Chúng tôi là 'phát thanh viên' Tàu KN-290!

Những ai từng đi công tác tại Trường Sa sẽ vinh dự được Quân chủng Hải quân trao tặng huy hiệu 'Chiến sĩ Trường Sa'. Đó là phần thưởng vô giá sẽ được chúng tôi cất giữ, nâng niu suốt đời. May mắn hơn những người khác cùng chuyến công tác, tôi và một số thành viên còn được Tàu KN-290 ưu ái tặng danh hiệu: 'Phát thanh viên' danh dự của tàu!

Trong mỗi chuyến hành trình, chương trình phát thanh nội bộ trên các tàu đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn là một “đặc sản”. Bởi trong hoàn cảnh thiếu sóng điện thoại, thiếu mạng Internet, phát thanh là cách thông tin hiệu quả và cũng là món ăn tinh thần cho các đại biểu trong suốt gần chục ngày lênh đênh ngoài biển.

Còn nhớ, trước khi lên đường, tôi được các chỉ huy tại tòa soạn dặn dò rất kỹ: “Em hãy nhiệt tình tham gia các hoạt động trên tàu, đặc biệt là phát thanh nội bộ. Cố gắng phát huy chuyên môn của mình ngay cả khi tàu chưa cập đảo. Làm phát thanh trên tàu sẽ bổ trợ cho em nhiều thông tin để tác nghiệp sau này!”. Tôi háo hức tìm hiểu về cách làm phát thanh trên các tàu công tác Trường Sa và chủ động tham khảo kinh nghiệm của những phóng viên đi trước. Chị Nguyễn Trần Anh Thu, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, một đồng nghiệp đã từng đi Trường Sa năm ngoái nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi của tôi. Chị còn cười “bật mí”: “Cứ lên tàu và trải nghiệm, em sẽ thấy đấy là Studio phát thanh có một không hai của đời phóng viên”.

Buổi chiều đầu tiên sau khi tàu rời cảng, tổ phát thanh chính thức hoạt động với vỏn vẹn… 6 “biên chế”, do Thượng tá Vũ Quý Ninh, Phó trưởng phòng Tuyên huấn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm tổ trưởng. Bản tin phát thanh đầu tiên, mỗi thành viên đều háo hức lên cabin từ rất sớm. Dẫu đã được phân công cụ thể, hằng ngày chỉ cần 2 giọng đọc nam - nữ, nhưng hôm đó toàn đội đều tự giác có mặt, để hỗ trợ, giúp đỡ nhau và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Không giống như tôi từng tưởng tượng, “phòng thu” phát thanh của chúng tôi chỉ là một chiếc máy điện thoại để bàn, không micro, không bàn trộn, không tường cách âm. “Vậy mà chuyến nào các phóng viên trên tàu cũng làm phát thanh cực hay chỉ bằng cái máy điện thoại này đấy!” - Thượng tá Phạm Quang Tiến, phóng viên Báo Hải quân, người có hơn 40 lần tác nghiệp ở Trường Sa cười với tôi.

Phóng viên Quang Tiến, Báo Hải quân Việt Nam (bên trái) đọc bản tin phát thanh trên cabin tàu KN-290. Ảnh: Hữu Ninh

Đúng 17 giờ 30 phút, anh Quang Tiến và tôi đứng trước cabin chỉ huy. Anh thành thạo nhấc chiếc điện thoại bàn, ấn dãy số gồm 3 chữ số, hệ thống loa trên tàu bắt đầu có tiếng nhạc hiệu của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Giọng anh dõng dạc vang vọng khắp con tàu: “Kính mời thủ trưởng, cùng toàn thể các đồng chí đón nghe bản tin nội bộ của Đoàn công tác số 2, được phát thanh trực tiếp từ Trung tâm chỉ huy Tàu KN-290...”. Cả cabin gần chục con người đều im lặng. Ai cũng cố gắng di chuyển khe khẽ, nhẹ nhàng, ra hiệu với nhau bằng tay, bằng mắt để tiếng phát thanh đạt chất lượng cao nhất.

Từ khi lên tàu, thay vì được liên lạc với người nhà, người thân, thì mỗi cuối chiều, các đại biểu lại chờ đón một chương trình phát thanh đặc biệt. Nhờ có bản tin phát thanh, đoàn công tác nắm được lịch hoạt động trong ngày, biết được thông tin cần thiết về điều kiện địa lý, hoạt động quân sự - quốc phòng của các điểm đảo sắp tới, còn được lắng nghe các tiết mục âm nhạc của các nghệ sĩ văn công. Tiếng nói, tiếng hát của chúng tôi qua hệ thống loa nội bộ trên tàu, đến với từng buồng phòng, đồng hành cùng với từng đại biểu đoàn công tác. Ai cũng cố gắng lắng nghe và hầu như đều có phản hồi rất tốt với các bản tin.

