Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm: Lan tỏa văn hóa và tinh thần dân tộc

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh tạo sinh kế, điều cốt yếu nhất của Chương trình OCOP chính là lan tỏa câu chuyện văn hóa và hồn cốt dân tộc.

Thưa ông, Chương trình Mỗi xã phường 1 sản phẩm (OCOP) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai 5 năm nay. Đến nay, chương trình đã phủ sóng 63 tỉnh thành phố. Xin ông cho biết một số đánh giá về những hiệu quả mà chương trình đã đạt được?

Từ ý tưởng bảo vệ và phát triển các làng nghề, năm 2009, Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ làng nghề, thí điểm chương trình OCOP trên cơ sở kinh nghiệm và sự hỗ trợ của tổ chức Jica của Nhật Bản.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP một cách có bài bản, hệ thống gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp tỉnh Quảng Ninh tổ chức sơ kết chương trình. Từ những kết quả bước đầu khả quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành xây dựng đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg.

Hiện nay, chương trình đã lan tỏa ra 63 tỉnh thành và tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Vì chương trình đã tập trung phát triển kinh tế nông thôn, vùng sâu vùng xa, đưa sản phẩm đặc sản phẩm ra tiêu dùng nội địa và thậm chí xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chương trình giúp cải thiện đời sống của nhân dân, các vùng miền nông thôn, đúng chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân của chúng ta.

Ngoài ra, chương trình giúp cung ứng cho thị trường thêm các sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng hơn và người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn. Chương trình còn giúp đưa thêm công nghệ vào vùng sâu vùng xa và vừ qua, chuyện bán livestream cam, bưởi, nhãn ở Sơn La rất phổ biến, được bà con dân tộc tiếp thu rất nhanh. Và cuối cùng, chương trình giúp nâng cao đời sống của bà con vùng núi, nông thôn đang có thu nhập thấp vươn lên bằng với các khu vực khác.

Có ý kiến cho rằng chương trình OCOP không đơn thuần mang lại sinh kế cho người dân nông thôn mà đằng sau OCOP còn là văn hóa các vùng miền, là văn hóa của quốc gia dân tộc. Ông có thể phân tích kỹ hơn về ý kiến này?

Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện, câu chuyện văn hóa, câu chuyện lịch sử, câu chuyện đời sống vùng miền, nguồn gốc xa xưa của cha ông chúng ta và ngày nay ta kế thừa. Đó là vấn đề ngoài sinh kế cho bà con nông dân. Khi tiêu thụ sản phẩm OCOP là ta đã lan tỏa câu chuyện văn hóa vùng miền từ vùng này sang vùng khác, để những câu chuyện đó có sức sống và sự trường tồn.

Thêm nữa, chương trình sẽ giúp kết nối các vùng miền, miền núi với miền xuôi, giữa các tỉnh thành phố với tình thân ái, liên kết và tương trợ cộng đồng.

Chương trình còn giúp mở mang dân trí, đường giao thông, internet, công nghệ đưa vào vùng này và đào tạo đội ngũ làm sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chung của Việt Nam và OCO nói riêng trên sân nhà và cả xuất khẩu.

Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện văn hóa, lịch sử, câu chuyện đời sống vùng miền

Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện văn hóa, lịch sử, câu chuyện đời sống vùng miền

Đặc biệt, hiện nay, hàng hóa của chúng ta đã xuất khẩu đi rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả sản phẩm OCOP. Khi xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra nước ngoài là xuất khẩu cả tinh hoa, xuất khẩu câu chuyện văn hóa Việt Nam. Đây là hồn cốt của các thương hiệu sản phẩm, cũng là hồn cốt của thương hiệu Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả, hiện nay còn 1 khó khăn của chương trình là số sản phẩm mang dấu 5 sao còn ít, hoặc việc tiêu thụ sản phẩm ít nhiều còn khó khăn. Ông chia sẻ gì về những khó khăn này?

Số sản phẩm OCOP 3 sao hiện chiếm nhiều nhất, khoảng 50%, số lượng sản phẩm 5 sao còn ít. Tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu. Còn sau này, chúng ta hoàn toàn có thể nâng các sản phẩm lên 5 sao hoặc lên cao nữa. Và điều quan trọng hơn cả là đã đạt 5 sao rồi thì đừng để tụt xống, phải giữ bằng được thương hiệu để sản phẩm vươn xa.

Trong thương trường có câu nói thế này: “Xây dựng được trận địa đã khó, giữ được trận địa còn khó khăn hơn”. Cho nên giữ 5 sao là khó, đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, từ môi trường trồng trọt chăn nuôi, đất nước sạch, chăm bón… để đưa sản phẩm OCOP xanh hơn, tuần hoàn hơn, vươn xa hơn.

Sau chặng đường 5 năm với nhiều thành công, theo ông nên chú trọng vào giải pháp nào để chương trình OCOP đạt được hiệu quả tốt hơn trong tương lai?

Thứ nhất vai trò của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các bộ ngành là quan trọng. Chính quyền địa phương có quan đến các vấn đề chính sách, mở rộng đất đai, nhân lực, xúc tiến thương mại và có những chia sẻ về khó khăn thuận lợi; trợ cấp khi có thiên tai hạn hán… thì sản phẩm sẽ có động lực phát triển.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp phải khép mình vào kỷ cương kỷ luật, nghiêm chỉnh để đảm bảo hàng hóa của ta có chất lượng, phục vụ đến tận tay người tiêu dùng một cách có trách nhiệm.

Cái thứ ba là phải liên kết được giữa sản xuất và phân phối. Các siêu thị phải mở rộng cửa đón sản phẩm OCOP, không được lấy chiết khấu cao, chèn ép sản phẩm vì làm như vậy là chính chúng ta hại chúng ta.

Cuối cùng, công tác xúc tiến sản phẩm cần được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn. Các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên tuyền theo hướng người Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP nếu sản phẩm thực sự đạt hiệu quả, chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

Đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Có 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-moi-xa-phuong-mot-san-pham-lan-toa-van-hoa-va-tinh-than-dan-toc-249602.html