Chung vui ngày hội Đại đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái

Đã thành truyền thống, hàng năm vào dịp kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), ngày 18/11 đồng bào người dân tộc khắp nơi lại tổ chức nhiều hoạt động như các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho hộ nghèo...

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn làng. Đặc biệt, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp thường gắn tổ chức Ngày hội với các hoạt động cụ thể, như xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng có ý nghĩa với cộng đồng.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500 km2), diện tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh lên tới 13.745 km2, là tỉnh đa dạng về dân tộc, toàn tỉnh có dân số 1.197.628 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số với 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.

Thế nên, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở nơi đây cũng đa dạng sắc màu. Ghi nhận của PV ở huyện miền Núi Quỳ Hợp (Nghệ An) có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Thái, Thổ.

Tại xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có 12 xóm có 3 dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh, Thái, Thổ), chủ yếu là dân tộc Thái chiếm 57,4%. Ngày 18/11, mọi người đều chung vui bên nhau ngày hội, cùng nhau hát ca, nhảy múa...

Ngày hội thêm phần vui hơn khi xã Châu Đình kết hợp khánh thành nhà văn hóa xóm bản Điểm. Chung vui, 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ hòa mình làm 1, cùng nhảy múa chúc mừng ngày Đại đoàn kết.

Trong ngày, nhiều xóm của các xã khác đã cùng nhau tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ghi nhận tại xóm Mo mới, xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) với cộng động các dân tộc Kinh, Thái, Thổ sinh sống, nhưng đa phần là cộng đồng người dân tộc Thổ đã tô điểm 1 sắc màu văn hóa đặc trưng của xã.

Với truyền thống ngày đại đoàn kết, phần hội luôn tưng bừng ở khắp các xóm. Những cô gái bên đôi chân trần, nhảy sạp bên tiếng cồng chiêng và trống.

Bà Hoàng Thị Tuấn Anh, CT ủy ban MTTQ xã Nghĩa Xuân (H. Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 hàng năm. Các khu dân cư trên địa bàn xã chúng tôi lại tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội đại đoàn kết là nét đẹp truyền thống của các khu dân cư, thể hiện tinh thần đoàn kết các khối dân tộc để mọi người xích lại gần nhau.

Ông Trương Văn Hoa – xóm Mo mới, xã Nghĩa Xuân (H. Quỳ Hợp, Nghệ An) là 1 nghệ nhân thổi kèn đã được 20 năm nói: "Tôi rất vui mừng khi mỗi năm đến ngày này bà con lại cùng nhau chung vui, các hoạt động giao lưu văn nghệ đúng bản sắc của người dân tộc Thổ vẫn được bản tồn từ đời ông cha để lại. Và hi vọng lớp trẻ sau này sẽ kế thừa được các nét văn hóa không làm mai một đi các giá trị đó.”

Trong tiếng kèn hòa lẫn tiếng trống, là đồng bào người dân tộc Thổ thể hiện các điệu nhảy, múa đặc trưng của mình.

Mọi người ai cũng hớn hở, vui tươi. Với bộ đồng phục đặc trưng của dân tộc mình nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, trống.

Các điệu múa, điệu hát là đặc trưng của dân tộc đã được người già truyền lại cho lớp trẻ và đã được bảo tồn.

Theo lãnh đạo xã Nghĩa Xuân cho biết, cộng đồng người dân tộc thổ ở xã chiếm số lượng đông đảo, thế nên việc bảo tồn bản sắc dân tộc xã đã có kế hoạch từ trước. Với những ngày lễ, hội, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

"Hàng năm đến ngày 18/11, ngày Đại đoàn kết dân tộc, chúng tôi lại tổ chức các trò chơi dân gian như nhảy sạp, kéo co, múa…" - Bà Trương Thị Duyên, PCT xã Nghĩa Xuân cho biết.

Kéo co là hoạt động cũng không thể thiếu trong ngày hội. Đặc trưng hơn là đội kéo co chỉ toàn nữ giới.

Điều này đã mang đến tiếng cười cho cả người già và trẻ.

Phần hội của bà con đồng bào dân tộc nơi đây kéo dài cho đến đêm, khi mặt trời xuống núi là những đống lửa trại được đốt lên.

Cộng đồng các dân tộc lại cùng nhau nhảy múa xung quanh ánh lửa hồng.

Ngày hội Đại đoàn kết đã và đang là dịp để người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-vui-ngay-hoi-dai-doan-ket-phat-huy-tinh-than-tuong-than-tuong-ai-post273096.html