Và cứ thế trong 9 ngày liền, cabin chỉ huy tàu trở thành phòng thu thanh dã chiến, chiếc điện thoại bàn trở thành micro thu âm đặc biệt. Càng về sau này, việc sản xuất bản tin phát thanh lại gặp nhiều thử thách. Bởi lịch làm việc dày đặc, mỗi ngày đoàn công tác thăm, kiểm tra 2 điểm đảo, từ 6 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Có khi về đến tàu đã sát giờ lên sóng, các anh chị em trong tổ vẫn mặc nguyên bộ quân phục đã trắng xóa muối mặn mồ hôi, để tiếp tục hội ý, gõ máy tính, chọn nhạc nền, biên tập lời dẫn… Làm phát thanh ở trong môi trường không sóng điện thoại, không có mạng Internet cũng thật khó khăn, vì không có phương tiện tìm kiếm, kiểm chứng thông tin. Nhưng thật may mắn, các thành viên của tổ đều tự ý thức được trách nhiệm của mình, ngay từ khi tàu chưa rời bến, chúng tôi không ai bảo ai, đều chủ động tìm trước tư liệu từ nhà, lưu trữ sẵn trong ổ cứng để kịp thời sử dụng. Thiếu tá Đỗ Thị Mai Hoa, Trợ lý phụ nữ Phòng Chính trị, Học viện Quân y đã chuẩn bị kỳ công rất nhiều thông tin về các đảo mà đoàn công tác đi qua. Anh Quý Ninh ghi chép rất cẩn thận từng hoạt động làm việc của thủ trưởng đoàn công tác hằng ngày. Còn anh Quang Tiến thì có sẵn một kho nhạc nền chủ đề biển, đảo. Mọi thứ ráp nối một cách nhịp nhàng, khoa học, để mỗi ngày có được 15 phút phát thanh phục vụ đoàn công tác.

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ cảm nhận trên bản tin phát thanh nội bộ.

Một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là bản tin được đón tiếp một khách mời đặc biệt trên sóng phát thanh của tàu - Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Được mời lên cabin chia sẻ cảm nghĩ về chuyến hành trình, chị vui vẻ nhận lời. Chị kể cho chúng tôi nghe về những trải nghiệm vượt sóng ra khơi, lần đầu đặt trên lên các đảo, nhà giàn. Chị kể về cuộc hội ngộ đặc biệt của chị với các đồng nghiệp - những y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang làm nhiệm vụ tại bệnh xá đảo Song Tử Tây. Trong xúc động, chị nói: “Các y, bác sĩ chúng tôi cử đến đây đều có nhiều năm kinh nghiệm, công tác tại các bệnh viện chuyên sâu. Nhưng chính trải nghiệm tại Trường Sa đã giúp cho các đồng chí trưởng thành lên rất nhiều. Ai cũng tự tin, lạc quan và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân. Tôi thật sự cảm động, tự hào về đồng nghiệp của mình".

Làm phát thanh tuy không quá vất vả, nhưng điều kiện thời tiết nắng nóng thất thường, nhiều thành viên tổ phát thanh không thể duy trì giọng đọc khỏe khoắn như ngày đầu. Chị Mai Hoa đã phải chủ động xin quân y thuốc ngậm ho để dưỡng giọng. Còn tôi cũng chẳng khá hơn. Trên bản tin phát thanh cuối cùng, với chiếc cổ họng đau rát, chúng tôi vẫn cố gắng truyền tải những dòng tâm sự rút từ ruột gan: “Tuy tất cả các thành viên còn lại trong tổ phát thanh không cùng góp giọng trên bản tin cuối cùng này, nhưng cũng đều muốn gửi lời cảm ơn tới toàn đoàn công tác, đã dành thời gian lắng nghe chúng tôi, cổ vũ tinh thần và không ngại giúp đỡ để bản tin phát thanh có thể duy trì đều đặn những ngày qua!”.

Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam,Trưởng đoàn công tác biểu dương các tập thể có thành tích xuất sắc trong chuyến công tác (Thượng tá Vũ Quý Ninh, Phó trưởng phòng Tuyên huấn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (ngoài cùng bên phải), đại diện tổ phát thanh nhận khen thưởng). ẢNH: QUANG TIẾN

Ngay khi bản tin kết thúc, chúng tôi nhận được tin vui: Tổ phát thanh là một trong các tập thể được Thủ trưởng đoàn công tác biểu dương, trao phần thưởng. Tắt máy rồi, mấy anh em nhìn nhau cùng cười nhẹ nhõm. Cho đến nay khi trở về tòa soạn, được ngồi tác nghiệp ở phòng studio, trường quay hiện đại, thi thoảng tôi bất giác bật cười và nhớ da diết chiếc cabin nhỏ, nơi chúng tôi đã từng là "phát thanh viên" danh dự của tàu KN-290!

HUYỀN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chung-toi-la-phat-thanh-vien-tau-kn-290-727612