Chương mới cho quan hệ Anh-EU trong thời kỳ hậu Brexit

Giới quan sát đang kỳ vọng rằng thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland sẽ mở ra một 'chương mới' trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU.

Ảnh tư liệu: Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 11/12/2017. AFP/TTXVN

Giới quan sát đang kỳ vọng rằng thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ mở ra một “chương mới” trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận được ký kết ngày 27/2 đã loại bỏ một loạt bất đồng giữa hai bên về Nghị định thư Bắc Ireland mà chính phủ của cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đàm phán với EU.

Nếu thỏa thuận này không đổ vỡ dưới áp lực chính trị, chính phủ của Thủ tướng Sunak có thể nhận được sự ủng hộ không chỉ với nỗ lực ổn định thị trường tài chính sau dự thảo ngân sách gây tranh cãi của cựu Thủ tướng Liz Truss vào năm ngoái, mà thỏa thuận này có thể cung cấp một giải pháp lâu dài hơn cho các vấn đề gai góc nhất liên quan đến hậu Brexit.

Thỏa thuận mới - còn được gọi là “Khuôn khổ Windsor”, cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland, đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU.

Khuôn khổ Windsor thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU.

Hàng hóa như thuốc men, thực vật, xúc xích, bưu kiện và thú cưng cũng được vận chuyển dễ dàng giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, xóa bỏ “biên giới ở Biển Ireland”.

Theo thỏa thuận mới, mặc dù ECJ vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề thị trường chung ở Bắc Ireland, vai trò của tòa án này bị giới hạn.

EU đã đồng ý với cơ chế mang tên “phanh Stormont” - được đặt tên theo cơ quan lập pháp ở Belfast - để ngăn chặn việc EU đưa ra các quy định mới có tác động đáng kể đến Bắc Ireland. Điều này nhằm mục đích giải quyết những lo ngại rằng Nghị định thư Bắc Ireland buộc Bắc Ireland phải tuân theo các quy tắc và quy định của thị trường chung EU mà không có bất kỳ tiếng nói nào. Bên cạnh đó, Anh sẽ nắm quyền kiểm soát thuế giá trị gia tăng và trợ cấp nhà nước trong khu vực. Đây được coi là những thay đổi đáng kể trong các vấn đề từng mang tính “bất di bất dịch” của EU.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng, tác động của thỏa thuận đối với nền kinh tế rộng lớn của Vương quốc Anh sẽ khá hạn chế. Thương mại với Bắc Ireland chiếm một tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế Vương quốc Anh. Và nền kinh tế Bắc Ireland đã hoạt động rất tốt sau Brexit, không giống như phần còn lại của đất nước, vì Bắc Ireland vẫn là một phần của thị trường chung EU. Nhiều thách thức mà kinh tế Vương quốc Anh phải đối mặt về bản chất không liên quan đến Brexit nhưng lại trở nên trầm trọng hơn khi dòng lao động không thể tự do di chuyển, và vấn đề này lại nằm ngoài phạm vi của các cuộc đàm phán Brexit.

Tuy vậy, bất cứ bước tiến nào cũng đáng được hoan nghênh. Bà Von der Leyen đã nhấn mạnh rằng, Anh sẽ lại có thể tham gia vào chương trình tài trợ cho khoa học mang tên Horizon của EU - giải tỏa sự lo lắng của nhiều trường đại học và phòng thí nghiệm đang phải đối mặt với nguy cơ bị cắt tài trợ vì sự bế tắc trong đàm phán về Bắc Ireland./.

Mai Ly (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuong-moi-cho-quan-he-anh-eu-trong-thoi-ky-hau-brexit/283020.html