Chương trình cồng chiêng cuối tuần tạm dừng trong tiếc nuối

Thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, chương trình 'Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm' sẽ tạm dừng sau gần 2 năm tổ chức.

Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức từ cuối tháng 4-2022 nhằm quảng bá, bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh.

Từ đó đến nay, chương trình hoạt động thường xuyên bên đường Anh Hùng Núp (khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku) vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần. Chương trình được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá là mô hình mới, hấp dẫn, khuyến khích cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: Chương trình là hình thức bảo tồn tại chỗ hiệu quả, góp phần hồi sinh cồng chiêng Tây Nguyên khi môi trường nguyên thủy đã mai một trước tốc độ phát triển và đô thị hóa.

Gần 2 năm qua, “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” trở thành món ăn tinh thần và được đánh giá là sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) là người nêu ý tưởng tổ chức chương trình và nỗ lực cùng các đồng nghiệp duy trì chương trình trong gần 2 năm qua.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết, từ khi khởi sự vào cuối tháng 4-2022, chương trình được duy trì bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong 6 tháng cuối năm 2023, chương trình được Nhà nước hỗ trợ (Dự án 6). Điều đó minh chứng cho sức hút của chương trình và sự yêu mến của mọi người dành cho hoạt động văn hóa này.

Đội cồng chiêng làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) biểu diễn trong một chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”. Ảnh: N.B

“Năm 2023, do kinh phí cấp cho chương trình giải ngân muộn nên còn dư khoảng 200 triệu đồng. Theo quy định không thể dùng trong năm 2024. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, trong khi chờ tiền từ ngân sách, những người tổ chức đã chung tay đóng góp gần 170 triệu đồng để tổ chức 7 đêm cồng chiêng cuối tuần. Nhưng, chúng tôi không thể tiếp tục duy trì chương trình này lâu hơn nữa nên thông báo chính thức tạm dừng từ thứ bảy (ngày 2-3).

Đây là điều đáng tiếc đối với sinh hoạt văn hóa đã được duy trì đều đặn suốt 2 năm qua, được người dân và du khách dành cho nhiều sự yêu thương, đón nhận”-Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho hay.

Việc chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tạm dừng đã gây nên sự tiếc nuối đối với những người đã gắn bó và dành sự yêu mến cho hoạt động văn hóa này.

Anh Rcom Buss-Thành viên đội cồng chiêng TP. Pleiku, người có nhiều đêm trình diễn trong chương trình-bày tỏ: “Thật là tiếc. Mong rằng sắp tới, Gia Lai có những chương trình cồng chiêng khác để văn hóa Tây Nguyên được bay xa hơn nữa. Nhờ có chương trình mà người dân và các nghệ nhân có ý thức hơn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản cồng chiêng”.

Còn anh Nguyễn Quốc Tuân (45/7 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) thì chia sẻ: “Tôi thường đưa con ra Quảng trường Đại Đoàn Kết thưởng thức cồng chiêng cùng các tiết mục văn nghệ dân gian của nghệ nhân đến từ các buôn làng trong tỉnh. Con gái tôi rất thích chương trình này.

Trước đây, muốn thưởng thức không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo này thì phải về làng. Cồng chiêng những ngôi làng xa xôi càng lạ, hay và hấp dẫn. Khi được thưởng thức và trải nghiệm cồng chiêng ngay tại trung tâm thành phố là điều quá tuyệt vời. Vì vậy, giờ đây khi phải chia tay một chương trình đã gắn bó lâu như vậy không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều cảm thấy tiếc nuối và hụt hẫng”.

Chương trình luôn thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: N.B

Mặc dù “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tạm dừng nhưng nhiều người hy vọng sẽ sớm có chương trình tương tự để tạo không gian trải nghiệm, giải trí vào mỗi tối cuối tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.

“Kinh phí để chi trả cho các nghệ nhân mỗi đêm diễn là 250 ngàn đồng/người, mỗi đoàn khoảng 35-40 nghệ nhân. Cùng với một số chi phí khác thì mỗi đêm diễn, số tiền chi trả cho mỗi đoàn khoảng 20-35 triệu đồng, tùy đoàn ở xa hay gần.

Do đó, bất cứ khi nào có nguồn kinh phí cho chương trình, những người tổ chức sẽ lại đưa cồng chiêng cuối tuần đến với khán giả, chúng ta gặp nhau trong chan chứa tình cảm như buổi đầu tiên”-Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ thông tin.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuong-trinh-cong-chieng-cuoi-tuan-tam-dung-trong-tiec-nuoi-post267655.html