phải phơi trên giàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế an toàn, hữu cơ sẽ có giá bán ổn định và cao hơn so với quế thường. Từ đó, nâng cao thu nhập cho thành viên, tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Theo quy định, sau 3 năm công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không bảo đảm thì sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Có thể thấy, Chương trình OCOP tuy mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân khu vực nông thôn nhưng nếu không giữ vững được chất lượng nguy cơ các sản phẩm OCOP bị thu hồi chứng nhận rất cao. Vì vậy, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các chủ thể, chính quyền địa phương. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần linh hoạt, có giải pháp cụ thể và chiến lược phát triển sản phẩm OCOP lâu dài.

Văn Yên hiện có 43 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 40 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Ông Trần Đình Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chia sẻ: "Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy, khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, huyện vận động các doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất sản phẩm OCOP, luôn luôn nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, không chạy theo số lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng, sàn thương mại điện tử.

Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng theo các quy định hiện hành; vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại...

Hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, quy hoạch, giám sát chặt chẽ vùng trồng nguyên liệu để tiến tới xây dựng đăng ký mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, không phát triển sản phẩm OCOP tràn lan chạy theo phong trào, thành tích, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác".

Toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP

Tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh Yên Bái có 237 sản phẩm OCOP. Theo đó, có 25 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 171 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí có 12 sản phẩm; ngành thảo dược 22 sản phẩm; ngành đồ uống 16 sản phẩm; ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng 16 sản phẩm.

Chương trình OCOP đã huy động được 127 chủ thể tham gia; trong đó, có 29 doanh nghiệp tham gia (chiếm 22,8%); có 69 HTX tham gia (chiếm 54,3%), có 26 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh tham gia (chiếm 20,5%); 3 tổ hợp tác (chiếm 2,4%).

Số lượng sản phẩm OCOP phân bố đều theo từng địa phương; trong đó, thành phố Yên Bái có 30 sản phẩm; thị xã Nghĩa Lộ có 18 sản phẩm; huyện Yên Bình có 38 sản phẩm; huyện Lục Yên có 19 sản phẩm; huyện Văn Chấn có 26 sản phẩm; huyện Văn Yên có 43 sản phẩm; huyện Trấn Yên có 43 sản phẩm; huyện Trạm Tấu có 10 sản phẩm; huyện Mù Cang Chải có 10 sản phẩm.

Ngoài ra, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức,...). Sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu, bước đầu lựa chọn được 10 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.

Phạm Quang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/322664/chuong-trinh-ocop-o-yen-bai---nang-tam-gia-tri-san-pham-dia-phuong.aspx