Chương trình nghệ thuật 'Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm': Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước

Tối ngày 22/7, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật 'Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm'.

Ngã ba Đồng Lộc - địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng tự hào dân tộc

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm” được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, 55 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2023), 55 năm Chiến tích Làng K130 - huyện Can Lộc (13/8/1968-13/8/2023), 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).

Đây là hoạt động thường niên do Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan tổ chức thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; tri ân những hy sinh, cống hiến to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Đồng Lộc.

Toàn cảnh Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm". Ảnh: Thành Đạt

Phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất Ngã ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu hàng nghìn, hàng vạn tấn bom đạn. Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10/1968, có gần 2.000 đợt không kích, với hơn 43 nghìn quả bom các loại của đế quốc Mỹ đã thả xuống nơi đây.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại chương trình. Ảnh: Thành Đạt

Không chịu khuất phục trước sự tàn bạo của kẻ thù, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân ở vùng đất lửa Đồng Lộc đã ngày đêm “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “địch phá một, ta làm mười”, bảo đảm mạch máu giao thông cho tiền tuyến.

Giữa gang tấc của cái chết và sự sống, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân mưu trí, dũng cảm. Tiêu biểu nhất là sự hy sinh của 10 đóa hoa trinh liệt thanh niên xung phong vào ngày 24/7/1968.

Tấm gương hy sinh của 10 liệt nữ thanh niên xung phong, sự xả thân của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc; tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” của Làng K130 và những chiến công, địa danh bất tử khác ở Hà Tĩnh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam; minh chứng cho ý Đảng, lòng dân, khích lệ toàn quân, toàn dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Phát huy bề dày văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Xô Viết anh hùng, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 và những địa danh khốc liệt năm xưa nay đã trở thành những vùng quê trù phú, địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại chương trình. Ảnh: Thành Đạt

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, sự hy sinh của các anh, các chị, của 10 bông hoa trinh liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, cùng với những chiến tích thấm đẫm máu đào của các anh hùng, liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước, và tấm lòng yêu nước, hết lòng đi theo Đảng, theo cách mạng của nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, để nhiều tên tuổi, nhiều địa danh trên mảnh đất hình chữ S này trở thành những di tích lịch sử cách mạng, để thế hệ sau luôn ghi nhớ, tri ân và tiếp nối.

"Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm" - thông điệp đó đòi hỏi mỗi chúng ta có trách nhiệm tiếp nối mạch nguồn văn hóa, mạch nguồn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Ghi nhận và đánh giá cao truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh, nhất là bước chuyển mình mạnh mẽ của địa phương sau 32 năm tái lập tỉnh, Phó Chủ tịch nước mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công với cách mạng; đầu tư phát triển những nơi chiến trường xưa, những địa bàn còn khó khăn; tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, anh hùng và cách mạng của quê hương, khơi dậy ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh; tiếp tục viết nên những kỳ tích Núi Hồng - Sông La trong thời kỳ mới.

Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm", gồm 3 chương: “Xe chưa qua nhà không tiếc”; “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”; “Thênh thang đường mới” được dàn dựng công phu, do các ca sĩ, nghệ sĩ thành danh trên cả nước biểu diễn là sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, thơ, dân ca, ví dặm, kịch nói, sự chuyển biến linh hoạt, giàu tính nghệ thuật đã tái hiện sinh động khát vọng vươn tới hòa bình của nhân dân ta.

Góp phần làm nên sự thành công của chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Sự kiện là dịp để các đơn vị, cá nhân, các thế hệ sau cùng thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của anh hùng liệt sỹ, thương binh đã cống hiến cho đất nước, qua đó, cũng là dịp để mỗi người hiểu biết hơn truyền thống lịch sử của dân tộc, của đất nước và biết quý trọng hòa bình hơn.

Tiết mục biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm". Ảnh: Thành Đạt

Các cựu thanh niên xung phong và các lực lượng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc tham dự chương trình. Ảnh: Thành Đạt

Nguồn: Báo Nhân Dân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-coi-thieng-dong-loc-noi-mach-ngan-nam-khoi-day-manh-me-tinh-than-yeu-nuoc-179230722232033279.htm