Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ có những nội dung gì?

Chiều 17/4, tại Phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 20/5 – 27/6.

Kỳ họp bất thường lần thứ 6 đã hoàn thành chương trình đề ra

Trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 6 diễn ra trong 0,5 ngày ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra.

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh, công tác nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị ĐBQH.

Hồ sơ tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng; các thông tin liên quan đến nhân sự được chuẩn bị rõ ràng, cung cấp kịp thời, tạo thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Các vị ĐBQH đã nghiên cứu, thể hiện rõ chính kiến đối với các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp.

Phiên họp thứ 32 của UBTVQH chiều 17/4.

Kết quả của Kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan hữu quan; tinh thần trách nhiệm của các vị ĐBQH; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri và nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được 17/17 ý kiến góp ý của các cơ quan, trong đó, cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung kỳ họp; một số ý kiến đề nghị các vấn đề cụ thể; Chính phủ đề nghị điều chỉnh lùi thời gian trình 1 nội dung và bổ sung 13 nội dung khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về KT-XH, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH tự nghiên cứu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày các báo cáo.

Về cách thức tiến hành và dự kiến chương trình chi tiết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị: Tăng thời gian thảo luận ở hội trường của dự án Luật BHXH (sửa đổi) lên 1 ngày; (2) Bố trí thảo luận nội dung về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, do kết quả thực hiện năm 2023 là năm bản lề để đánh giá sơ bộ việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 và đưa ra những dự báo và giải pháp để đạt được mục tiêu năm 2030.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét, đồng ý với đề nghị của Thường trực Ủy ban Xã hội về thời gian thảo luận dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đối với nội dung về kết quả thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến có thể bố trí thảo luận nội dung này cùng với các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về KT-XH.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 27/6/2024, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và ngày 8/6). Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 là 17 ngày: Từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; Đợt 2 là 9 ngày: Từ ngày 17/6 đến sáng ngày 27/6/2024.

Ông Bùi Văn Cường cho biết thêm, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuong-trinh-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-se-co-nhung-noi-dung-gi-169240417162004045.htm